Khi vẫn còn đang học ở Việt Nam, nghe các anh chị du học sinh chia sẻ về những cái Tết xa nhà, tôi đã tự hỏi mình rằng liệu tôi có nhớ Tết, nhớ nhà khi phải sống xa gia đình? Với một đứa con gái mới 18 tuổi – cái tuổi hết trẻ con nhưng chưa đủ người lớn, du học có lẽ là một thiên đường khi không bị ai quản lý, tự chi tiêu, tự lo chuyện ăn mặc.
Du học trong suy nghĩ nhiều người là tiêu tiền của bố mẹ, chỉ có ăn, học và ngủ. Hai từ “du học” đó tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến cho bao nhiêu cô cậu sinh viên rơi nước mắt khi nhắc đến, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến, xuân về..
Lựa chọn con đường du học là lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả. Những nỗi nhớ được giấu chặt vào trong, những giọt nước mắt được che đi bằng nụ cười an tâm. Chút bỡ ngỡ về văn hóa, ngôn ngữ, con người dần trôi qua khi tôi đã thích nghi sau một thời gian học tập. Thế nhưng, khi Tết Nguyên đán đang gần kề, tôi lại nghe thấy có chút gì đó hẫng trong tim.
Tết đầu tiên xa nhà với khoảng cách gần hai nghìn cây số. Một khoảng cách không quá xa khi chỉ cần ba tiếng ngồi máy bay là có thể trở về nhà. Tuy nhiên vì lịch học không cho phép, tôi sẽ không thể trở về nhà vào dịp này và thực sự đón một cái Tết xa nhà.
Bánh chưng là một lại bánh không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của Hà Nội. Những chiếc bánh xanh mướt và vuông vức như một lời chúc cho năm mới an lành. Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản nhưng bánh chưng lại thách thức người làm phải cẩn thận và kiên nhẫn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến lúc cắt bánh.
Giữa sự hiện đại và tấp nập của Hà Nội, hiếm có nhà nào lại chuẩn bị những chiếc bánh chưng tự gói để đón Tết. Chỉ cần ra siêu thị hay chợ là đã có thể mua được những chiếc bánh cổ truyền thơm ngon và đẹp đẽ. Ấy vậy mà, cứ dịp Tết đến, cả gia đình tôi lại hì hục mua đỗ xanh, thịt mỡ, gạo nếp và lá dong để tự gói bánh.
Muốn có một chiếc bánh chưng ngon thì nguyên liệu cũng phải ngon. Cứ giữa tháng mười hai âm là cả nhà lại rồng rắn kéo nhau về quê để xin ông bà cân đỗ, cân gạo. Tôi vẫn còn nhớ như in những lúc bố phải dùng kính lão để tìm hạt sạn hay khi cả nhà thay phiên nhau giã đỗ làm nhân bánh.
Bánh chưng thì không thể thiếu thịt ba chỉ ngon, được ướp với chút tiêu, nước mắm, hành khô làm nhân. Sung sướng nhất của trẻ con là lúc gói bánh xong còn thừa chút thịt. Vì được ướp lâu và có phần đậm đà hơn nêm nếm hàng ngày nên phần thịt đó mà đem rim lên và ăn cùng cơm thì không gì ngon bằng.
Rửa lá, cắt cuống là giai đoạn mà tôi lười nhất. Trong thời tiết lạnh lẽo của đông Hà Nội, phải nhúng tay vào nước kỳ cọ từng chiếc lá thật là đáng sợ. Năm nào ỷ thế làm con tôi cũng “nhường” cho mẹ làm.