Khách xếp hàng ở “Quán cơm 2 ngàn”. |
Bát cơm ấm tình
Gần 4 năm qua, cứ mỗi trưa thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần là hàng trăm người lao động, sinh viên nghèo trên địa bàn lại tìm đến “Quán cơm 2 ngàn”. Quán do những thành viên của Diễn đàn từ thiện “Người tôi cưu mang” thành lập vào tháng 12/2010 nhằm giúp đỡ phần nào cho sinh viên, người lao động khó khăn.
Một buổi trưa thứ sáu, chúng tôi có mặt tại quán, tận mắt chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp từ những tấm lòng thiện nguyện chan chứa nghĩa tình. Quán được mở trong một căn nhà cấp 4 rộng chừng 70m2. Mới khoảng 11h trưa, sinh viên, người lao động đã tìm đến chật kín khu ngõ nhỏ, khách nối nhau xếp hàng trật tự, lần lượt mua phiếu cơm. Hai tình nguyện viên đôn đáo xếp xe cho khách. Đến giờ cơm, thực khách đến trước vô mua cơm, dùng trước. Lần lượt mỗi lượt ăn quán phục vụ chừng 70 khách. Hết lượt này ra, lượt khách khác lại vô, dù lúc nào cũng đông kín nhưng không hề lộn xộn, chen lấn.
Sau khi nhận phiếu, khách đi vào trong quầy nhận phần ăn, rồi chọn chỗ ngay khu bàn trước mặt ngồi ăn vui vẻ. Gần trăm con người già có, trẻ có, sinh viên, người bán vé số, thậm chí viên chức về hưu cũng có quây quần bên nhau, ăn uống ngon lành. Không khí trong quán lúc nào cũng vui vẻ, hồ hởi bởi những tiếng trò chuyện, thăm hỏi động viên giữa mọi người. Ăn xong, ai cũng tự động mang khay, chén ra hiên nhà cùng các tình nguyện viên rửa sạch.
Chị Bạch Thị Kim Quyên (35 tuổi, quản lý của quán) chia sẻ: “Mỗi bữa ăn, quán thường bán được 250 suất cơm giúp đỡ các em học sinh, bà con nghèo. 80% khách đến quán là sinh viên, còn lại là bà con có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất cơm tuy nhỏ bé, nhưng giúp đỡ được bà con phần nào, nhìn thấy nụ cười trên gương mặt họ chúng tôi cảm thấy rất vui.
Là khách quen của quán suốt 3 năm qua, cụ Vụ Thị Mân (72 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) chia sẻ, con trai cụ mất sớm, cuộc sống vốn cơ cực, hàng ngày cụ phải đưa hai cháu nhỏ đi bán vé số cùng. Mỗi ngày tất tả ngược xuôi khắp thành phố, mấy bà cháu cũng chỉ kiếm được dăm chục ngàn tiền lời. Kiếm từng đồng bạc khó khăn số tiền lời nhỏ nhoi chẳng đủ nuôi ba bà cháu. Cuộc sống của cụ đắp đổi bữa đói, bữa no. Từ ngày biết đến quán cơm 2 ngàn, ba bà cháu thường xuyên tới ăn. Nhờ thế, khó khăn của cụ vơi bớt phần nào.
Những khuôn mặt hồ hởi trong bữa ăn ngon miệng. |
Nhọc nhằn nhưng hạnh phúc
Cuộc sống của chị Bạch Thị Kim Quyên vốn cũng nhiều gian truân, vất vả. Nhà nghèo, cha mẹ đông con, từ nhỏ chị Quyên đã sớm vật lộn với cuộc sống áo cơm. Đồng cảm với những mảnh đời cùng khổ, thường nhật hễ giúp đỡ ai được việc gì chị lại cố gắng làm sao cho chu tất.
