Đó là những ý kiến của các đại biểu trong tọa đàm “Bàn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, phủ ở Hà Nội” vừa diễn ra ngày 28/11/2014.
Thanh đồng phán cả chuyện... phòng the
Ông Lưu Ngọc Đức - Thủ nhang Đền Lảnh Giang Vọng Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Tôi thấy bây giờ nhiều đền thờ các vị thần, thánh, các vị danh nhân rất lộn xộn, phản cảm”. Theo ông, có đền chỉ thờ các vị danh nhân thì đưa cả thờ Mẫu như đền thờ Thiên Tiên, Hương Nghĩa, đền Bạch Mã đưa Tứ phủ vào. Sự cúng lễ, bài trí nơi thừa tự lộn xộn khiến cho người tới lễ không nắm rõ đền này thờ vị thần nào, hành lễ ra sao, làm sai lệch ý nghĩa tâm linh, lịch sử ngôi đền.
Ngoài việc thờ cúng lộn xộn, nghi lễ văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị biến tướng cũng khiến nhiều người lo ngại. Hiện nay, tại các đền, phủ mọc lên nhiều “đồng phong trào”- là những người không hiểu, không thạo và không có căn cốt để hầu đồng nhưng lại thích chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một thứ mốt, một phong trào của sự cuồng tín. Họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho một lần hầu đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Bà Lê Thị Hạnh - Trưởng ban Quản lý Đền Rừng thẳng thắn: “Không ít thanh đồng buôn thần, bán thánh, vòi người hầu đồng chi những khoản tiền khủng vài trăm triệu để sắm trang phục, vàng mã, hoa quả, những cọc tiền phát lộc mệnh giá lớn. Không khí thiêng liêng của buổi hầu đồng nhuốm mùi tiền bạc”.
Khi thực hành nghi lễ, việc “Thánh truyền” bị sai lệch đi rất nhiều. Thời xưa, “Thánh truyền” rất kiệm lời, chỉ một, hai câu nhưng đầy triết lý về đạo làm người, nhưng hiện nay các thanh đồng thường phán những chuyện đời sống trần tục như làm thế nào để kiếm tiền nhanh hay có nhiều lộc, thậm chí hướng dẫn cả chuyện phòng the…
Về nhạc văn, thời xưa đơn giản là cung văn và đàn với sự trang nghiêm, tôn kính đầy tâm linh. Còn bây giờ, có nơi ngoài đàn nguyệt còn có đàn organ, việc nhảy múa nhập đồng chủ yếu biểu diễn lấy vui. Càng vỗ tay tán thưởng, các “ông hoàng, bà chúa” càng… “thăng”. Cuộc lên đồng chẳng khác ở vũ trường. Các thanh đồng mặc sức nhún nhảy, các cung văn mặc sức chế lời. Các cung văn bỏ qua lời văn cổ vì khó hát, khó nhớ. Họ “bệ” luôn “Lý ngựa ô”, “Lý cây đa”, “Người ơi người ở đừng về”… Sự dễ dãi đó khiến cho vốn chầu văn cổ đang bị mai một, biến dạng.
Để phần biểu diễn thêm sôi động, “các ông hoàng, bà chúa” còn nhảy múa, lấy gươm, giáo “xiên xiên” vào ban thờ, vào mặt Thánh. Khi tung tiền lộc vào người tham dự, “hứng chí” họ còn ném cả tiền vào ban thờ, vào mặt Thánh. Đây là những hành động phản cảm và là điều tối kị khi lên đồng.
“Tàu hóa” y phục hầu đồng
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là y phục hầu đồng đang bị “Tàu hóa”. Theo ông Lưu Ngọc Đức, thời xưa các thanh đồng hóa trang thành các vị quan thường mặc áo dài, quần trắng, khăn xếp, còn bây giờ các vị quan thần mặc áo dài, quần âu, đội mũ cánh chuồn, tai ngang, tai dọc. Còn thánh nữ thì áo cánh có đuôi dài 5 mét, cổ áo loe ra như con công, tóc búi như bánh sừng bò giống Dương Quý Phi, Chiêu Quân (Trung Quốc). Nửa ta, nửa Tàu trông rất dị hợm.
Do nhu cầu hầu đồng ngày một tăng nên đã dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở các đền phủ, đặc biệt là các đền phủ lớn. Người ta có thể hầu đồng ở mọi ban, thậm chí ở cả ngoài sân, loa đài bật hết cỡ khiến nghi lễ hầu đồng kém đi sự tao nhã mà thay vào đó là sự xô bồ, tranh giành, lấn lướt nhau. Điều đó đã làm ảnh hưởng không ít tới giá trị văn hóa nghệ thuật của nghi lễ lên đồng.
Việc ban phát lộc trong lễ hầu đồng nhiều nơi còn có sự phân biệt, nặng về vật chất. Theo như vậy thì thần linh cũng nhìn mặt mà phát lộc, làm mất đi sự công bằng cũng như nét đẹp trong văn hóa ứng xử của sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu.