Kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Các thị trường nhập khẩu truyền thống đều tăng, trong đó, tăng cao nhất là Hoa Kỳ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%
Đáng chú ý, Chủ tịch Vitas cho rằng, dù giá không tăng nhưng kết quả năm 2024 vẫn khả quan. Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng XK từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc; thích ứng nhanh với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Hiện nay, hầu hết DN dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Tuy nhiên, đơn giá vẫn không tăng, do đó, dệt may Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để có thể tăng đơn giá.
Cần tự chủ nguyên phụ liệu để tận dụng hiệp định thương mại tự do
Trước các xu hướng thuận lợi, cũng như những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu XK khoảng 47 - 48 tỷ USD. Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Vitas, trong năm 2025, dệt may Việt Nam có nhiều thuận lợi khi thương mại quốc tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN; Chuyển đổi số, phát triển bền vững và các FTA mới sẽ là những xu hướng chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các thuận lợi như chính trị, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định; Lợi thế giá nhân công và tay nghề lao động so với một số nước; Các FTA thế hệ mới mở ra thị trường có dân số đông, thu nhập cao (như CPTPP 500 triệu dân, chiếm 15% thương mại và 13% GDP toàn cầu; EU 500 triệu dân, chiếm 20% thương mại và 26% GDP, RCEP 2,2 tỷ dân, GDP 26.200 tỷ USD), đặc biệt lộ trình giảm thuế hàng dệt may về 0%...
Tuy nhiên, dệt may Việt Nam cũng vẫn phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu, thách thức của các thị trường lớn như chiến lược "dệt may bền vững" với 3 tiêu chuẩn độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc; DN phải in dữ liệu liên quan tiêu chuẩn và quá trình sản xuất. Cùng với đó, là xu hướng thay đổi từ "thời trang nhanh" sang "thời trang bền vững" theo hướng kinh doanh tuần hoàn (ví dụ như EU cấm công ty vứt bỏ quần áo không bán được hoặc phải báo cáo số lượng thải bỏ); Các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động và môi trường…
Đáng chú ý, song song với lợi thế tận dụng các FTA thì dệt may Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu tự chủ nguồn nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế của các FTA.
Trước tình hình đó, theo ông Cẩm, DN dệt may Việt Nam cần xây dựng thương hiệu thời trang Việt chinh phục thị trường trong nước và từng bước XK bằng thương hiệu Việt; Nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; Nâng cao năng suất lao động, đẳng cấp sản phẩm qua đổi mới công nghệ, tự động hóa, robot hóa, quản trị số; Xanh hóa sản xuất thông qua tiết kiệm và sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế, tái sử dụng nguyên phụ liệu, nước thải, chất thải theo hướng kinh doanh tuần hoàn; Đặc biệt cần thực hiện tốt việc liên kết DN trong ngành, giữa DN Việt và DN đầu tư nước ngoài để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Tổng Thư ký Vitas cũng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của DN để giữ vững vị thế XK, Nhà nước cũng cần có các hình thức hỗ trợ ngành để sớm có thể đạt được các mục tiêu đề ra. Ví dụ, “cần hỗ trợ kinh phí đào tạo các nghề phức tạp như dệt, nhuộm..., mà với cơ chế tự chủ tài chính các trường không đủ sức làm, coi đây là khoản đầu tư công” - ông Cẩm gợi ý.
Đồng thời, duy trì các gói hỗ trợ DN và người lao động đã phát huy tác dụng như giảm thuế VAT, thuế đất, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2025. Nghiên cứu thành lập gói hỗ trợ cho chuyển đổi kép (xanh hóa, số hóa) với các điều kiện dễ tiếp cận. Ngoài ra, Vitas cũng đề nghị đẩy nhanh đàm phán FTA giữa ASEAN với Canada, với xuất xứ dệt may ít hơn 3 công đoạn mà Việt Nam và Canada cùng quan tâm.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu