Kiệt tác bên dòng sông Hậu
Đình Bình Thủy có tên gọi khác là Long Tuyền cổ miếu tọa lạc tại đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đình hội đủ các yếu tố phong thủy “nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị”. Mặt Bắc của đình giáp bờ sông Hậu, mặt Đông là rạch Bình Thủy hay còn gọi là rạch Long Tuyền; mặt Nam là đường Lê Hồng Phong thông với các đường lớn khác.
Đình được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1844, qua lời truyền khẩu, khi đó bão lụt diễn ra liên miên tại làng Long Tuyền khiến nhà cửa ruộng vườn thiệt hại, nhân dân lầm than, làng đã lập một ngôi đình bằng gỗ, lợp lá tại vàm Bình Hưng vào năm Giáp Thìn. Lúc đầu đình thờ Thành hoàng làng nguyện thần linh làm ăn yên ổn. Công trình đã trải qua 2 lần trùng tu vào các năm 1853 và 1909.
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố mang đậm nét đặc trưng riêng của miền Tây Nam Bộ khác rất nhiều so với các đình miền Bắc.
Đình được xây dựng theo lối kiến trúc “thượng lầu hạ hiên” (lối kiến trúc giả lầu) với 2 khu vực chính là: Khu đình chính và khu lục ấp trên khoảnh đất rộng hơn 4000m2 theo hình chữ Nhất. Trước khi bước vào khu vực bên trong đình chính thì bạn phải đi qua một cổng tam quan, được lợp mái ngói xanh, ở dưới là tên đình viết bằng chữ Hán và hai câu đối hai bên.
Tượng tiên ông trên bờ chảy mái có nét ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa. |
Tông màu sử dụng chủ đạo là màu vàng, đan xen nền màu gỗ nâu đậm của cánh cửa. Mái ngói màu xanh với nhiều họa tiết trang trí và tượng điêu khắc gắn bên trên. Trên chóp mái ngói bên dưới là tượng kỳ lân, còn ở chóp mái ngói thứ 2 là tượng ông Nhật, bà Nguyệt và tượng cá chép hóa rồng. Ở giữa đỉnh mái là tượng lưỡng long tranh châu.
Tiền đình và chính điện được xây dựng hình vuông với chiều dài có 6 hàng cột mà mỗi hàng cột như thế có 6 cột. Các họa tiết trên thân cột chủ yếu là hình rồng, hoa mẫu đơn. Mái đình được làm theo kiểu “Tứ hải” – xòe ra bốn phía. Đây là kiểu mái phổ biến nhiều ở nhà cổ Nam Bộ.
Bên trong điện có các bàn thờ với cách thờ thần đa dạng, phong phú. Điều này đã thể hiện nét văn hóa của người Tây Nam Bộ từ thời xa xưa cũng như phản ánh nét phóng khoáng, cởi mở trong con người miền Tây khi họ biết mở lòng để đón nhận các tinh hoa văn hóa theo thời gian. Điển hình là sự xuất hiện của kiến trúc Pháp được thể hiện qua những vòm cuốn, đầu cột, cửa chớp.
Ngoài việc thờ thần hoàng làng Bổn Cảnh Thành hoàng và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập làng xã, dạy nghề cho dân, đình Bình Thủy còn lập bàn thờ những vị anh hùng có công với đất nước như: Công thần Nguyễn Trãi, vua Quang Trung, tướng Đinh Công Trứ, nhà cách mạng Phan Bội Châu... và bàn thờ tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xung quanh khu đình chính gồm 4 miếu thờ 4 vị thần: Thần Nông, thần Hổ, thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Lễ hội văn hóa tâm linh đặc sắc
Theo truyền thống, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy mỗi năm đáo lệ 2 lần là Thượng điền diễn ra 3 ngày từ 12 đến 14 tháng 4 âm lịch và Hạ điền vào hai ngày 14 và 15 tháng chạp, chuẩn bị đón năm mới. Hội đình Bình Thủy là một trong 3 hội đình lớn nhất miền Tây thu hút đông đảo khách tham quan, hành hương, tế lễ.
