Trai cày phò chúa trở thành hổ tướng thành Gia Định

Lăng mộ Long Vân Hầu gần 200 năm tuổi ở phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM
Lăng mộ Long Vân Hầu gần 200 năm tuổi ở phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 - 1827) xuất thân là trai làng làm ruộng, ông đã cứu chúa Nguyễn Ánh trong lúc nguy nan, trở thành võ tướng lẫy lừng với nhiều công trạng cho nhà Nguyễn.

Trai làng theo chúa đánh trận

Theo sách “Tiểu sử Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu” của tác giả Lê Thọ Xuân và một số tài liệu khác, Trương Tấn Bửu là người làng Hưng Lễ, tổng Bảo Thạnh (nay thuộc xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Ông sinh ra trong gia đình phú nông có 7 anh em, được miêu tả là người tầm thước, thông minh, giỏi võ nghệ, dũng mãnh, dám đương đầu với cọp dữ, lại có tấm lòng hào hiệp.

Cuộc đời anh nông dân họ Trương có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không có cuộc gặp gỡ chúa Nguyễn vào năm ông 35 tuổi. Truyền rằng, vào một đêm tháng 10 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh cùng thủy quân bại trận thảm hại trước quân Tây Sơn, bị truy đuổi phải bỏ chạy đến vùng xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Chúa Nguyễn cùng hai thuộc hạ sau đó phải bỏ thuyền chạy bộ tới xóm Cây Da, xã Hưng Lễ.

Trong đêm khuya vắng, ba người sức cùng lực kiệt, bộ dạng vô cùng thê thảm, bèn gõ cửa nhà ông Trương Tấn Khương - cụ thân sinh ông Trương Tấn Bửu, để xin náu thân qua đêm. Gia đình họ Trương vốn thương người, tiếp đãi 3 vị khách lạ tử tế, mời cơm và cho nghỉ lại nhà. Do quân tướng đã tan rã nên Nguyễn Ánh xin ông Khương được ở lại nhà sinh sống, làm ruộng một thời gian.

Sau những ngày cày cấy ruộng đồng cùng nhau, Trương Tấn Bửu nhìn ra một trong ba vị khách không phải thường dân nên gạn hỏi. Nguyễn Ánh lúc này mới nói thật về danh tính. Chúa Nguyễn vốn quý mến gia đình Trương Tấn Bửu cũng như chàng thanh niên gan dạ hào hiệp nên khi Trương lão gửi gắm con trai cho mình, chúa đã nhận lời. Cuộc đời Trương Tấn Bửu rẽ ngoặt từ khi đó.

Chân dung Long Vân Hầu thời điểm năm 1822, khi đang là Phó tổng trấn thành Gia Định.Chân dung Long Vân Hầu thời điểm năm 1822, khi đang là Phó tổng trấn thành Gia Định.

Tài năng võ nghệ của Trương Tấn Bửu sớm thể hiện khi có lần vừa đưa chúa Nguyễn ra khỏi nhà thì bị quân Tây Sơn phục sẵn. Lực lượng Nguyễn Ánh lúc này đang ở thế yếu nên vất vả chống đỡ, đối mặt với nguy cơ bị bao vây tiêu diệt. May mắn lần này có anh trai làng họ Trương, vừa giỏi võ lại quen thuộc địa bàn, tả xung hữu đột bảo vệ chúa giữa muôn trùng vây và tìm đường đưa Nguyễn Ánh trốn thoát.

Ngoài Trương Tấn Bửu, trong thời gian ở làng, chúa Nguyễn cũng thu phục được nhiều thanh niên trai tráng, lực lượng mỗi ngày một đông. Chúa tôi sau đó tiến quân đến vàm Nao (nơi giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu) để tập trung binh lực. Trương Tấn Bửu vì có nhiều công lao, được chúa phong chức Khâm sai đốc chiến cai cơ, dưới trướng Hậu quân Tôn Thất Hội. Thời gian này, ông được chúa cho tên Long, phong tước là Vân Hầu, sau thường gọi là Long Vân Hầu.

Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), ông được thăng ông chức Hậu quân Hậu chi Chánh chưởng chi, rồi đổi qua Chưởng quản Tiền quân. Từ năm Đinh Tỵ (1797), ông tham gia trong các cuộc chiến với nhà Tây Sơn, lập được nhiều chiến công ở Phú Yên, Bình Định, Hội An, được thăng chức Tiền quân Phó tướng. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi phong ông làm Chưởng dinh, quản lĩnh đạo quân Bắc Thành.

Dẹp giặc Tàu Ô, đào kênh Vĩnh Tế

Trong thời gian ở Bắc Thành, Trương Tấn Bửu ra tay tiễu trừ thổ phỉ, đặc biệt là đánh dẹp bọn cướp biển Trung Hoa, thường gọi là giặc Tàu Ô. Đây là băng cướp biển có hàng trăm chiến thuyền, lực lượng hùng mạnh. Chúng khuấy đảo từ Vân Đồn (vịnh Hạ Long, Quảng Yên) tới Kinh Môn (Hải Dương). Quan quân nhà Nguyễn đối mặt cướp biển phải nhiều lần thoái lui nhưng khi Trương Tấn Bửu cầm binh thì cục diện đảo chiều.

Trong các trận đánh, thủy binh dưới sự chỉ huy của ông đã tiêu diệt rất nhiều tên giặc. Như năm Bính Dần (1806), giặc Tàu Ô đem 30 thuyền tới cướp phá vùng biển vịnh Hạ Long, nhờ tài dùng binh của Long Vân Hầu mà quân nhà Nguyễn đánh đuổi và dẹp yên bọn cướp. Lần khác, quân đội dưới sự chỉ huy của ông đã đánh lui 80 thuyền của bọn cướp trên sông Bạch Đằng.

Trong những lần đối mặt với hải tặc, nhiều lần đích thân Trương Tấn Bửu cầm binh đi dẹp loạn. Đánh nhau với giặc Tàu Ô ròng rã 36 trận trong nhiều năm, Trương Tấn Bửu mới dẹp yên để nhân dân trong vùng an cư lạc nghiệp. Ông sau đó được Gia Long phong chức quyền tổng trấn Bắc thành để tưởng thưởng. Nhờ giúp cư dân phía Bắc dẹp nạn cướp nên nhiều nơi sau này lập đền thờ vị hổ tướng này.

Năm Canh Ngọ (1810), Long Vân Hầu được triệu về giữ chức Tổng trấn thành Gia Định. Hai năm sau, Tả quân Quân công Lê Văn Duyệt vào Gia Định giữ chức Tổng trấn, còn Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu làm Phó Tổng trấn. Hai ông đều là danh tướng kiệt xuất của Gia Định, lúc bấy giờ cùng cai quản cả vùng đất thành Gia Định (có nhiều trấn) và trông coi cả trấn Bình Thuận, được người đời tôn kính.

Ông là người có tầm nhìn chiến lược quân sự nên năm 1816 tuân lệnh vua đốc suất quân dân đắp thành Châu Đốc, trấn giữ bờ cõi. Năm Tân Tỵ (1821) Trương Tấn Bửu lại được cử vào lãnh chức Gia Định thành Phó tổng trấn. Hai vị tổng và phó tổng trấn luôn coi trọng quốc pháp cũng như một lòng tận tụy chăn dân được dân kính phục, thường gọi là “Chánh tướng Duyệt, Phó tướng Luông” (nói trại vì kỵ úy từ chữ Long).

Năm Quý Mùi (1823), khi Lê Văn Duyệt coi việc vét kinh Vĩnh Tế ngã bệnh thì Long Vân Hầu lại nhận việc đốc suất. Ông cùng Thoại Ngọc Hầu chỉ đạo 35.000 quân và dân Nam Bộ đào kinh Vĩnh Tế (kênh đào lớn nhất thời điểm đó, được khởi công từ đời Gia Long), với chiều dài 87 km từ An Giang qua Kiên Giang ngày nay. Nhiệm vụ gian nan nhưng vẫn hoàn thành, Long Vân Hầu được vua Minh Mạng ban thưởng rất nhiều lụa là, tiền bạc.

