Mặt khác các cơ quan quản lý đang lấy ý kiến từ DN để xây dựng mức “dung sai” hợp lý. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu quá dễ dãi, một số DN sẽ lợi dụng quy định này để trục lợi, trong khi người dân thì “ngậm đắng nuốt cay” chịu thiệt.
Doanh nghiệp (DN) cho rằng sai lệch giữa thông số hàm lượng các chất dinh dưỡng trên sản phẩm thực tế và trên nhãn mác, văn bản đăng kí (dung sai) là điều đương nhiên và đề xuất mức dung sai 20%.
Còn lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế thận trọng trả lời hiện nay Việt Nam chưa có bất kì quy định nào về “dung sai” mà nhà sản xuất được quyền tự công bố trên nhãn mác, nếu kiểm nghiệm sai lệch vượt giới hạn sẽ xử phạt.
Sắp tới Cục này sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất quy định mức “dung sai” tạo thuận lợi nhất cho DN nhưng phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Đề xuất dung sai 20%
Buổi đối thoại giữa cộng đồng DN với Cục ATTP về chính sách quản lý ATTP mới đây trở thành diễn đàn “nóng” thu hút gần cả trăm doanh nghiệp tham dự, “chất vấn” lãnh đạo Cục ATTP.
Bên cạnh các vấn đề như thủ tục hành chính rườm rà, cấp giấy xác nhận chậm, thời gian thẩm xét hồ sơ lâu thì khái niệm “dung sai” tiếp tục hâm nóng buổi làm việc.
Lãnh đạo Phòng công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục ATTP cho biết đây là buổi trao đổi cuối cùng để cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp ý kiến đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ đưa ra giải pháp.
Phần lớn DN đang kinh doanh thực phẩm đồ uống nhấn mạnh đến sự tồn tại của “dung sai” như một điều tất yếu. DN cho rằng trong mỗi sản phẩm, hàm lượng các vi chất luôn có độ biến thiên nhất định.
Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, quá trình vận chuyển, bảo quản. Đó là chưa kể đến nguồn nguyên liệu khác nhau, thu hoạch khác thời điểm sẽ đem lại những sản phẩm không thể đồng nhất:
“Bản thân rau củ quả trái vụ đã có hàm lượng các vi chất khác rau đầu vụ, chưa kể đến yếu tố giống. Thậm chí sữa bò vắt buổi sáng đã khác sữa vắt buổi chiều. Do đó sai số dinh dưỡng ghi trên nhãn mác với thực tế là tất yếu”, một ý kiến nêu.
Các DN trình bày tiếp yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến “dung sai” gây khó cho người kinh doanh. Đó là kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan khác nhau trong nhiều trường hợp “vênh” nhau gây khó cho DN. Đặc biệt các trường hợp có độ “vênh” nằm giữa giới hạn đạt và không đạt chuẩn.
Một số ý kiến thì dẫn chứng quy định ở một số nước như Malaysia, Singapore, Indonesia nói rằng ở các nước này pháp luật quy định “dung sai” 20%. Có nghĩa thông tin dinh dưỡng ghi trên nhãn mác 100 thì kết quả kiểm nghiệm được 80 là đạt. Họ cho rằng Việt Nam nên tham khảo con số này để hoạch định chính sách trong quản lý ATTP.
Chênh lệch, nhưng không thể vài chục %
Trong khi đó Cục trưởng ATPT Nguyễn Thanh Phong cho biết quy định về “dung sai” trên thế giới hiện không thống nhất. Nhiều nước chưa có quy định về “dung sai”, trong đó có Việt Nam.
Hiện ở Việt Nam, cơ quan quản lý vẫn để cho nhà sản xuất tự công bố thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm chứ chưa quy định bắt buộc bao nhiêu.
Mặt khác các cơ quan quản lý đang lấy ý kiến từ DN để xây dựng mức “dung sai” hợp lý. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu quá dễ dãi, một số DN sẽ lợi dụng quy định này để trục lợi, trong khi người dân thì “ngậm đắng nuốt cay” chịu thiệt.
Trong khi chưa có quy định, các DN phải công bố công khai trên nhãn sản phẩm phải đảm bảo ±20% hàm lượng đăng ký. Nếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm có sai phạm sẽ bị xử lý. Cụ thể, nếu kết quả kiểm nghiệm một sản phẩm sai lệch quá 30% thì bị xem là hàng giả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, “dung sai” là cần thiết nhưng phải được công bố công khai minh bạch, là kênh thông tin mang tính pháp lý, dựa trên cơ sở khoa học và được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chứ không phải do doanh nghiệp tự công bố như hiện nay. “Dung sai càng nhỏ thì càng có lợi cho người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Cục trưởng ATTP nói tiếp, ông đồng ý có độ sai lệch giữa thông tin dinh dưỡng ghi trên nhãn mác và thực tế. Tuy nhiên “dung sai” không thể lên tới vài chục %: “Nếu có độ sai lệch thì DN phải ghi chú cụ thể trên nhãn mác là chất này, chất kia có thể thay đổi để người tiêu dùng biết. Vấn đề ở đây phải minh bạch với người tiêu dùng”, ông Phong nói.
Kết luận buổi trao đổi, lãnh đạo Cục ATTP cho biết sẽ cố gắng sớm nhất để tổng hợp ý kiến đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ đưa ra các quy định về ATTP, trong đó có mức “dung sai”.
Thời điểm cụ thể ông Phong không nói song vị Cục trưởng trấn an các DN rằng sẽ tham mưu đề xuất ban hành những chính sách không trái thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền lợi DN song phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
“Ví dụ trên nhãn mác ghi 20 độ đảm nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ được 16 thì tôi hơi băn khoăn. Tại sao việc giảm độ đạm trong vận chuyển, nhà sản xuất nếu biết trước như thế lại không ghi chú luôn trên nhãn để người sử dụng biết”, ông Phong nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của nhiều DN về kết quả kiểm nghiệm của nhiều cơ quan quản lý hiện chưa đồng nhất gây khó cho DN, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng quy định hiện rất “thoáng” nhằm đảm bảo quyền lợi DN.
Ví dụ trường hợp cơ quan quản lý lấy mẫu, kiểm nghiệm và trả kết quả nhưng DN không đồng tình thì có quyền kiến nghị, lấy mẫu đi xét nghiệm tại đơn vị khác. Trong thời gian này, cơ quan quản lý tạm thời chưa đưa ra kết luận. Sau đó nếu kết quả vẫn “vênh” nhau thì sẽ có đơn vị kiểm nghiệm trọng tài vào cuộc.