Bé Ngân với những vết bầm tím do cha gượng đánh. |
Xu hướng bạo hành ngày càng tàn độc
Vụ việc gây căm phẫn trong dư luận nhất thời gian qua có lẽ phải kể đến trường hợp của bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, trú tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Càng xót xa hơn khi được biết kẻ bạo hành lại chính là người đã dứt ruột sinh ra bé và kẻ giúp sức đắc lực là người mà Ngân vẫn gọi là cha dượng.
Nhìn đứa trẻ bị đánh đập đến mức mặt mũi thâm tím, bị xuất huyết dưới màng não, trên người chi chít các vết sẹo chưa kịp lành do bị đánh đập, ai cũng chạnh lòng. Điều đó cũng chứng tỏ em bị bạo hành nhiều lần và rất thường xuyên. Nếu như không có sự hỗ trợ của những người hàng xóm tốt bụng, Kim Ngân sẽ phải chịu thảm cảnh này dài lâu...
Cùng chung số phận không may mắn với bé Kim Ngân là thảm cảnh của bé Trần Văn Minh Hiếu (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa xảy ra cách đây vài ngày. Theo đó, chỉ vì cầm điều khiển bấm ti vi liên tục gây tiếng ồn khiến bố dượng mất ngủ mà Hiếu bị người cha dượng độc ác này đánh cho bầm giập hết mặt mũi và gãy cả tay lẫn chân.
Chỉ vì chiếc tivi mà bé Hiếu bị cha dượng đánh dã man. |
Chấn động dư luận không kém trường hợp này là ca bạo hành xảy ra với cháu N.K.L mới 29 tháng tuổi, bị nhét chai rượu và băng vệ sinh vào mồm từng được điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (TƯ) vào cuối tháng 9/2014. Vẫn là tình huống bị bạo hành bởi chính những người thân trong gia đình, nhưng không ai có thể tưởng tượng nổi họ lại có thể nghĩ ra được những cách bạo hành dã man đến vậy.
Mặc dù bé N.K.L đã qua cơn nguy kịch và đã được trở về nhà nhưng có lẽ những chi tiết của vụ việc sẽ còn ám ảnh em về sau này. Đây cũng chính là điều khiến Ths.bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu BV Nhi TƯ - người trực tiếp điều trị cho bé và các bác sỹ, y tá trong kíp trực của mình không khỏi lo lắng.
Mới dừng lại ở khâu điều trị
Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, khi trẻ em phải hứng chịu bạo hành thì các chấn thương phần mềm có thể hồi phục, nhưng tổn thương về tâm lý ảnh hưởng rất lâu dài về sau… “Những tổn thương này cực kỳ nghiêm trọng, nếu gia đình và các tổ chức xã hội không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, hợp lý, những tổn thương về mặt tinh thần này có thể đi theo đến suốt cuộc đời!” – bác sỹ Vinh lo ngại khẳng định.
Theo lời các bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bé Ngân kể lại, trong những cơn mơ ngủ, bé Ngân chốc chốc lại giật mình thon thót, la ó trong cơn hoảng loạn và lo sợ vì bị bạo hành. Về những hệ quả sau này đối với trẻ bị bạo hành, lạm dụng tình dục, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cảnh báo: “Những vết thương về mặt thể xác có thể lành nhưng những vết hằn trong tâm lý của các em rất nặng nề và khó có thể xoá bỏ”.
Cũng theo ông An, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ từng bị bạo lực, lạm dụng khi lớn lên có nguy cơ tiếp diễn bạo lực đối với người khác. Chính vì vậy, để trẻ được phục hồi bền vững cần có sự phối hợp của chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần, người thân hoặc gia đình thay thế (trong trường hợp trẻ mồ côi hoặc cha mẹ bị tước quyền nuôi con) chăm sóc và yêu thương trẻ.
Cụ thể, ngoài việc điều trị, trẻ cần phải được hưởng một chế độ dinh dưỡng phù hợp; cần có những phòng chơi, có chuyên gia tâm lý hướng dẫn để bệnh nhi ổn định về tinh thần. Thậm chí khi đã trở về gia đình, cộng đồng, đứa trẻ vẫn phải được tiếp tục theo dõi về sức khỏe (nhất là sức khỏe tinh thần); rồi bé lớn lên như thế nào, làm gì để sống… cũng phải được giám sát, cập nhật để tiếp tục hỗ trợ. Có như vậy, những mầm mống của bạo hành mới thực sự được cắt đứt.
Quy trình là như vậy nhưng thực tế hiện nay, theo ông An cho biết, dù rằng có 5 bước để cứu trẻ bị bạo hành: Báo cho ai, xử lý bước đầu như thế nào; tách ra khỏi môi trường bị xâm hại; điều trị, chăm sóc; hỗ trợ về tâm lý; trợ giúp phục hồi, nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở khâu điều trị cho các em bé bị bạo hành. Do quá tải bệnh viện, công tác tư vấn cũng chưa được quan tâm. Phòng vui chơi cho các bệnh nhi cũng chỉ được đầu tư nhỏ giọt ở một số khoa, BV. Việc giúp đỡ trẻ bị bạo hành hòa nhập với cộng đồng và kế hoạch hỗ trợ dài hạn cho các em càng là chuyện quá xa xỉ với các em.
Để hạn chế những vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, theo ông Nguyễn Trọng An, bên cạnh việc tuyên truyền để nâng cao năng lực, ý thức và kỹ năng chăm sóc trẻ của các gia đình, cần phải kiện toàn một mạng lưới cộng tác viên có đủ năng lực, trách nhiệm; đồng thời tăng cường quản lý về văn hoá, internet và mở thêm nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh… cho các bé.
Đưa nhóm trẻ em bị bạo hành vào diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét vào năm 2015. Theo đó, Luật đề xuất bổ sung thêm 4 nhóm trẻ em yếu thế vào diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có nhóm trẻ bị bạo hành.
Theo các chuyên gia, nhóm trẻ em bị bạo hành cần đưa vào diện có hoàn cảnh đặc biệt, bởi các em bị bạo lực và đe dọa bạo hành phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý cũng như hành vi. Có nhiều dạng bạo hành thể hiện ở trong gia đình, từ các phương tiện thông tin đại chúng, trong văn hóa phẩm, trong nhà trường.