Khi Tết vắng “osin”
Còn khoảng nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày với nhiều người là dịp xả hơi sau 1 năm lao động mệt mỏi. Nhưng với những gia đình có người già, trẻ nhỏ thì không khác gì “ác mộng”, bởi giúp việc không chỉ nghỉ 9 ngày mà có khi lên tới… cả tháng.
Chị Nguyễn Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc kể lại: “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2015, giúp việc nhà tôi hứa chắc như đinh đóng cột là mùng 6 sẽ lên. Tuy nhiên, tôi “mỏi mắt” chờ đến chiều mùng 6 vẫn không thấy bóng chị ấy đâu. Gọi điện thoại thì giúp việc trả lời “con chị chưa hết kỳ nghỉ Tết, chị xin nghỉ thêm 1 tuần”.
Chị Vân Anh ấm ức nói, gia đình chị có con nhỏ, bố mẹ chồng lại lớn tuổi, không thể thiếu người chăm sóc. Nghỉ Tết vợ chồng có thể cố gắng lo liệu được nhưng đến ngày đi làm, con không có người chăm, giúp việc thay thế cũng không tìm được. Mọi việc trong nhà đảo lộn hoàn toàn.
Không muốn bị động do vắng “osin” như gia đình chị Vân Anh, nên dù chưa đến Tết, gia đình chị Phạm Minh Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) đã tất bật liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm tìm người thay thế.
“Thời điểm này, các trung tâm đều đồng loạt tăng giá, có nơi hợp lý, có nơi bất hợp lý. Biết là may rủi nhưng có còn hơn không. Hy vọng với sự chủ động, năm nay gia đình tôi sẽ được đón Tết vui vẻ. Kỳ nghỉ Tết năm trước với tôi như “cực hình”. Hai vợ chồng tôi tìm đủ mọi cách mới cho con ăn được. Ngặt nỗi, lo được cho con thì việc nhà chất cao như núi. Không có người lo cơm nước, hàng quán đóng cửa nghỉ Tết, chúng tôi lại không thể ăn đồ ăn sẵn mãi được. Mệt mỏi và căng thẳng vô cùng” - chị Nguyệt than thở.
Hãy tìm đến những công ty uy tín
Thời điểm này, các trung tâm cung ứng dịch vụ giúp việc gia đình khá đắt khách. Khảo sát giá cả tại một số trung tâm được biết, mức trung bình 50 nghìn đồng/giờ và 200 nghìn đồng/ngày, ngày Tết 80 nghìn đồng/giờ và 500 nghìn đồng/ngày. Riêng các ngày từ 29 đến mùng 2 có nơi báo giá 150 nghìn đồng/giờ và 1 triệu đồng/ngày.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, thời điểm cuối năm, giá dịch vụ giúp việc gia đình luôn tăng do cung không đủ cầu. Việc tăng phí môi giới cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, yêu cầu công việc của mỗi gia đình là khác nhau, không có định mức cụ thể, nên chi phí cho giúp việc ngày Tết cũng khác nhau. Các gia đình có thể hạn chế được mức phí dịch vụ môi giới bằng cách liên hệ sớm với các trung tâm uy tín, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp, thỏa thuận rõ ràng, tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”.
Tình trạng đảo lộn cuộc sống gia đình vì thiếu người giúp việc dịp cuối năm không phải là chuyện hiếm. Tết đến, ai cũng muốn được đoàn tụ cùng gia đình. Việc nghỉ Tết của những người làm công việc giúp việc gia đình là quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, giúp việc gia đình là một nghề tương đối đặc thù.
Thông thường, các gia đình và giúp việc thường tìm đến nhau qua sự giới thiệu của người quen. Yêu cầu đối với công việc chỉ thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. Người giúp việc chưa được đào tạo, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm với công việc, người sử dụng lao động lại không thực hiện những ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, thì những chuyện bi hài trên vẫn tiếp diễn.