Nhiều lần phong tỏa trường học
Có mặt tại Trường THCS Nguyễn Du, chúng tôi nhận thấy cổng trường bị rào kín, đường vào trường bị đào bới ngổn ngang. Hàng trăm học sinh phải gửi xe đạp nhà dân lân cận, khó nhọc chen qua hàng rào để vào trường học...
Trước đó, con ông Hữu là ông Lục Văn Nghị (SN 1970, ngụ xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) cũng từng dùng khóa phong tỏa cổng trường gần 10 ngày để gây sức ép, yêu cầu UBND huyện Hồng Dân sớm giải quyết vấn đề thu hồi đất và việc UBND xã Lộc Ninh cưỡng chế, phá vỡ căn nhà ông Hữu đang xây dựng gần hoàn thành. Sau khi được các cơ quan chức năng thuyết phục, vận động và hứa sớm giải quyết, ông Nghị đã mở cổng trường cho học sinh vào khai giảng.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nghị cho biết hành động phong tỏa trường học là do: “Ngày 5/8, lãnh đạo huyện Hồng Dân lập biên bản hứa trong 30 ngày sẽ trả lời cụ thể những vấn đề gia đình tôi đặt ra nhưng đến nay không thấy thực hiện. Chúng tôi chỉ muốn chính quyền địa phương trả lời dứt khoát việc thu hồi đất của chúng tôi có đúng hay không và UBND xã Lộc Ninh cưỡng chế, đập phá nhà cha tôi đang xây dựng có đúng pháp luật? Khi nào nhận được văn bản trả lời của UBND huyện, tôi sẽ trả lại hiện trạng ban đầu cho nhà trường ngay lập tức” - ông Nghị nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Hồng Hoa - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - cho biết, trước đó UBND huyện hứa sẽ trả lời những vấn đề ông Nghị yêu cầu trong vòng 30 ngày nếu có vấn đề phát sinh thì gia hạn thêm 30 ngày nữa. “Do những vấn đề ông Nghị đặt ra nhiều phức tạp nên chúng tôi cần thời gian xác minh. Thời gian cam kết vẫn còn nhưng ông Nghị nôn nóng, có hành vi rào chắn trường học là không đúng. Tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan vận động thuyết phục ông Nghị tháo dỡ. Nếu ông Nghị không chấp hành thì tôi sẽ cho lực lượng chức năng xuống tháo dỡ”, bà Hoa nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi - đến sáng 20/9, cổng Trường THCS Nguyễn Du vẫn bị rào kín.
Vì sao chính quyền phải nhượng bộ?
Theo hồ sơ chúng tôi có được, năm 2002 một số cán bộ huyện Hồng Dân và xã Lộc Ninh gặp ông Hữu thỏa thuận “mua lại” 2.800m2 đất để xây dựng Trường THCS Nguyễn Du. Ông Hữu được UBND huyện hỗ trợ trước hơn 6,4 triệu đồng, chờ có khung giá cụ thể sẽ tính tiếp.
Đến năm 2004, ông Hữu được UBND huyện Hồng Dân mời lên nhận hơn 237 triệu đồng, gọi là tiền bồi thường cho diện tích đất bị thu hồi đến gần 3 héc ta. Giá bồi thường lại được áp dụng theo giá đất năm 1997. Cơ quan chức năng không nói rõ thu hồi để làm gì và không ban hành quyết định thu hồi đất. Đến cuối năm 2007 UBND huyện Hồng Dân mới ban hành quyết định thu hồi đất của ông Hữu và một số hộ dân gần 7 ha, chỉ để… xây dựng khu hành chính xã.
Theo đó, ông Hữu bị thu hồi 29.648,1m2, tại thửa 565, tờ bản đồ số 6. Tuy nhiên, thực tế thì thửa đất số 565 là của ông Lục Văn Go chỉ có 17.100m2. Đến đầu năm 2015 UBND huyện Hồng Dân mới ban hành quyết định sửa số thửa đất 565 thành 521, tờ bản đồ số 5, song vẫn tiếp tục sai vì thửa đất ông Hữu thực sự bị thu hồi là 524, tờ bản đồ số 6, có diện tích chỉ 20.000m2.
Cho rằng việc áp giá bồi thường không đúng thời điểm, có nhiều khuất tất, quyết định thu hồi đất ban hành chậm đến hơn 3 năm, không đúng thửa nên gia đình ông Hữu làm đơn khiếu nại nhưng liên tục bị chính quyền các cấp bác đơn.
Lạ lùng nhất là tại Quyết định số 697 ngày 3/4/2013 về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Hữu, do ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ký, cho rằng việc thỏa thuận bồi thường năm 2004, rồi đến năm 2007 mới ban hành quyết định thu hồi đất là để hợp thức hóa thủ tục. Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định việc làm ngược quy trình này là không sai quy định!?
Cưỡng chế nhà trái pháp luật?
Cho rằng quyết định thu hồi đất sai, đất chưa bị thu hồi nên năm 2011 ông Hữu xây dựng nhà trên phần đất mà gia đình ông đã cất nhà ở từ năm 1989. Khi ngôi nhà sắp hoàn thiện thì ông Trần Văn Thắng (Chủ tịch xã Lộc Ninh) mang lực lượng đến đập phá tan tành mà không cung cấp quyết định cưỡng chế khiến nhà ông bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Sau đó, khi nhờ người quen photo được quyết định cưỡng chế, phần lý do ghi là “Xây dựng không phép, nhà riêng lẻ ở nông thôn”, tuy nhiên luật không buộc xây dựng nhà riêng lẻ ở nông thôn phải có giấy phép. Do đó, gia đình ông Hữu làm đơn yêu cầu ông Thắng bồi thường nhưng không cơ quan nào giải quyết./.