Vi phạm hợp đồng
Theo đơn phản ánh, ngày 23/7/2013 ông Nguyễn Huy Tưởng - Giám đốc Cty 19/5 ký hợp đồng cung ứng lao động với ông Trương Xuân Điều đưa con trai ông Điều là anh Trương Công Thành đi Nauy với tổng chi phí thỏa thuận khi anh Thành đến nơi có công việc là 18.000 USD.
Ông Điều đã giao 12.000 USD (gồm đặt cọc ban đầu 2.000 USD + 10.000 USD khi có Visa). Sau đó, anh Thành được đưa sang Nauy, nhưng Cty 19/5 không bố trí việc làm khiến anh này phải lang thang nơi đất khách quê người.
Nội dung hợp đồng thể hiện rõ: Số tiền còn lại 6.000 USD sẽ chuyển tiếp sau khi anh Thành đến Nauy có nơi ăn, chốn ở và được bố trí việc làm với mức lương trên 2.000 USD. Trong thời gian 12 tháng ở Nauy, anh Thành không vi phạm pháp luật mà bị bắt đuổi về thì Cty 19/5 phải bồi hoàn kinh phí 100%; nếu anh Thành vi phạm pháp luật thì Cty 19/5 không chịu trách nhiệm.
Ngày 24/8/2013, Cty 19/5 đã đưa anh Thành sang Nauy nhưng gần 3 tháng anh Thành không được bố trí công việc và nơi ăn chốn ở ổn định khiến anh này phải lang thang nơi đất khách quê người. Ông Điều gặp ông Tưởng thương lượng giải quyết các cam kết trong hợp đồng nhưng không đi đến thống nhất.
Công ty không có giấy phép xuất khẩu lao động
Theo tìm hiểu của PLVN, Cty 19/5 có trụ sở tại 41 đường Nguyễn Sỹ Sách, TP.Vinh, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 ngày 26/7/2012, hoạt động kinh doanh các ngành nghề: Đại lý du lịch, vận tải hàng hóa đường bộ, giáo dục nghề nghiệp, cung ứng và quản lý nguồn lao động…
Khi được hỏi về cơ sở pháp lý để đưa người sang Nauy, Giám đốc Cty 19/5 - Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Thực tế Cty ông chỉ giới thiệu cho một Cty ở Hà Nội, khi nào có visa thì họ báo về mà thôi. Ông cũng thừa nhận hiện không có đơn hàng đi Nauy theo diện xuất khẩu lao động, còn mức 18.000 USD chi phí đưa người đi du lịch thì ... “hơi cao”.
Lý giải những vướng mắc việc đưa anh Thành sang Nauy, ông Tưởng cho biết: “Trước đây tôi từng làm thủ tục cho anh Thành đi Ăngola. Lần này, ông Điều điện cho tôi làm thủ tục cho anh Thành đi châu Âu. Do anh Thành quá tuổi xuất khẩu lao động nên tôi tư vấn cho ông Điều nên để anh Thành đi Nauy”.
Sau khi thống nhất mức giá 18.000 USD, Cty đã soạn thảo hợp đồng gửi ông Điều với nội dung đưa anh Thành sang Na Uy bằng đường du lịch, bởi thực tế bên Nauy không nhận lao động xuất khẩu. Tuy nhiên, khi ông Điều đưa hợp đồng đến để ký đã sửa lại thành hợp đồng cung ứng lao động.
Nhưng theo ông Điều thì hôm đó tại Văn phòng Cty của ông Tưởng, ông đã trả lời đi Nauy lao động thì đồng ý, còn đi theo đường du lịch thì không. Sau đó, ông Tưởng chấp nhận đi Nauy lao động bảo đảm 12 tháng, mức lương 2.000 USD/tháng và chỉ đạo kế toán đánh lại hợp đồng.
Ông Tưởng còn nói con trai ông Tưởng đã ở Nauy 5 năm, Thành sang tới nơi sẽ có người của ông Tưởng đón bố trí ăn ở, công việc ổn định. Sau khi hợp đồng được kế toán đánh lại, ông Tưởng ký trước và đưa cho ông ký. Thậm chí, ông còn nhắc ông Tưởng xem kỹ hợp đồng.
Được biết, ông Điều đã có có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vụ việc, yêu cầu Cty 19/5 trả lại tiền và đưa anh Thành về Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần sớm làm sáng tỏ vụ việc này.