Ngày 22/9, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Thị Yến (SN 1958, trú tại quận Thanh Xuân – cựu Phó hiệu trưởng trường THPT Dân lập Phương Nam); bị cáo Trương Thị Kim Dung (SN 1962, em gái của Yến) và bị cáo Mai Huy Thành (SN 1985, con trai Yến) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, HĐXX nhận thấy trong lời khai của các bị cáo và những người bị hại còn có nhiều mâu thuẫn, tài liệu tố tụng vẫn chưa xác định rõ cổ phần của bị cáo Trương Thị Yến nên HĐXX quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng truy tố, năm 1996, Yến cùng vợ chồng anh trai đang trú ở Cộng hòa Séc và em rể góp vốn cùng ông Cấn Hữu Hải (SN 1960, trú tại khu đô thị Mỹ Đình II – tham gia đầu từ góp vốn 1,5 tỷ đồng) thành lập Trường Tiểu học dân lập Phương Nam tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong HĐQT thì Yến làm Phó Hiệu trưởng điều hành toàn bộ hoạt động chuyên môn và tài chính.
Quá trình hoạt động của trường Phương Nam, Yến đã sử dụng danh nghĩa nhà trường huy động vốn, vay nợ rất nhiều tiền, tài sản của các cá nhân, tổ chức trong đó có anh Bùi Thanh Sơn (SN 1977, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) góp vốn với tổng số tiền hơn 20,3 tỷ đồng với lãi suất 10-15%/tháng.
Tổng số tiền mà Yến nợ anh Sơn từ năm 2008 đến tháng 10/2010 là hơn 128 tỷ đồng và không có khả năng chi trả.
Sau đó, từ năm 2008 đến tháng 3/2009 Yến đứng ra thành lập 2 công ty về giáo dục là Công ty TNHH Tư vấn phát triển giáo dục đào tạo Phương Nam và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Việt Anh.
Hai công ty này có Dung và Thành đứng tên cổ đông sáng lập với vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, hai công ty này không hoạt động và không có bất kỳ phòng ban nào.
Tiếp đến, Yến ký với Thành một bản họp Hội đồng thành viên góp vốn của trường Phương Nam để thành lập Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Thành Sơn vào ngày 1/7/2010 do Yến đứng tên cùng Thành và Dung đồng sáng lập với vốn điều lệ tự khai là 268 tỷ đồng. Công ty này do Thành làm Tổng giám đốc.
Đến năm 2010, khi anh Sơn ráo riết đòi nợ Yến đã đề nghị anh này mua lại Công ty Thành Sơn với số cổ phần tương ứng số nợ. Sau đó, anh Sơn đã ủy quyền cho em họ là anh Bùi Hoàng Linh ký kết với Yến.
Tin tưởng, anh Linh đồng ý với các điều khoản đưa ra. Khi nhận được số tiền 229,5 tỷ đồng bán cổ phần, Yến đã không thực hiện theo yêu cầu. Để chiếm đoạt số tiền này, cựu Phó hiệu trưởng, tăng vốn điều lệ của công ty Thanh Sơn và đổi vai người đại diện công ty.
Đến tháng 6/2012, thấy không có tên trong hội đồng thành viên của công ty, Anh Linh đã làm đơn tố cáo hành vi của Yến và đồng phạm.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an còn nhận được đơn của rất nhiều bị hại tố cáo Trương Thị Yến sử dụng danh nghĩa Phó Hiệu trưởng trường Phương Nam vay mượn tiền, mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư xây dựng trường Phương Nam.
Một số cá nhân cho Yến vay với lãi suất 3-5% tháng để hưởng tiền lãi. Một số cá nhân khác đã làm thủ tục ủy quyền công chứng giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở của mình cho Yến để bị cáo này sử dụng một phần số tiền vốn vay.
Do việc vay mượn tiền và tài sản giữa Trương Thị Yến với các cá nhân nêu trên là quan hệ dân sự, nên cơ quan điều tra tách phần tài liệu liên quan để các đương sự khởi kiện tại tòa án khi có yêu cầu.