Nếp nhà ngày Tết của nghệ sỹ Lê Mai

Nếp nhà ngày Tết của nghệ sỹ Lê Mai
(PLO) - Sáng rét ngọt mùa đông Hà Nội, trong căn phòng nhỏ ấm áp của người nghệ sỹ đã bước sang tuổi 77 nhưng giọng nói, sự đằm thắm và yêu đời vẫn rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu của bà - người mẹ của 3 cô con gái nổi tiếng  Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi.

Ba chàng rể đều là... “con trai”
Trong căn phòng nhỏ, rót cho tôi cốc trà nóng hổi, bà tâm sự, tuy chẳng có con trai nhưng bù lại, bà được ba chàng rể chiều mẹ vợ như mẹ đẻ vậy. 

Hồi trước, bà sống với Lê Vi ở làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Khi Vi sang Pháp, Lê Khanh không yên tâm để mẹ ở một mình nên mời bà về ở cùng. Thế nhưng, nghệ sĩ nào cũng cần không gian riêng tư, tự do và có thể tự lo cho mình nên bà nói vui với con gái là phải có nhà riêng bà mới về. Không ngờ Khanh liền mua cho bà một căn hộ nhỏ sát nhà mình để tiện chăm sóc. 

Bà cười: “Tôi may mắn còn có một anh con rể người Việt. Ở đây rất tiện, mẹ con được gần gũi và chăm sóc nhau. Con gái đầu Lê Vân dù chồng là người Hà Lan không nói được tiếng Việt nhưng cũng rất yêu Việt Nam và chăm lo cho gia đình. Chồng Lê Vi người Pháp thì nói tiếng Việt như người Việt, lại còn hài hước, hóm hỉnh và đặc biệt thích các món ăn và văn hóa Việt”. 

Thậm chí, anh còn có thể ăn được mắm tôm và đậu thối. Mỗi khi ra sân bay tiễn bà về Việt Nam hay gia đình Lê Vi trở lại Pháp, chàng rể bao giờ cũng đưa tiền “con biếu mẹ”. Và bà bao giờ cũng vui vẻ như với con trai: “Ừ, mẹ cảm ơn”. Con rể bèn ôm mẹ vợ hài hước: “ Mẹ giống tính con, ai cho gì là không từ chối”. Bà nói, thực ra mình không thiếu thốn nhưng biết đó là tình cảm của con nên nhận như nhận sự chân tình của người trong gia đình.

Câu chuyện giữa chúng tôi chợt chuyển sang gam trầm khi Nghệ sĩ Lê Mai kể về những chuyện đã qua. Số phận dường như không chiều lòng người mẹ nhỏ bé Lê Mai. Nghề nghiệp cũng như hôn nhân lận đận. Ly hôn khi mới 30 tuổi, hơn 40 năm ở vậy nuôi con, làm nghệ thuật cùng với đủ thứ nghề không phải là dễ. Tất cả chỉ vì thương con quá nên bà ở vậy, không đành lòng đi bước nữa. Bà cứ xót xa: “Con mình là gái, lại còn nhỏ, đêm nào 2 đứa cũng nằm 2 bên nách, mình đi lấy chồng chúng nó ngủ với ai...”. Nghĩ vậy nên bà lại thôi”.

Cũng may, Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi đều vào học trường múa từ năm 11 tuổi và tự lập sớm. Thế nhưng, là người mẹ nên bà vẫn phải bươn chải lo cho các con. Dù nổi tiếng là đảm đang, tháo vát nhưng bà cũng không tránh khỏi sự suy kiệt thể lực, sức khoẻ, tinh thần. Tới nỗi, có khi chỉ còn 34 cân, lên sân khấu nói thoại yếu không ra tiếng, bà được yêu cầu thôi nghiệp diễn về... giữ quỹ. Làm trái chuyên môn sợ hỏng việc, bà xin ra khỏi ngành năm 1981. 

Hồi đó, ra khỏi biên chế là một điều rất khủng khiếp vì không có tem phiếu, lương thực. Thế nhưng bà nghĩ vì con mình phải sống... Đi khắp nơi nhận may vá, đan len. Ngồi đâu, đan đó, gỡ áo lớn, đan áo bé, gỡ cả cái chăn to ra đan áo cho các con...

Nhìn người mẹ nghệ sĩ chân yếu tay mềm hớt hải đạp xe khắp thành phố nhận đủ loại việc, Vân, Khanh, Vi thương mẹ lắm. Tình thương của các con khiến nghệ sỹ Lê Mai luôn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Thế nên, mẹ đan len các con cũng đan len, mẹ may áo các con cũng may áo... 