Lễ hội Kỳ yên bắt đầu từ ngày 11/4 âm lịch, những người có trách nhiệm trong cộng đồng thực hiện các nghi thức mở đầu như: Lễ mở cửa tam quan, lễ tế đất, cúng tiên thường, lễ trình sanh. Ông chủ từ có trách nhiệm mở đúng giờ, lần lượt các cửa tam quan từ trái qua phải, cửa phụ, cửa bên hông, cửa nhà bổn thôn và lục ấp để mong các Thần phù hộ cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Sau đó, những người có bổn phận, trách nhiệm lau chùi các vật dụng, làm vệ sinh trong ngoài đình.
Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy là một trong những hội đình lớn nhất của Miền Tây. |
Lễ tế đất được thực hiện ở nhà bổn thôn để thông báo với Thần cai quản đất đai tại đình về nghi lễ sắp diễn ra, mong Thần Đất chứng giám và phù hộ cho lễ hội được diễn ra thuận lợi. Cúng tiên thường do dân làng dâng lễ vật cúng, để báo cáo với người đã khuất về việc tổ chức lễ hội. Lễ trình sanh cúng ở miếu Thần Nông trong khuôn viên đình với lễ vật là bộ tam sanh: heo lông trắng, dê lông đen, ngỗng lông trắng, sau 3 năm thì cúng bò lông vàng thay cho heo, để cầu 3 điều lợi: lợi quốc gia, lợi thôn xã, lợi nhân dân.
Từ 2h sáng ngày 12/4 âm lịch, nghi lễ đầu tiên là lễ thỉnh sắc thần du ngoạn bằng đoàn xe được trang trí cầu kỳ. Đoàn xe đi từ đình Bình Thủy qua chợ Bình Thủy, phường Long Hòa, phường Long Tuyền đến ngã 3 đường Nguyễn Văn Trường, sau đó quay trở về đình làm lễ an vị. Khi sắc thần du ngoạn, hai bên đường các gia đình đều bày mâm lễ vật nghinh đón thần để cầu mạnh khỏe, bình an, làm ăn khá giả.
5h sáng ngày 12/4 âm lịch, lễ tế Thần Nông tại miếu để tưởng nhớ Thần Nông nghiệp có công dạy dân cày cấy, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Sáng ngày 13/4 âm lịch, là lễ tế bàn soạn tại gian chánh điện để các thành viên chủ trì tập trung bàn về lễ vật dâng cúng thần và phân công nhiệm vụ. Lễ Túc yết vào 2h sáng ngày 14 để nghinh thần với sự chủ trì của Ban Chủ lễ và 14 học trò. Lễ vật đặc biệt có con heo đã cạo lông, 1 chén huyết, 1 chén lông. Văn tế khi đọc xong được mang đi hóa.
2h sáng ngày 15/4 âm lịch, diễn ra lễ chánh tế, nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng đình. Đây là lễ cúng Thần trong kỳ lễ Thượng điền để tạ Thần, cúng Tiền hiền, Hậu hiền - những người có công lập ấp dựng làng xã, mở mang đất đai, mang lại bình yên no ấm cho dân làng, cũng là buổi lễ cúng cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Lễ vật dâng cúng Thần là 1 con heo trắng, cùng 1 chén huyết, và các lễ vật khác.
Sau lễ Chánh tế là lễ Tôn vương do diễn viên hát bội Ban Tế tự đình thực hiện. Ngoài nghi lễ, trình diễn hát bội, lễ hội đình Bình Thủy còn tổ chức thi nữ công gia chánh (thổi xôi), trình diễn ẩm thực địa phương, các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, đập nồi (bịt mắt), nhảy bao bố… thu hút nhiều người tham gia.
Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy là minh chứng quan trọng về lịch sử định cư trên vùng đất này của người Việt, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa của cha ông cho thế hệ kế cận.