Làng nghề “đệ nhất” chuyên phục vụ cõi âm
Chạy dọc quốc lộ 1A cũ, qua địa phận Thanh Trì hỏi thăm làng Văn Hội, chẳng mấy ai không biết. Người ta biết đến Văn Hội nhiều cũng bởi tiếng tăm “có một không hai” của ngôi làng này. Người gọi Văn Hội bằng cái tên “làng vàng mã”, kẻ khác gọi “công xưởng chế tác đồ cúng”… thế nhưng, dù “biệt danh” có được đặt như thế nào thì tựu trung, đây vẫn là ngôi làng chuyên làm các vật dụng phục vụ cho… người cõi âm.
So với các làng nghề cùng làm vàng mã ở miền Bắc thì Văn Hội có phần trội hơn cả bởi mẫu mã sản phẩm làm ra khá đa dạng và bắt nhịp cùng với sự biến thiên của thị trường. Chẳng hạn, ít năm về trước khi mẫu xe máy, nhà lầu, nồi cơm điện… còn chưa được phổ biến thì ở Văn Hội chúng đã được thiết kế và mua bán tấp nập. Khi ấy, người có nhu cầu chỉ cần tìm đến làng là có thể thoải mái sắm sửa được những thứ đồ theo ý muốn. Không chỉ vậy, những thứ đồ phục vụ tâm linh ấy còn được các nghệ nhân trong làng chế tạo khéo léo, sống động như thật.
Ghé vào một “xưởng” làm hàng mã lớn nhất nhì Văn Hội, ngơi tay trang trí những mảnh giấy sặc sỡ lên chiếc thuyền giấy để rót nước mời khách, ông Lê Văn Thắng (46 tuổi) bộc bạch: “Ở đây có khoảng 20% số người trong làng làm nghề, cái nghề này tôi nghe các cụ nói cũng vài trăm năm rồi đấy. Này nhé, đời cụ đẻ ra ông rồi ra bố tôi, tôi và mấy đứa con cũng làm nghề này. Mà tính đến nay tôi cũng có không dưới ba chục năm tuổi nghề đâu nhé”.
Có một thực tế không thể phủ nhận đối với các làng nghề truyền thống đó là chuyện giữ và sống được với nghề. Chẳng thế mà chuyện làng tranh Đông Hồ phải chuyển sang nghề in tiền âm phủ, hay làng thêu ren Thôn Nội (Mỹ Đức, Hà Nội) lụi tàn… như một minh chứng cho sự khó khăn trong phát triển các làng nghề thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, ở Văn Hội lại là câu chuyện khác. Cái nghề “phục vụ người cõi âm” mới nghe qua thấy rờn rợn này đã giúp người làng Văn Hội có cuộc sống khấm khá, con cái ăn học đàng hoàng. Hay như nói theo cách ví mộc mạc của ông Thắng, đó là hưởng cái “lộc” của nghề.
Đìu hiu trong những ngày cận Tết
“Năm nay làng làm ít lắm, kém hơn nhiều so với mọi năm…”. Đó là tâm sự thật thà của không ít người làng Văn Hội. Quả thực, Văn Hội những ngày này chìm trong bầu không khí khá ảm đạm. Chẳng thế mà khi chúng tôi ghé vào “xưởng”, thái độ của ông Lê Văn Thắng không khỏi có đôi chút ngần ngừ. Trong cái “xưởng” tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động của ông Thắng giờ chỉ thấy những “ông ngựa”, “ông voi” nằm chỏng chơ một xó, áo mũ của ông Công, ông Táo làm ra cũng ít hẳn.
Xoa tay bên miệng chén trà nghi ngút khói, ông Thắng trầm ngâm: “So với mọi năm thì giờ trầm hơn, suốt từ đầu tháng tới giờ nhà tôi cũng mới chỉ xuất được vài triệu tiền hàng, ấy là còn có các mối quen đặt từ lâu thì mới được đấy nhé. Năm nay tính ra thu nhập chỉ bằng 1/10 mọi năm”. Ngước nhìn ra đống “tiền, vàng” chất cao, nghệ nhân già hóm hỉnh: “Mọi năm cứ khoảng tháng 9, tháng 10 lúc ấy làm không kịp ngơi tay, hàng được đặt liên tục đến nỗi không dám nhận thêm, chứ giờ chả có việc mà làm, mặt ai cũng ngắn tũn…”.
Làm vàng mã, đồ cúng nghe qua tưởng chừng đơn giản, thế nhưng có thực tai nghe các nghệ nhân liệt kê khâu đoạn mới thấy bao nỗi khó khăn. “Con ngựa to này sẽ có giá khoảng 400 ngàn, trông thế nhưng nó nhiều khâu đoạn lắm, dán hoàn thiện trang trí là quan trọng nhất và lâu nhất. Nhanh thì 2 công mới xong, ngày làm mười mấy tiếng, làm đến 1, 2 giờ đêm là bình thường. Nghề nó hơi gò bó, chúng mày mà ngồi làm như thế thì không ngồi được đâu” – một nghệ nhân làm vàng mã khẳng định.
Trở lại với câu chuyện “mất mùa” ở làng Văn Hội, đặt chân đến ngôi làng nhỏ giờ đây người ta có thể nghe được tiếng lóc cóc, sột soạt của những người thợ đang cần mẫn cắt giấy, dán kéo lên những “thỏi vàng”, “ông voi”, “ông ngựa”… nhịp sống của làng nghề trở nên trầm lắng hơn. Thế nhưng, không vì thế người dân Văn Hội có cái nhìn thiếu lạc quan về cái nghề “nặng gánh tâm linh” này.
Một nghệ nhân nhắn gửi: “Chúng tôi, con chúng tôi rồi thế hệ về sau vẫn làm nghề này bởi nó là nghề tổ tiên để lại mà, không có nghề này làm sao con cái ăn học ổn định được. Tết này, sản phẩm làng làm ra không bán được mạnh nhưng năm tới là năm ngựa, tin chắc mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn…”.