 
Ngày Tết, nhất định phải nấu bánh chưng
Bà nói, trong số ba cô con gái, Khanh là người dịu dàng và khéo léo bếp núc hơn cả. Các món ăn cổ truyền chị đều làm rất khéo. Và những năm gần đây, năm nào Khanh cũng sắm một nồi bánh chưng để bạn bè, gia đình quây quần, lấy không khí Tết. 

Còn nhớ những cái Tết thời bao cấp nghèo nhưng rất được mong chờ và phải được chuẩn bị từ vài tháng trước. Mộc nhĩ, miến, nấm hương... không phải sẵn có mà mua ngay được. Hồi đó, dù vất vả nhưng Tết rất vui vì cả năm mới có bánh chưng, thịt đông, dưa hành, nem rán... 

Có năm nghệ sỹ Lê Mai phải bán cả phiếu mua vải để có tiền mua cành đào về chơi Tết. Không khí đón Tết chộn rộn, nhẹ nhàng, thư thái và tao nhã. Ngày 29, 30 Tết cả ngõ kéo nhau ra gần máy nước công cộng để rửa lá, đãi đỗ, vo gạo và gói bánh làm náo nhiệt cả một góc phố.

Còn Tết giờ lại khác. Trẻ con tóc xanh, tóc đỏ thích du lịch, mua sắm, tiệc tùng hơn là đi chúc Tết ông bà, họ hàng... Vì vậy, điều mà nghệ sỹ Lê Mai sợ nhất là mất đi những hương vị truyền thống, quên mất mái ấm gia đình. Thế nên, ngót nửa thế kỷ nay, bà và hai con gái Lê Vân, Lê Khanh vẫn có thói quen tự gói bánh, luộc bánh cúng giao thừa, vẫn luôn giữ nếp đón Tết cổ truyền, coi như nếp nhà vẫn được giữ nguyên từ năm này qua năm khác... 
Bà kể, năm đó nhớ Lê Vy quá nên bà sang Pháp ăn Tết cùng gia đình con gái. Không khí Tết Việt cổ truyền giữa đất Pháp vỏn vẹn gói trong đôi bánh chưng bà mang sang và cành hoa đào Lê Vi trồng được ở vườn nhà. 
Giao thừa ở Việt Nam thì ở thành phố Ambois của Pháp là 6h chiều. Bà vẫn giữ tục xông đất, lo con rể không hợp tuổi xông nhà nên bà ra cửa vừa “canh” vừa đợi giờ để vào nhà chúc Tết, mừng tuổi con cháu... Có một điều thú vị, lúc đó bà diện đồ rất đẹp, ngồi dưới mái hiên nhà nhưng người dân vùng đó đi qua, thấy một bà già châu Á ngồi đó, họ tưởng cần được giúp đỡ nên cho bà tiền. Bà mỉm cười từ chối, ý nói bà là người trong gia đình. Một cái Tết thật lạ, đón giao thừa giữa buổi chiều, thế nhưng cả gia đình vẫn xôn xao nhang khói, mừng tuổi... đúng như ở quê nhà.

Với nghệ sỹ Lê Mai, hương vị Tết nay không còn đậm đà như xưa bởi bây giờ thứ gì cũng có, chỉ cần ra chợ là ngập tràn đồ ăn, thức uống. Ngày bà còn bé, muốn có một cái Tết tươm tất là phải chuẩn bị trước đó hàng tháng trời. Đứa trẻ nào cũng háo hức được ăn bánh chưng, giò chả, thịt muối… những món mà ngày thường chẳng hề dễ có. 

Song theo bà, Tết mỗi thời mỗi khác, thời nào cũng có cái thú vị, độc đáo riêng. Chỉ có điều không thay đổi ở Nghệ sĩ Lê Mai đó là năm nào bà cũng ra chợ Hòe Nhai gần nhà để chọn mua cành đào đẹp nhất mang về bày Tết. Và nhiều năm lại đây, cứ trước Tết anh con rể chồng Lê Khanh lại mang về biếu mẹ vợ cành mai trắng.

Còn nhớ hồi ở Phú Thượng, nhà cao, vườn rộng, có cả giếng làng để mấy chị em cùng rửa lá dong gói bánh. Nghệ sĩ Lê Mai vẫn giữ lại căn nhà đó vì bà khao khát và trân trọng từng phút giây có đủ mọi thành viên trong gia đình đầy ắp tiếng cười.  

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.