Đó là những kỳ vọng được gửi gắm vào Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật(VBQPPL) được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến chiều qua (11/11). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng khẳng định, Dự án Luật sẽ giảm được 1/2 hình thức VBQPPL khiến hệ thống VBQPPL “đỡ phức tạp hơn nhiều” so với tình trạng “rừng luật” như nhận xét về hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay.
Cân nhắc thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, xã
Nhiều ĐBQH tán thành không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã vì cho rằng thực tế những năm gần đây nhu cầu ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã là không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại VBQPPL của cơ quan cấp trên.
ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) nhận thấy: “ở cấp xã, quyền tự quyết rất bé, nếu hệ thống pháp luật đã hoàn thiện thì chính quyền cấp xã cứ “bê nguyên” mà thi hành. Do đó, nếu bỏ hệ thống VBQPPL của cấp huyện, xã thì phải phân cấp, phân quyền cho rõ ràng”.
Còn ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nhận thấy, thẩm quyền ban hành VBQPPL rộng như hiện nay khó phân biệt được văn bản nào có qui phạm, văn bản nào không nên đề nghị không trao thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cấp huyện, xã. Tuy nhiên, hiện khó có thể thu gọn ngay đầu mối ban hành VBQPPL vì không dễ qui định tất cả các vấn đề trong luật mà vẫn cần văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành. Đó là vấn đề phải cân nhắc khi xem xét thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, xã.
Nhưng theo một số ĐBQH, chưa đến lúc để qui định như vậy vì cho rằng ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải được ban hành VBQPPL. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận thấy, thực tế không phải cái gì cũng có thể căn cứ vào văn bản của Trung ương để giải quyết vấn đề của địa phương vì mỗi địa bàn lại có đặc thù khác nhau nên không vì muốn giảm số lượng VBQPPL mà bỏ hết thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, xã.
“Cấp huyện, xã vẫn cần ban hành VBQPPL để quản lý nhà nước trên cơ sở đòi hỏi của nhân dân và VBQPPL cấp trên để áp dụng pháp luật trên địa bàn nên cái gì cần bỏ thì bỏ, song chưa nên bỏ hết thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, xã” – ĐB Trần Minh Diệu khẳng định.
Gắn trách nhiệm của cơ quan tiếp thu chỉnh lý
Một vấn đề tương đối “vướng” trong quá trình làm luật hiện nay là cơ quan soạn thảo không phải là cơ quan có thẩm quyền giải trình, tiếp thu nên khó bảo vệ được quan điểm xây dựng luật và đôi khi “đánh mất “hồn cốt” của dự thảo qua quá trình lấy ý kiến.
Vì thế, ngoài việc giữ như quy định của Luật Ban hành VBQPPL để cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh thì Chính phủ đề xuất quy định giao cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Tuy Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục giữ như quy định hiện hành, đồng thời đề nghị bổ sung quy định để thể hiện rõ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh tham gia trong quá trình chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nhưng theo một số ĐBQH, việc qui định “mờ” trách nhiệm của cơ quan thẩm tra trong quá trình soạn thảo VBQPPL như Dự thảo Luật là chưa phù hợp mà cần làm rõ hơn trách nhiệm trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật theo ý kiến của cơ quan soạn thảo nếu không để chính cơ quan soạn thảo được thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi có ý kiến góp ý.
Làm luật cho chuẩn thì tốn kém cũng là cần thiết!
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu: Chính phủ đề nghị lần này thẩm quyền ban hành VBQPPL chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, nếu có cấp huyện, cấp xã thì chỉ trong trường hợp chừng mực trong phạm vi luật định về thẩm quyền của cấp này. Chính phủ đề nghị TANDTC, VKSNDTC không ban hành thông tư, nếu có thì cũng chỉ áp dụng trong nội bộ, không áp dụng cho xã hội thì không phải pháp luật. Nếu đồng tình theo hướng giảm quyền này và hình thức văn bản thì như vậy hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ giảm được một nửa hình thức văn bản và sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều.
Ngay trong tờ trình đầu tiên, Chính phủ đã tách bạch hẳn khâu làm chính sách, còn soạn thảo xem nhẹ thôi, đề nghị lồng ghép chính sách vào đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Khi Quốc hội thông qua đề nghị chương trình cũng là thông qua chính sách. Nhưng từ lúc thông qua chính sách đến khi soạn thảo luật còn nhiều thay đổi, có khi thông qua luật rồi, chính sách đã thay đổi, không còn chính sách đó nữa. Nên dẫu tách bạch ra thì tốn kém, kéo dài thời gian, nhưng làm luật cho chuẩn thì tốn kém cũng là cần thiết.