Để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất cần ban hành Luật Trưng cầu ý dân khi cho ý kiến vào Dự án Luật này chiều qua (25/2).
Có “vùng cấm” trưng cầu ý dân
“Rất nhiều vấn đề cần nghe ý kiến của người dân trước khi thể chế hóa thành luật, đưa ra quyết sách, nhưng vấn đề là trưng cầu ý dân như thế nào, nội dung nào cần trưng cầu ý dân thì phải làm rõ trong Dự thảo Luật”, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh.
Dù vậy, xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân ngay trong luật là rất khó, còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước tại mỗi thời điểm nhất định và quyền quyết định của Quốc hội nên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật chỉ quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân, sẽ chỉ những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng mới được đưa ra trưng cầu ý dân theo Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đề nghị qui định rõ điều kiện để tổ chức trưng cầu ý dân và những vấn đề thuộc “vùng cấm”, không trưng cầu ý dân. Còn ông Ksor Phước cũng lưu ý phải “nghiêm cấm đưa đề nghị trưng cầu ý dân những nội dung trái Hiến pháp và pháp luật”.
Bà Trương Thị Mai: "Qui định rõ điều kiện để tổ chức trưng cầu ý dân và những vấn đề không trưng cầu ý dân". |
Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - cho rằng, tổ chức trưng cầu ý dân không chỉ trên phạm vi toàn quốc mà có những vấn đề chỉ cần trưng cầu ý dân của một hoặc một số đơn vị hành chính vì vấn đề chỉ ảnh hưởng trên địa bàn đó.
Trưng cầu lại nếu không đạt?
Đó là câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đối với Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân để làm rõ hơn giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân. “Nếu kết quả trưng cầu không như mong muốn thì bao lâu sẽ tiến hành trưng cầu lại hay bỏ luôn vấn đề đó?” - ông Sơn băn khoăn.
Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc quy định tỷ lệ “quá bán kép” để bảo đảm kết quả cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ như Dự thảo đưa ra là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.
Song còn có ý kiến chưa yên tâm với qui định này và đề nghị cân nhắc vì qui định tỷ lệ “quá bán kép” như vậy trong một số trường hợp vẫn chưa đảm bảo tính đại diện cho ý chí của người dân đối với vấn đề được trưng cầu. Do vậy, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy cần qui định “phương án trưng cầu ý dân được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành” mới đảm bảo.
Có ý kiến cho rằng để bảo đảm tính pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân do UBTVQH công bố. Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng không cần thiết vì “vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ nên cơ quan nhà nước phải tôn trọng và thực hiện”…
Theo kế hoạch, tháng 5 tới, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Luật phải quy định chặt chẽ, luật chưa chặt thì không trưng cầu ý dân. Vì vậy, Dự án Luật này cần lấy thêm ý kiến từ Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các cơ quan hữu quan và UBTVQH sẽ xem xét đã trình được dự án này ra Quốc hội hay chưa vào phiên họp tháng 4”.
Điều 44 Dự thảo qui định: “Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu” của cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, qui định như vậy chưa rõ ràng, chưa xác định rõ vai trò của báo chí trong việc chứng kiến việc kiểm phiếu.