Giáo sư Nguyễn Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết với không ít gia đình mỗi giờ ăn của trẻ thật sự là một cuộc chiến. Khi ăn uống trong tình trạng căng thẳng, dạ dày của trẻ không tiết ra đủ lượng dịch vị cần thiết để tiêu hóa hoặc hấp thu hoàn toàn thức ăn. Thêm vào đó, tâm lý này cũng làm tiêu hao một phần năng lượng của trẻ. Khi sợ hãi và chống đối trong giờ ăn, trẻ sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, kết hợp với việc trẻ không ăn được nhiều, càng làm trẻ phát triển chậm.
"Vòng luẩn quẩn ép ăn - sợ ăn - ăn ít - còi - ép ăn cứ tiếp diễn mãi. Thậm chí về lâu dài trẻ sẽ bị 'suy dinh dưỡng' về mặt tâm lý, luôn sợ hãi khi ăn và phản kháng với thức ăn, giờ ăn", giáo sư Khánh nhấn mạnh.
Khảo sát mới đây cho thấy tỷ lệ các bà mẹ đưa con đến khám tại các phòng khám vì biếng ăn, lười ăn chiếm 45,9-57,7%. Báo cáo khảo sát dinh dưỡng thực hiện vào năm 2014 cho thấy có đến 24,9% trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Phó giáo sư Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết khẩu phần của trẻ em Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng do kém hấp thu, ăn không đủ số lượng hoặc nhu cầu tăng cao trong những giai đoạn đặc biệt. Để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, cần đa dạng hóa bữa ăn từ các nhóm thực phẩm khác nhau với số lượng được thể hiện theo tháp dinh dưỡng được khuyến nghị phù hợp với độ tuổi, điều chỉnh cho phù hợp với khả năng tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn của từng trẻ.
Trẻ biếng ăn thường do nhiều nguyên nhân nên phải xác định được vấn đề để có giải pháp phù hợp với từng trẻ. Khi phát triển trẻ bắt đầu biết chọn lựa những gì mình muốn hoặc không muốn ăn, hoặc dễ dàng xao lãng khỏi bữa ăn và bị thu hút bởi những đồ vật mà chúng cho là thú vị hơn. Vì thế các mẹ phải luôn sáng tạo, tìm hiểu nhiều cách thức khác nhau nhằm đem lại nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho bé. Khi ăn một cách chủ động, tự nguyện và vui vẻ, chắc chắn trẻ sẽ hấp thu trọn vẹn các dưỡng chất cần thiết và phát triển tốt cả thể chất và tinh thần.