Trên thị trường Việt Nam tràn lan cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Cá tầm không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch cùng thói quen ăn cá tầm sống khiến cho loại thực phẩm này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường đối với người tiêu dùng.
Ông Đỗ Quang Tùng – Giám đốc Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam nhận định, cá tầm nhập lậu vào Việt Nam nguy hiểm đối với sức khỏe không khác gì gà thải loại.
Ông Tùng cho biết:
- Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ (về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm) và Thông tư 59/2010/TT-BNNPPNT ngày 19/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc quản lý của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), hầu hết các loại cá tầm, đặc biệt là các loại xuất hiện ở Việt Nam, nằm trong Phụ lục II, tức là thuộc về những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát.
Chỉ có cá tầm Đại Tây Dương và cá tầm Ban tích là thuộc Phụ lục I (những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại).
Như vậy, trừ các loại cá tầm ở Phụ lục I, cá tầm thuộc về loài buôn bán có sự quản lý của Nhà nước, đơn cử, các loài cá tầm thuộc Phụ lục II khi muốn vào Việt Nam phải được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp.
- Hiện nay, ở Việt Nam, có bao nhiêu doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm, thưa ông?
- Hiện nay, ở khu vực phía Bắc, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam mới chỉ cấp phép cho một doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm giống và trứng cá tầm. Ngoài ra, có vài ba doanh nghiệp phía Nam cũng được cấp giấy phép nhập khẩu cá tầm giống và trứng cá tầm.
Riêng với cá tầm thương phẩm, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam chưa hề cấp một giấy phép nào để nhập khẩu cá tầm thương phẩm vào Việt Nam. Do vậy, tôi có thể khẳng định, tất cả cá tầm nhập vào Việt Nam đều là cá tầm nhập khẩu phi pháp.
- Là người đứng đầu Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, ông có khuyến cáo gì dành cho người tiêu dùng đối với loại thực phẩm đang được ưa thích này?
- Cá tầm đòi hỏi phải được nuôi trong môi trường với những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, chính vì thế, không phải dễ dàng gây dựng được một cơ sở nuôi trồng đáp ứng được quy chuẩn thức ăn, nguồn nước, vệ sinh… để nuôi trồng cá tầm. Chính vì thế, theo tôi biết, giá cá tầm được nuôi trồng tại các cơ sở đáp ứng điều kiện cao gấp 1,5 – 2 lần giá cá tầm hiện đang bán rộng rãi trên thị trường.
Trong khi đó, cá tầm nhập lậu không chỉ vi phạm Công ước CITES, mà còn là nguồn nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Bởi, cá tầm nhập lậu nếu được nuôi trong môi trường công nghiệp không kiểm soát được nguồn gốc, nguy cơ bệnh dịch, cộng với sở thích ăn cá tầm sống của nhiều người, cá tầm có thể là nguồn lây bệnh, nguy hiểm không khác gì gà thải loại.
- Xin cám ơn ông!
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Công văn số 3288/2012 BNN-TY về việc tăng cường kiểm soát và xử lý việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua cửa khẩu biên giới. Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu chỉ đạo các ban ngành trong tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để các vụ nhập lậu thủy sản qua biên giới, đặc biệt là cá tầm. Các cơ quan công an biên phòng, quản lý thị trường tăng cường điều tra, nắm bắt tình hình, đấu tranh triệt phá các đối tượng đầu nậu, các địa điểm tập kết thu gom thủy sản nhập lậu qua biên giới. Nghiêm cấm việc xác nhận để hợp thức hóa nguồn gốc đối với thủy sản không rõ nguồn gốc... |
Mai Hoa – Bách Nguyễn (thực hiện)