Tùy sự gắn kết và độ lớn của cộng đồng Việt ở từng nước mà lễ hội tết Việt được tổ chức to hay nhỏ, trong phạm vi lễ hội đường phố (biểu diễn múa lân, múa rồng, ca nhạc mừng xuân, chợ xuân...) hay ấm cúng riêng vài gia đình gốc Việt tụ tập cùng nhau bên mâm cơm có đầy đủ bánh chưng, bánh tét. Đều là tết cả.
Riêng lễ hội tết cổ truyền của người gốc Việt ở Bỉ hàng năm thường diễn ra trong hội trường lớn tại Brussels, phù hợp điều kiện thời tiết mùa đông bắt đầu giá lạnh. Giá vé vào cửa vừa đủ để trang trải chi phí thuê hội trường, phần còn lại do bà con “gồng gánh”, từ chế biến món ăn đến mời nghệ sĩ hát múa, lì xì, quà tặng cho trẻ em...
Nhiều khi tết Việt còn là nơi chốn lý tưởng, ý nghĩa để những người chỉ biết nhau qua mạng xã hội, qua giới thiệu làm quen, hoặc người ở miền Nam được gặp người phía Bắc nước Bỉ. “Vợ chồng em ngồi ngay ở cổng soát vé nhé, năm nay tình nguyện giúp ban tổ chức việc này”; “Sẽ mang theo ít quần áo đã mặc chật của bọn trẻ nhà tớ cho con nhà cậu, đồ còn đẹp lắm, nếu không chê. Vẫn còn giữ được xe nôi và túi ngủ đấy, lấy không để mang luôn thể?”;
“Du học sinh bọn em được nhà trường cho mượn bếp, sử dụng điện miễn phí nên tranh thủ gói bánh chưng, luộc thêm vài chiếc tặng anh chị”; “Năm nay chương trình Cơm có thịt ủng hộ trẻ em nghèo miền núi của du học sinh chúng em có làm thêm mấy món chè quê như chè bưởi, chè đậu đỏ, chè ba màu... Nhớ ghé gian hàng nhé”...