Là doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công ty cổ phần Phát triển Liên Việt – VINADE đến nay đã đưa được hơn 500 lao động thuộc các huyện ngoài đi XKLĐ.
Đưa cho chúng tôi xem phiếu thẩm định hợp đồng chữ ký của Trưởng Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Tiến San còn tươi roi rói, ông Trương Đức Vinh, giám đốc VINADE hồ hởi cho biết đây là hai “đơn hàng” có nhiều ưu đãi dành cho lao động Việt Nam. Lao động làm việc tại nhà máy Home Upholstery Industries và Han Tong Spring Industries(Malaysia) với mức lương cao, giờ làm thêm ổn đinh. Công ty VINADE từ năm 2011 đã đưa hàng trăm lao động sang hai nhà máy này, trong đó đa số là lao động các huyện nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.
“Chúng tôi rất tâm huyết với chương trình đưa người nghèo đi XKLĐ, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người lao động theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay chúng tôi đã đưa trên 500 lao động thuộc các huyện nghèo ở Quảng Nam, Bình Định, Nghệ An đã được Cty đưa sang làm việc tại Malaysia. Riêng tỉnh Quảng Nam, đã có 460 lao động thuộc 3 huyện đặc biệt khó khăn là Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang được đi làm việc ở nước ngoài.”, ông Trương Đức Vinh cho biết.
Ông Trương Đức Vinh- TGĐ công ty Liên Việt |
Khảo sát sơ bộ của Bộ LĐTBXH cho thấy lao động các huyện nghèo đi XKLĐ đã đem lại những hiệu quả tích cực. Không chỉ xóa đói, giảm nghèo, nhiều lao động chăm chỉ đã có thể làm giàu bằng chính tay nghề của mình cũng như có cơ hội tìm được việc làm tốt sau khi hết hạn hợp đồng về nước.
Chọn các thị trường lao động phổ thông phù hợp với người lao động nghèo cả về chi phí lẫn trình độ, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ tịch HĐQT VINADE cho biết thêm công ty được người lao động tin cậy bởi luôn luôn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Công tác tổ chức tuyển dụng, đào tạo và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của chủ sử dụng. Quá trình lao động làm việc ở nước ngoài được công ty quan tâm sát sao, người lao động được hỗ trợ nhanh nhất khi có những vướng mắc trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
Từ thành công ban đầu, trước nhu cầu ngày một tăng của chủ sử dụng nước ngoài đối với lao động Việt Nam, hiện VINADE đang “Nam tiến” để mở rộng nguồn tuyển. Bà Nguyễn Thị Bích Liên cho biết đã trực tiếp cùng các cán bộ tuyển dụng vào Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu..., những nơi có nguồn lao động nghèo có nhu cầu đi XKLĐ để tư vấn trực tiếp. “Chúng tôi xác định chỉ có làm bài bản, lăn lộn, kiên trì kết hợp với các địa phương mới có thể tuyên truyền, thuyết phục vận động lao động thuộc diện hộ nghèo đăng ký đi XKLĐ. Chúng tôi luôn dành những đơn hàng tốt, đúng pháp luật, có tính khả thi cao để đưa lao động của các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, trước hết là thị trường Malaysia”, bà Liên nói.
Lao động học tập tại Trung tâm đào tạo của Liên Việt trước khi xuất cảnh |
Không chỉ “nói” mà còn “làm” thực sự, VINADE đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ lao động như: hỗ trợ người lao động làm thủ tục vay vốn ngân hàng theo quy định, hướng dẫn người lao động làm hộ chiếu, tập trung khám sức khỏe, đưa đón lao động ra sân bay làm thủ tục xuất nhập cảnh. Đặc biệt để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho người lao động muốn đi XKLĐ tại Malaysia không thuộc đối tượng của Quyết định 71, VINADE có chính sách cho nợ chi phí xuất cảnh. Đối với lao động nữ Cty cho nợ 100% chi phí xuất cảnh (lao động nam, công ty cho nợ 50% phí xuất cảnh) không tính lãi suất. Chi phí này sẽ được công ty trừ dần vào lương của người lao động khi làm việc ở nước ngoài.
Là doanh nghiệp lăn lộn với Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ theo quyết định 71 từ những ngày đầu tiên, lãnh đạo công ty VINADE luôn trăn trở làm thế nào để đẩy mạnh chương trình hơn nữa, đem lại những lợi ích thiết thực cho người nghèo.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên thì hiện chương trình còn nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai tại các địa phương. Đối tượng của chương trình chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí thấp, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc xoá đói giảm nghèo thông qua XKLĐ. Bên cạnh đó, bà con không quen với việc xa gia đình nên nhiều trường hợp người lao động tập trung học tập tại trung tâm đào tạo gần đến ngày lên đường lại nằng nặc đòi về. Bên cạnh đó giấy tờ, hồ sơ của đồng bào không thống nhất về tên, tuổi, quê quán nên việc tuyển dụng đối tượng đi XKLĐ không phải là chuyện dễ dàng...
“Nếu những vấn đề này được tháo gỡ thì cơ hội để người lao động nghèo đi XKLĐ sẽ rộng mở hơn rất nhiều”, bà Liên khẳng định.
Anh Phương - Tiến Luyến