Năm Giáp Tý (1824), Long Vân Hầu thường đau yếu với những căn bệnh có từ thời trận mạc, nên dâng biểu xin hồi hưu dưỡng lão. Nhà vua luyến tiếc nhưng phải thuận ý, ban cho đặc ân, ông vẫn được lãnh trọn lương bổng như lúc còn ở quan trường. Vào dịp Tết, vua sai người mang phẩm vật vào ban phát cho ông. Ông mất năm 1827, thọ 75 tuổi. Theo lệnh vua, Tổng trấn Lê Văn Duyệt làm chủ lễ, cấp đất chôn cất và xuất hai ngàn quan tiền, năm cây gấm tốt để lo việc an táng ông tại làng Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP HCM ngày nay).

Sau này xét thấy Long Vân Hầu làm quan đến trật chánh nhất phẩm, mấy mươi năm là trụ cột của nhà Nguyễn qua hai đời Gia Long, Minh Mạng, thân phụ ông xưa kia còn có ơn với tiên đế. Vua Minh Mạng truy phong cho cụ Trương Tấn Khương chức Nghiêm oai tướng quân Thượng hộ quân Thống chế, và cụ bà thân mẫu Long Vân Hầu vào hàng mệnh phụ phu nhân. Đến đời Tự Đức năm thứ 5 (1852), bài vị ông được thờ vào miếu Trung hưng công thần. Noi gương cha, các con ông nhiều người đi theo con đường binh nghiệp, phụng sự triều đình.

Trước năm 1985, Sài Gòn có 2 con đường mang tên Trương Tấn Bửu, nay là đường Lê Quang Sung ở quận 6 và Trần Huy Liệu ở Phú Nhuận. Ngày nay, mộ ông trên đường Nguyễn Thị Huỳnh (phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM), còn được gọi là lăng Phú Thành, được xem là một trong những khu mộ danh thần cổ nhất ở Sài Gòn, với gần 200 năm tuổi. Khuôn viên có diện tích rộng 2.300 m2, được bao bọc bởi tường rào, khá yên tĩnh, gồm khu mộ và đền thờ riêng biệt.

Mộ ông dài hơn 3m, chiều ngang khoảng 2m, cao hơn 2m; được xây bằng ô dước (hợp chất gồm vôi, cát giấy dó, than hoạt tính, mật đường). Đầu mộ, cuối mộ có xây bình phong. Tường thành bao quanh cũng được xây bằng ô dước và gạch thức (gạch có đóng dấu), có trang trí hình kỳ lân, búp sen, phù điêu hình cây tùng và chim hạc, các cặp liễn đối. Cấu trúc khu lăng mộ tương đối nguyên vẹn nhưng lớp ô dước bên ngoài bong tróc gần hết, nhiều chi tiết kiến trúc bị sự tàn phá của thời gian.

Bên phải ngôi mộ là đền thờ, gồm có tiền điện và chính điện. Tiền điện được xây theo dạng nhà tứ trụ, vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói ống (ngói âm dương tiểu đại). Chính điện cũng có dạng nhà tứ trụ nhưng được xây bằng bê-tông, tường gạch, mái lợp tôn xi măng. Đền thờ ông từng được trùng tu vào năm 1943.

Thời kháng chiến, nơi đây từng là cơ sở của đội Cảm tử quân Phú Nhuận. Năm 2005, khu lăng mộ này được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đọc thêm

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi
(PLVN) - Quê tôi gọi bát cơm quả trứng cúng người vừa mất là: “cơm đặt đầu” nghĩa là bát cơm đặt phía trên đầu giường người vừa mất. Bát cơm đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nên người Việt đã gìn giữ, duy trì qua nhiều ngàn năm không mất.