Cưỡng chế trước, giải quyết tranh chấp sau?
Năm 2001, nhân dân thôn Giao Quang họp hội nghị toàn dân, ra nghị quyết cho phép chùa Giao Quang được giao một phần diện tích đất để lấy tiền tu sửa nhà mẫu. Ngày 30/03/2001, ông Nguyễn Văn Thước ký hợp đồng thuê quyền sử dụng 1.880 mét đất với Sư thầy Thích Đàm Thúy (đại diện chùa Giao Quang), thời hạn 20 năm, với số tiền 15 triệu đồng để trồng cây ăn quả lâu năm. Năm 2010, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và ngày 13/12/2010, chùa Giao Quang thông báo hủy hợp đồng thuê quyền sử dụng đất đã ký năm 2001.
Khi sự việc chưa được giải quyết, ông Thước không may bị chết do tai nạn giao thông. Nhưng trước đó ngày 04/10/2010, UBND xã Đại Mỗ đã từng cưỡng chế 2 căn lều trong phần diện tích được thuê (trong khi hợp đồng có nêu rõ, ông Thước được dựng nhà cấp 4 để chăn nuôi và bảo vệ ở hai đầu Bắc hoặc Nam).
Ngày 15/01/2014, ông Nguyễn Văn Thụ (con trai của ông Thước) cho biết, gia đình ông nhận được thông báo của UBND xã Đại Mỗ tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi công nằm trong khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Giao Quang, yêu cầu gia đình tự có trách nhiệm di chuyển tài sản, cây cối, hoa màu ra khỏi vùng được bảo vệ.
Đến ngày 17/01/2014, UBND xã Đại Mỗ cưỡng chế, di chuyển hoa màu, cây cối, xây dựng tường, bao quanh cả 2 căn nhà dựng tạm, để trông cây cối hoa màu. Đến nay, một số người trong gia đình ông Thụ được giao nhiệm vụ trông coi phần diện tích đã thuê của nhà chùa vẫn bị “cô lập”, không có đường đi, phải chuyển thức ăn qua bức tường rào để sinh hoạt.
Nguyên nhân sâu xa là do hai bên chưa giải quyết tranh chấp dân sự về hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất triệt để mà chính quyền đã thực hiện cưỡng chế bảo vệ thi công để thực hiện trùng tu, tôn tạo dự án chùa Khai Quang giai đoạn 2. Luật sư Bùi Văn Quang, Văn phòng Luật sư Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá: “Hợp đồng giữa hai bên chưa được chùa Giao Quang và gia đình nhà ông Thước thanh lý nên phải giải quyết tại Tòa án, tránh trường hợp khi cưỡng chế xong mất tài sản, mất vật chứng vụ án sẽ không giải quyết được nữa”.
Về việc tại sao không chờ hai bên giải quyết tranh chấp tại Tòa án rồi mới cưỡng chế, ông Nguyễn Minh Giảng– Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ - cho biết: “Nếu giải quyết như thế thì 20 năm cũng không làm xong được, với lại nhà chùa có gửi đơn lên Tòa án, nhưng Tòa nói không thụ lý”.
Thực tế này đặt ra câu hỏi ai dám chắc sẽ còn việc gì xảy ra nữa khi người nhà ông Thước vẫn sinh hoạt trên phần đất (được cho là vẫn còn quyền sử dụng), còn chùa Giao Quang cũng không yên tâm vì bản hợp đồng vẫn còn hiệu lực (những 7 năm) mà không được giải quyết dứt điểm?.
“Phù phép” cả ngàn mét vuông đất?
Trong Quyết định số 138/2003/QĐ-UB ngày 27/10/2003 phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã Đại Mỗ (tỷ lệ 1/500) có nêu: “Ô 7.1 là đất chùa Giao Quang, diện tích 2.976 mét”. Thế nhưng, trong một bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích số 09438, được lập tháng 11/2007, ô chữ ký của Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ do ông Nguyễn Văn Dũng ký có đề rõ “Diện tích đề nghị công nhận di tích là 4.223 mét”, cùng 6 chữ ký của các sở, ban ngành cùng lãnh đạo TP.Hà Nội. Khi được hỏi tại sao diện tích đề nghị công nhận di tích lên tới con số 4.223 mét, căn cứ vào đâu mà vẽ rồi đề nghị diện tích chênh lệch so với quyết định mà Chủ tịch TP.Hà Nội đã ký năm 2003, ông Giảng nói: “Căn cứ vào bản đồ khoanh vùng và quyết định công nhận di tích kèm theo”.
Còn tại sao diện tích đất chênh lệch mà lại căn cứ như vậy, không có quyết định điều chỉnh phần diện tích đất chùa, mà chỉ có quyết định công nhận di tích văn hóa, ông Giảng nói: “Lên gặp cơ quan chức năng về đất đai hỏi” dù trên bản đồ hiện trạng của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Từ Liêm có ghi: “Xác nhận diện tích tại bản vẽ này đo theo hiện trạng, theo chỉ dẫn của UBND xã”(!?).
Điều đó cho thấy, diện tích đề nghị công nhận di tích là do Chủ tịch xã Đại Mỗ đề xuất, Phòng TN&MT xác nhận theo và tiếp đến là đại diện các sở, ban, ngành cùng lãnh đạo thành phố ký…Và thế là, 1.247 mét đất bỗng dưng được “phù phép” thay cả Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã Đại Mỗ đã được Chủ tịch UBND Hoàng Văn Nghiên ký năm 2003. “Không biết chính quyền căn cứ vào đâu mà điều chỉnh phần diện tích đất như thế? Phần đất 1.247 mét đó ai là người quản lý, sử dụng, đây có phải là quỹ đất hoang hóa hay không ?” – Luật sư Bùi Văn Quang đặt câu hỏi.