Năm 2010, cơ duyên đưa chị đến với việc làm cơm từ thiện. Năm đó, gần nhà chị Quyên (thị trấn Ô Môn, TP.Cần Thơ) có người phụ nữ bị ung thư, gia cảnh kiệt quệ. Thương cảm, chị Quyên đi vận động bà con giúp đỡ. Trong những ngày tình nguyện, chị tình cờ gặp gỡ một thành viên quản trị Diễn đàn từ thiện “Người tôi cưu mang”. Những tấm lòng thơm thảo gặp nhau, họ quyết định chung tay mở quán cơm từ thiện giúp đỡ sinh viên, người lao động.
Dám nghĩ dám làm, sau khi ý tưởng về “Quán cơm 2 ngàn” hình thành, các thành viên thiện nguyện một phần đóng góp tiền bạc, vật dụng, mặt khác kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng để mở quán. Một thành viên trong nhóm ủng hộ luôn 300 bộ khay ăn bằng inox. Các thành viên khác người thì ủng hộ bao gạo, người thì chiếc xoong, cái chảo, người không có của thì góp công... Vậy là, tháng 12/2010, quán cơm mang tinh thần nhân ái được khai trương.
“Ban đầu mọi người cũng thống nhất sẽ giúp cơm miễn phí, nhưng bắt tay vào làm nhiều bà con tự ái, họ mong muốn trả một chút tiền mắm, dầu cho quán. Nhiều người lại nghi ngờ mục đích tốt của anh em, nên nhóm quyết định sẽ lấy 2 ngàn đồng mỗi suất cơm. Số tiền này không lớn, mà như thế thì bà con không còn mặc cảm. Từ đấy, quán được nhiều em sinh viên, bà con lui tới”, chị Quyên nhớ lại.
Thức ăn được chế biến sạch sẽ, thơm ngon. |
Những ngày đầu mở quán là những ngày đầy gian nan, không chỉ nhiều bà con nghi ngờ mục đích tốt của quán mà còn có cả những nhóm người bất hảo tới quậy phá. Khó khăn vả về vật chất lẫn tình thần khi đó như thách thức những tình nguyện viên. Những khó khăn thiếu thốn đè nặng nhưng nhờ sự nỗ lực, được sự chung tay giúp sức từ cộng đồng, dần dà những khó khăn cũng vơi bớt đi. Khi đã có nhiều kinh nghiệm, nhóm tình nguyện không cần phải đến sớm từ mờ sáng như trước, chi phí duy trì quán cũng giảm bớt đi.
Một ngày bán hàng bắt đầu được chuẩn bị từ 7h sáng. Đội ngũ làm tại quán hiện tại gồm 1 đầu bếp, hơn 10 tình nguyện viên và 1 quản lý. Sau khi bàn bạc về thực đơn của ngày, nhận nguyên liệu đặt từ tiểu thương ở chợ, mọi người lại xúm xít chia nhau công việc. Sau 3 giờ tất bật, những món ăn thơm ngon cũng được nấu xong để chờ phục vụ mọi người.
Bởi nhiệt tâm phục vụ, chân thành trong từng lời nói và hành động của các thành viên thiện nguyện nên dù quán không quảng cáo, nằm khuất trong hẻm nhưng luôn đông khách. Người đến ăn ấn tượng bởi sự sạch sẽ, ngon miệng và phục vụ chu đáo. Bù lại những nỗi nhọc nhằn vất vả cho cả nhóm, là những niềm vui lớn lao.
Một buổi bán cơm của “Quán cơm 2 ngàn” thường kết thúc vào 13h chiều. Sau khi phục vụ khoảng 300 thực khách, các thành viên lại dọn dẹp, lau rửa khay chén, bàn ghế sạch sẽ. Xong xuôi, mọi người ngồi quây quần bên nhau tâm sự, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài việc phục vụ những bữa ăn tại “Quán cơm 2 ngàn”, các thành viên trong quán còn tham gia các chương trình từ thiện. Mỗi tuần, mọi người đều tham gia đi các tỉnh xác minh các hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ để đưa lên mạng xã hội kêu gọi, tìm cách giúp đỡ họ.