Facebooker Sa Lem đang chia sẻ clip người giúp việc của gia đình trong lúc tắm cho con trai của chị đã bóp miệng, dùng khăn dấp nước vào miệng cháu bé. Theo chị Sa Lem, trước đây nhiều lần chị thấy con cứ khóc ré rất to mỗi lần được người giúp việc tắm, chị nghi ngờ nên đặt camera và ghi được cảnh con bị ngược đãi.
Chị Sa Lem kể: "Mặc dù trong lúc tắm con không hề quậy phá, hay làm gì mà tắm gần xong rồi người giúp việc còn bóp mồm bóp miệng thằng bé cho nó khóc ré lên rồi lấy khăn ướt nhúng nước bịt mồm mũi cho nó sặc sụa. Rất nhiều lần con tắm mà khóc to nhưng mọi người đi qua kiểm tra thì không thấy gì. Chỉ nghĩ là con sợ gội đầu nên khóc, nhưng nhiều lần rồi sinh nghi. Hôm qua phải đặt máy điện thoại quay xem sao thì thấy người giúp việc làm như này đây. Đây là lần mà ít khóc nhất luôn nhé, còn lần nào cũng khóc to, hỏi giúp việc thì giúp việc bảo “Tôm sợ gội đầu nên khóc chứ có sao đâu”.
Nhà thì lúc nào cũng có người, không bao giờ để giúp việc phải trông con 1 mình, ăn cũng mẹ hoặc bà cho ăn, vì nhà lúc nào cũng có bà hoặc mẹ kèm cặp người giúp việc. Nhưng người này rất thâm nho, chỉ rình lúc mình vừa quay đi hoặc những lúc tắm táp cho thằng bé hay vô tình ở riêng với Tôm một tí thôi là dúi dấp, hẩy xuống đệm, véo tai trộm thằng bé doạ nó cho nó sợ”.
Liên hệ với facebooker này, chúng tôi được biết chị tên thật là Lan Anh, gia đình chị hiện đang sống ở Khâm Thiên, Hà Nội. Bé trai trong clip là con trai chị được 3 tuổi, bé chưa hề nhận thức được sự việc: "Con chưa biết mách, chỉ khóc một lúc thôi xong lại quên ngay. Còn người phụ nữ giúp việc, gia đình mình thuê làm việc nhà là chủ yếu, 2 bé nhà mình còn nhỏ nên mình trông, ăn uống mình cũng tự cho con ăn, không nhờ giúp việc. Mình trả lương cho người này 3,5 triệu đồng/tháng"- chị Lan Anh cho biết.
Chị Lan Anh cho hay, dù trước đó đã nghi ngờ nhưng do không có bằng chứng nên không thể làm “ra ngô ra khoai được”.
"Sau khi quay clip lấy ra làm bằng chứng thì người giúp việc đã “nhận lỗi, xin lỗi”. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền lương của gia đình thì người phụ nữ giúp việc này phủi phui đi luôn, không một lời chào", chị Lan Anh cho biết.
Bức xúc với thái độ của người giúp việc và cho rằng người phụ nữ này “không thật thà như lời xin lỗi, mặt câng câng lên, hỏi không trả lời, sưng sỉa vênh váo lên, rồi bảo bà chả có gì quá đáng chỉ là cáu lên doạ dẫm một tí thôi” nên chị Lan Anh đã quyết định chia sẻ cận cảnh cả mặt người giúp việc đối xử tệ với con trai mình, để các chị em khác “đừng dại mà thuê”.
Ngay sau khi clip osin hành hạ bé trai trong khi tắm được đăng tải, đã có rất nhiều mẹ bày tỏ sự bức xúc: “Xem mà tức điên!, “lương tâm con người ở đâu hết rồi?”, “Chị hơi bị hiền đấy, động vào con em kể cả là ai nhé”…
Tutj Tran phẫn nộ: “Xem mà điên không chịu được, phải mình mình không trả một xu nào cả. Lộn hết cả ruột, bạn này ngồi rõ ngoan cho tắm mà người phụ nữ giúp việc còn thế, nhìn thương thằng bé không chịu được”.
Cũng qua đây, chị Lan Anh đưa ra lời khuyên: “Mẹ nào nhà có giúp việc em khuyên nên thử một lần đặt camera điện thoai kiểm tra xem. Trước mặt người giúp việc vồn vã cười nói, sau lưng mình không biết làm gì các con đâu”.
Còn theo Tiểu My: "Thời buổi này chả tin ai được. Người nhà với nhau đôi khi còn phân biệt đối xử, mình nghĩ sau lần này tốt hơn hết là nếu ở nhà, các mẹ nên tự tay tắm cho bé... Dành ra 15-20 phút tắm cho con cho nó yên tâm, hoặc để bà tắm cho bé, còn việc nhà để giúp việc làm.
Con mình, cháu mình thì mình xót chứ người ngoài họ không xót đâu. Đôi khi họ ấm ức bạn hoặc người nhà bạn mà không làm gì được thì họ sẽ trút lên đầu con bạn đó. Sống chung với giúp việc kiểu gì chả có đôi ba lần phải góp ý vì lối sống của họ không thể như nhà mình được. Nên nhiều người dã man cứ tức bố mẹ là hành hạ trẻ con vô tội.
Rút ra bài học là con mình, mình thương chứ chả đứa nào nó thương đâu ạ. Bạn cố gắng có thời gian thì tự tay chăm con là yên tâm nhất. Bí quá đã có bà chứ giao cho người ngoài “khác máu tanh lòng” khổ con mình".
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng mọi người nên suy xét và cảm thông với hành động này của người giúp việc. Có thể trong lúc mỏi mệt, áp lực, thì họ đã không làm chủ được hành động của mình.