Người dân vẫn khó tiếp cận thông tin
Nói về Dự án nghiên cứu, chuyên gia cao cấp Dương Thị Thanh Mai khẳng định, nhu cầu thông tin ngày càng lớn, đa dạng, tập trung trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức như đất đai, môi trường, xây dựng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức, cán bộ công chức đều chưa nhận thức đầy đủ về quyền được thông tin, nhất là quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin; thông tin phải công khai theo quy định của pháp luật vẫn khó, thậm chí không thể tiếp cận với nhiều cá nhân, tổ chức…
Về đánh giá thực trạng pháp luật, qua rà soát hơn 20 lĩnh vực pháp luật với gần 120 văn bản quy phạm pháp luật, bà Mai nhận xét: Ở mức độ nhất định, pháp luật hiện hành của nước ta đã ghi nhận và tạo sự tương thích của quyền tiếp cận thông tin (TCTT) với quan niệm và quy định về quyền tự do biểu đạt/ tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và luật về TCTT của các nước trên thế giới.
Có điều, trong một lĩnh vực cụ thể, nội hàm của quyền TCTT thường chưa bao hàm đầy đủ 3 yếu tố gồm tự do tìm kiếm, tự do tiếp nhận và tự do truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức.
Báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Dự thảo Luật quy định về các loại thông tin phải được công khai rộng rãi, hình thức công khai rộng rãi thông tin, các loại thông tin phải được công khai trên trang thông tin điện tử.
Về cung cấp thông tin theo yêu cầu, Dự thảo Luật loại trừ những thông tin đã công bố công khai, chỉ cung cấp những thông tin chưa có khả năng, chưa có cơ hội cung cấp rộng rãi. Đặc biệt, Dự thảo Luật đặt vấn đề về thông tin hạn chế tiếp cận nhằm tránh tạo khoảng tối khiến người dân không thể biết được thông tin nào thuộc diện hạn chế tiếp cận.
Chẳng hạn, bí mật kinh doanh thuộc loại thông tin hạn chế tiếp cận, song trong trường hợp xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ môi trường vì lợi ích cộng đồng thì người đứng đầu cơ quan nắm giữ thông tin có trách nhiệm cung cấp thông tin…
Bà Thoa cũng đồng thời điểm lại Dự thảo Luật TCTT đã từng trình cách đây 5 năm và so sánh một số điều chỉnh mới của Dự thảo Luật lần này trong bối cảnh hiện đã có 120 nước ban hành Luật TCTT (5 năm trước mới có 87 nước).
Cụ thể, Dự thảo Luật lần này bổ sung các nguyên tắc về thực hiện và điều kiện hạn chế quyền tiếp cận thông tin phù hợp với tinh thần và quy định của Hiến pháp 2013; làm rõ chủ thể cung cấp thông tin và điều chỉnh cách xác định phạm vi thông tin được tiếp cận, thông tin hạn chế tiếp cận.
Ngoài ra, bà Thoa còn nêu lên một số vấn đề đang có ý kiến khác nhau như về các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, về thông tin được tiếp cận, về cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong bảo đảm quyền TCTT.
Mở rộng phạm vi thông tin được tiếp cận
Ghi nhận những quy định tiến bộ của Dự thảo Luật trong việc góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân để tạo điều kiện cho công dân làm ăn, kinh doanh, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi cá nhân ông có nhu cầu tìm mua bất động sản thì thấy rằng những thông tin phải bỏ tiền mua mà không hề đáng tin cậy.
Tuy nhiên theo ông Khôi, do lần đầu tiên xây dựng, chưa có kinh nghiệm thì nên chăng chưa mở rộng phạm vi các loại thông tin được tiếp cận. “Quan trọng là những thông tin liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, những thông tin ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân thì làm trong giai đoạn đầu, sau một số năm nào đó sẽ mở rộng hơn. Có như vậy mới phù hợp với trình độ phát triển của đất nước và trình độ dân trí” – ông Khôi phân tích.
Ngược lại, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Thị Nhị Thủy đề xuất, những thông tin do tất cả các cơ quan nhà nước tạo ra đều cần phải được công khai rộng rãi hoặc cung cấp theo yêu cầu. Việc bảo đảm quyền TCTT của công dân thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, của hệ thống các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, những thông tin mà người dân quan tâm hơn cả hiện nay vẫn là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và các thông tin ấy hầu hết do các cơ quan nhà nước nắm giữ.
PGS.TS Phạm Hữu Nghị cũng cho rằng, không nên gán cho lĩnh vực này những từ “phức tạp”, “nhạy cảm” để co lại phạm vi thông tin cung cấp khi chúng ta đã cam kết là thành viên có trách nhiệm đầy đủ của các công ước quốc tế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án Luật TCTT trong việc góp phần triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý, hiện nhiều nước đã có Luật TCTT, trong đó nhiều nước ban hành từ rất sớm, trong khi nước ta mới lần đầu tiên ban hành luật thì cần đề cao tính khả thi, nghiên cứu đến khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ động công bố thông tin, khi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã đề cập, làm sao bảo đảm cung cấp thông tin chính thống, qua đó át đi những thông tin không chính thống, thậm chí nói một cách mạnh mẽ là thông tin phản động.