Theo lời kể của các cụ, người Dao di dân từ Trung Quốc sang Việt Nam trong một quá trình dài và đến cư trú tại khu vực Hòa Bình vào khoảng 700 đến 1000 năm nay. Theo sách cúng, cộng đồng tông tộc của người Dao vượt biển để sang Việt Nam, trong quá trình trên biển đã gặp hoạn nạn, mưa to, bão lớn mịt mùng. Lúc đó mọi người chỉ biết nhìn nhau rồi quỳ xuống cầu nguyện trời, đất, thần linh nếu qua được hiểm nguy vào được đất liền lập làng, lập xóm sẽ làm Tết Nhảy để tạ ơn. Từ đó Tết Nhảy được duy trì và phát triển đến bây giờ.
Cũng theo lời các già làng, ngày xưa tổ chức Tết Nhảy trong 3 ngày 3 đêm nhưng bây giờ đã được rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải giữ nguyên bản chất của Tết Nhảy. Thường thì ở đây trung bình đời người đàn ông sau khi ra ở riêng sẽ tổ chức Tết Nhảy vài ba lần, tính theo gia phả dòng họ cứ sau 18 năm sẽ được phép tổ chức một lần để tạ ơn trời, đất, thần linh, tổ tiên.
Tết Nhảy còn là dịp để cúng tổ trạch, thần mưa, thần gió để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi điều tốt lành đến với mọi nhà. Cứ vào khoảng tháng 12 âm lịch, không khí xuân tưng bừng thì khắp các bản người Dao lại rộn rằng những đêm Tết Nhảy.
Sau 18 năm từ khi ra ở riêng, năm nay gia đình anh Lý Kim Minh, bản Bà Rà, xã Nật Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã được phép tổ chức Tết Nhảy. Anh Minh chia sẻ: “Từ khi ra ở riêng đây là lần đầu tiên gia đình anh làm Tết Nhảy nên phải chuẩn bị chu đáo, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để làm được Tết Nhảy”.
Cũng như truyền thống của người Dao quần chẹt, Tết Nhảy được chia làm ba phần chính: Tết Nguyên đán sớm, Tết Nhảy “nhặng chậm đáo” và lễ cầu mùa, cầu an. Thầy cúng báo cáo, tạ ơn tổ tiên về một năm lao động cần mẫn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của các con cháu trong gia đình. sau đó, các thầy cúng báo cáo bên âm, bày lễ lạt để chính thức bước vào Tết Nhảy. Tết Nhảy là phần chính thức của tết nên nhảy múa chiếm phần lớn thời gian.
Đến chiều tối của ngày đầu tiên khi mọi thủ tục ăn Tết Nguyên đán xong cũng là lúc tiếng trống, tiếng khèn, chiêng đồng rộn rã văng lên, trong căn nhà hẹp chật kín, mọi người từ người già đến trẻ nhỏ cùng xúm lại xung quanh để xem và cổ vũ cho những ngươi tham gia nhảy múa.
Trên vách tường, những bức tranh thờ kỳ bí chập chờn, hư ảo, bên cạnh là bàn thờ tổ tiên đặt sát góc tường, giữa nhà mười người đàn ông đứng tuổi mặc trang phục truyền thống, vẻ mặt nghiêm trang, thành kính, tay rung chuông, đưa lên đưa xuống, tay nhún nhảy di chuyển theo tiếng nhạc và động tác của thầy Cả ( người cầm “trịch” ), cộng thêm tiếng hò, tiếng hú tạo không khí tưng bừng vang cả núi rừng. Họ cứ như vậy thay phiên nhau nhảy thâu đêm suốt sáng đến khi Tết Nhảy kết thúc.