Đi trước một bước…
Nhìn vào thống kê của Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng có thể thấy tham vọng thành vựa cá nước lạnh lớn nhất nước của tỉnh này. Nếu sản lượng cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) cả nước đạt 800 tấn thì Lâm Đồng đã chiếm hơn một nửa, nhu cầu giống cá tầm hàng năm trung bình cả nước là 600 ngàn con thì Lâm Đồng cũng chiếm trên 80%.
Tham vọng trên thể hiện rõ ràng hơn khi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III còn đang loay hoay xin ý kiến để xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về giống cá nước lạnh, Tổng cục Thủy sản cũng đang giao cho Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản xây dựng quy hoạch phát triển cá nước lạnh trong phạm vi cả nước, thì Lâm Đồng đã đi trước một bước, tự xây dựng cho mình một quy hoạch, một quy trình nuôi cá tầm ở địa phương.
“Số lượng con giống cần thiết đến năm 2015 khoảng 1 triệu con và đến năm 2020 là 2,3 triệu con. Tập trung xây dựng đàn cá bố mẹ đến năm 2015 có 70 cá cái thành thục, trong đó có 20% cá cái đẻ trứng và 1.000m2 bể ương để tự sản xuất được khoảng 1% trứng cá giống. Đến năm 2015, số lượng lồng nuôi, bè trong các hồ chứa đạt 180-190 lồng, sản lượng cá thương phẩm đạt 900 tấn/năm” - UBND tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu phát triển giống cá nước lạnh.
Giống là khâu quan trọng có tác động ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi đối với người chăn nuôi. Cá hồi, cá tầm thuộc giống động vật ngoại lai, để tránh hậu quả không mong muốn cho môi trường trong quá trình nuôi, vì thế trong khi xây dựng chính sách, tỉnh Lâm Đồng nêu biện pháp: “Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cá nước lạnh, các đơn vị sản xuất giống phải được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo quy định”.
Tuy nhiên, việc quản lý cá giống đầu vào ở địa phương này trên thực tế lại đang “có vấn đề”, khi không thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch được duyệt cũng như các quy định của Bộ NN&PTNT và Công ước CITES mà Việt Nam đang tham gia. Trước thực trạng đó, nhiều nhà chăn nuôi có tâm huyết ở địa phương ngán ngẩm cho rằng việc nói không đi đôi với làm đang khiến Lâm Đồng lâm vào tình cảnh “xây nhà từ nóc” cho tham vọng biến tỉnh này thành vựa cá nước lạnh cả nước.
Giống cá lậu “đội lốt” cá tự sinh sản?
Khác xa con số 500 ngàn con giống/năm của Hiệp hội Thủy sản nước lạnh dự báo trước đó, ông Trần Văn Hào, Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho hay, hiện nhu cầu về giống cá tầm cho 9 đơn vị nuôi trong tỉnh chỉ đạt khoảng 200 ngàn con, vì thế, riêng nguồn cung ứng giống cá nước lạnh tại chỗ hiện nay (khoảng 500 ngàn con giống) do đàn cá bố mẹ của Công ty CP Cá tầm Việt Nam sản xuất ra là đã quá dư thừa(?). “Số con giống sản xuất tại chỗ của đơn vị này lớn gấp đôi nhu cầu thì đi nhập lậu về làm gì” - ông Hào giãi bày.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Giám đốc một doanh nghiệp nuôi cá tầm có uy tín (đề nghị giấu tên) trên địa bàn Lâm Đồng lại khẳng định hoàn toàn khác. “Nói Lâm Đồng tự nhân tạo thành công và cung ứng tới 500 ngàn con cá tầm giống là chuyện khôi hài. Toàn cá nhập lậu từ Đông Âu đội lốt hết đấy. Cá bố mẹ đẻ trứng là có, nhưng trứng này không đạt tiêu chuẩn. Trứng ấp có nở thành cá nhưng cá không tồn tại được lâu. 1kg trứng cá xách tay giá 6.000 USD, anh muốn mua bao nhiêu cũng được” - vị này xác nhận.
Do cá tầm nằm trong Sách Đỏ nên quy trình nhập trứng cá giống về Việt Nam hiện nay phải tuân thủ một quy trình rất nghiêm ngặt. Sau khi được Tổng cục Thủy sản cho phép, đơn vị nhập khẩu phải được cơ quan CITES của nước ngoài cấp giấy phép CITES với mục đích xác nhận trứng cá tầm đó được sản xuất từ trang trại không có nguồn gốc đánh bắt tự nhiên. Trên cơ sở CITES của nước ngoài, cơ quan CITES Việt Nam mới đồng ý cấp CITES cho đơn vị nhập khẩu.
“Trên cơ sở những hồ sơ như vậy, sau khi kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch, Cục Thú y Bộ NN&PTNT mới cấp phép kiểm dịch số trứng giống nhập về tại sân bay để thực hiện thủ tục thông quan. Sau 10 ngày nuôi cách ly kiểm dịch, cơ quan thú y địa phương thậm chí còn phải kiểm tra lần nữa, nếu thấy không có dịch bệnh thì cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Tôi khẳng định số cá giống đang được bán cho các cơ sở nuôi ở Lâm Đồng và một số tỉnh phía Nam là giống cá nhập lậu nên không có bất cứ hồ sơ, giấy tờ hợp pháp nào theo quy định” - vị Phó Giám đốc doanh nghiệp nói trên quả quyết.
Để làm rõ nguồn gốc của số cá giống mà Sở NN&PTNT xác nhận là hợp pháp, PV đã yêu cầu Phòng Chăn nuôi thủy sản Lâm Đồng cung cấp những hồ sơ quản lý liên quan tới số cá bố mẹ mà theo cơ quan này là có thể tự sản xuất cung ứng tại chỗ, nhưng lãnh đạo Phòng này thừa nhận là không có. PV cũng đã đề nghị lãnh đạo Công ty CP Cá tầm Việt Nam cung cấp hồ sơ theo quy định 200 con cá bố mẹ mà Công ty này đang nuôi nhưng tới nay vẫn chưa được cung cấp đầy đủ.
Nguồn gốc của hàng trăm ngàn con cá tầm giống giao dịch tràn lan ở khu vực phía Nam hàng năm xuất phát và đưa về từ đâu? Có hay không đường dây đưa trứng cá tầm lậu từ nước ngoài về đội lốt cá tự sinh sản để qua mặt cơ quan quản lý?
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục đề cập ở những bài viết khác.