Thử thách quy định người chơi chỉ cần nhắn tin cho mẹ hoặc bố rằng: “tết này con không về được, con xin lỗi”. Nếu cha mẹ có gọi lại thì người chơi cũng không được nghe máy mà phải đợi tin nhắn, sau đó chụp lại tin nhắn phản hồi của cha mẹ và đăng lên mạng để bạn bè cùng đọc.
Đã mấy năm nay, giới trẻ chẳng thể nào thiếu được mạng xã hội. Nó đưa họ lại gần nhau và cũng tạo niềm vui cho họ nhờ các trào lưu hài hước. Tuổi trẻ luôn bồng bột với mọi suy nghĩ, chúng ta chẳng thể nào đánh giá con người chỉ bằng một vài trào lưu. Nhưng nếu dừng lại để suy nghĩ sâu hơn, để đặt mình vào địa vị của cha mẹ, liệu có bạn trẻ nào muốn dừng trò chơi này?
Các thiếu nữ, chàng trai đôi mươi còn nhớ chăng, ngày bé, ta háo hức mong đến tết biết chừng nào. Chưa đến những ngày giáp tết, ta đã ngóng trông mẹ về mỗi tối chỉ để hỏi mẹ bao giờ cả nhà cùng đi chợ tết. Đi chợ tết với mẹ, ta được mẹ nuông chiều mọi thứ, từ chiếc áo mới đến bánh kẹo loại nào, ta cũng được mẹ mua cho.
Tuổi thơ khi ấy chỉ có niềm vui với tết, được diện những bộ quần áo đẹp, ăn những món ngon, nhận bao lì xì, chơi những trò tôm cua cá. Chúng ta nào có biết mẹ phải chắt chiu, dành dụm cả năm để lo toan cho những khoản ấy.
Lớn lên rồi, ta mới biết tết của mẹ “đáng sợ” như thế nào. Ta sợ những ngày cuối năm sổ sách chất đống, sợ phải hoàn thành mọi bài kiểm tra, sợ thanh toán cho xong các con số của cơ quan, sợ cả việc phải lo chạy đôn chạy đáo từ chợ này, nhà kia để chuẩn bị cho được quà biếu, đồ cúng… tết đến là cả một “núi việc”, làm con dâu, làm mẹ rồi, ta lại càng sợ tết hơn.
Vậy còn cha mẹ thì sao? Giờ lại là lúc họ mong đến tết. Tết là dịp hiếm hoi mẹ có 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày bên các con của mẹ để cả nhà lại có dịp quây quần cùng nhau. Từ đầu tháng, mẹ đã muốn gọi điện chỉ để kìm lại nỗi háo hức được gặp các con. Nhưng mẹ cũng đâu dám gọi nhiều vì sợ các con còn bận việc. Mẹ biết rằng con còn phải ôn thi cho tốt, hoàn thành nốt bài kiểm tra cuối kỳ mới về được bên mẹ. Mẹ cũng hiểu rằng đường Hà Nội đông đúc lắm, có được tấm vé về quê đâu phải dễ dàng. Vậy là bao lần định bấm máy, mẹ lại thôi…
Mỗi mùa tết đến, ta lại muốn “đuổi” tết đi vì quá bận. Nhưng một mùa tết qua là một năm cha mẹ già thêm 1 tuổi. Nếu có về bên gia đình, hãy dừng lại ngắm nhìn đôi mắt của cha, của mẹ. Đôi mắt cha nhiều vết chân chim hơn. Sức khỏe của mẹ đã yếu đi nhiều. Họ sống chậm hơn, suốt ngày chỉ kể những chuyện xưa cũ. Rồi chúng ta hãy thử mở tủ quần áo, vẫn những bộ áo quần ngày xưa, họ chẳng muốn mua sắm gì cho bản thân mình. Khi xưa cha mẹ luôn chiều theo ý ta, giờ chúng ta đã làm được gì cho họ?
Cuộc sống náo nhiệt thường đẩy chúng ta đến một nơi xa xôi, nơi chúng ta muốn khám phá, chinh phục bản thân. Nhưng nơi ấy rất khó có thể thấy nụ cười của mẹ, gương mặt của ba, nghe được tiếng khóc của họ. Vậy thì tết là dịp để chúng ta trở về, để chúng ta lắng nghe ba mẹ nói.
Tuổi trẻ đâu thể thiếu các trào lưu của đám bạn. Nhưng dù có vui đến đâu, chúng ta cũng đừng thử thách trái tim mẹ. Thay vì khoe bạn bè các tin nhắn hài hước trên facebook, xin hãy gọi cho cha mẹ: “tết này con sẽ về!”.