Ảnh minh họa |
Với mục tiêu “chỉ ban hành hoặc duy trì các thủ tục hành chính (TTHC) thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”, những năm qua, công tác kiểm soát TTHC đã được triển khai toàn diện, chặt chẽ ngay từ dự thảo văn bản đến tổ chức thực hiện, trong đó kiểm soát quy định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là khâu đầu tiên, đảm bảo chất lượng TTHC ngay từ dự thảo văn bản và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC của các giai đoạn còn lại.
Theo đó, những năm qua, hoạt động kiểm soát quy định TTHC trong dự án, dự thảo VBQPPL đã được quan tâm, chỉ đạo thực hiện và dần đi vào nền nếp, có chất lượng hơn, góp phần nâng cao chất lượng của quy định TTHC.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động đánh giá tác động, lấy ý kiến, thẩm định quy định về TTHC trong dự án, dự thảo VBQPPL theo các quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, Thông tư số 07/2014/TT-BTP thì hoạt động này còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành được quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác này, làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai. Vì thế, năm 2014 việc kiểm soát quy định về TTHC trong dự án, dự thảo VBQPPL đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể là, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động 2.076 TTHC quy định tại 474 dự thảo VBQPPL. Trong đó, có 1.614 TTHC tại 328 VBQPPL đã được ban hành để quy định mới 564 TTHC, sửa đổi, bổ sung 229 TTHC và bãi bỏ, hủy bỏ 57 TTHC. Việc thực hiện đánh giá tác động TTHC giúp hoàn thiện quy định TTHC tại dự thảo văn bản, phát hiện, đề xuất nhiều phương án, sáng kiến cải cách TTHC quan trọng trình cấp, người có thẩm quyền ban hành, được xã hội đánh giá cao như Dự án Luật Doanh nghiệp, Dự án Luật Đầu tư…
Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia ý kiến đối với 1.851 TTHC quy định tại 430 dự thảo VBQPPL. Riêng Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 918 TTHC quy định tại 113 dự thảo VBQPPL quy định TTHC, phát hiện, đề nghị hủy bỏ 199 TTHC và sửa đổi 474 TTHC (chiếm 73% số TTHC quy định trong dự thảo). Bộ Tư pháp cũng đã nghiên cứu, tiến hành thẩm định 716 TTHC tại 95 VBQPPL quy định TTHC, phát hiện, đề nghị bỏ 108 TTHC và sửa đổi 380 TTHC không cần thiết, không hợp lý (chiếm 68% số TTHC quy định tại văn bản).
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số dự thảo VBQPPL không thực hiện kiểm soát quy định TTHC (không đánh giá tác động TTHC, lấy ý kiến) theo đúng quy định song vẫn được ban hành. Do vậy, nhiều quy định TTHC tại các văn bản này không khả thi, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện TTHC cả về phía người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội, thậm chí là rào cản của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Qua kết quả kiểm tra công tác kiểm soát TTHC năm 2014 của Bộ Tư pháp, hầu hết các địa phương được kiểm tra đều xuất hiện tình trạng này, như TP.HCM kiểm tra điểm 5 VBQPPL có quy định TTHC thì có 2/5 văn bản không thực hiện đánh giá tác động, cho ý kiến theo đúng quy định.
Đối với những VBQPPL do Bộ Tư pháp cho ý kiến, thẩm định thì thực trạng này vẫn xảy ra, nhất là các văn bản được thẩm định, cho ý kiến trước khi Quyết định số 1598/QĐ-BTP có hiệu lực thi hành như Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ 2015 – 2020…
Ngoài ra, chất lượng thực hiện đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định ở một số đơn vị, một số văn bản còn chưa cao nên chưa phát huy được hết vai trò, tác dụng của công cụ này trong việc kịp thời phát hiện, đề xuất để hoàn thiện các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản.
Việc nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo của cơ quan chủ trì soạn thảo còn hạn chế nên trong nhiều trường hợp, ý kiến của cơ quan kiểm soát TTHC khi tham gia thẩm định tuy rất chất lượng nhưng lại chỉ mang tính hình thức, ít được chú ý, tiếp thu.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan thừa nhận khi thực hiện kiểm soát quy định TTHC trong dự thảo văn bản, cán bộ sẽ mất thêm thời gian song lợi ích mang lại cho người dân thì vô cùng to lớn.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của hoạt động này, ông Phan đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát việc thực hiện cải cách TTHC, kiểm soát TTHC nói chung, kiểm soát quy định TTHC trong dự án, dự thảo VBQPPL nói riêng, nhất là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả.
Nhiều quan điểm đồng tình với đề xuất của ông Phan như nguyên Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Vũ Đức Long hay đại diện Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Long, pháp chế hiện vẫn khá “lép vế”, trong khi nhiệm vụ ngày càng nặng nề nên rất cần sự quan tâm của người đứng đầu.
Còn đại diện Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, phải có sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, ngành thì công tác này mới thực sự chuyển biến. Một số ý kiến khác còn kiến nghị có quy định riêng về kinh phí cho công tác trên, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc tham vấn các đối tượng tuân thủ TTHC và góp ý của chuyên gia đối với các quy định TTHC trong dự thảo VBQPPL…