Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Tín ngưỡng thần tiên trong Đạo giáo

Ra đời năm 141 tại Tứ Xuyên bởi hậu duệ của đại quân sư Trương Lương - danh thần khai quốc nhà Hán là Trương Lăng, Đạo giáo phát triển mạnh mẽ, trở thành một tôn giáo lớn ở Trung Quốc bắt đầu từ thời nhà Tấn (265-420), đặc biệt vào thời Nam Bắc triều (420-589) với những nhân vật nổi tiếng như Cát Hồng, Khấu Khiêm Chi, Lục Tu Tĩnh, Đào Hoằng Cảnh... Trong quá trình hình thành và phát triển, Đạo giáo lấy một số nội dung có tính chất thần bí của Đạo gia làm nền tảng tinh thần và giáo lý cho tôn giáo của mình.

Trang Tử cho rằng, “nó (Đạo) tạo ra quỷ thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất”. Vì vậy, Đạo giáo đã đem những tư tưởng mang nghĩa thần bí trong Đạo Đức kinh như “cốc thần bất tử”, “trường sinh cửu thị” với tư tưởng thần bí mang tính “sấm ký” trong sách Nam Hoa kinh của Trang Tử để phát triển và tôn giáo hóa thành mục tiêu theo đuổi.

Tín ngưỡng thần tiên là trung tâm của Đạo giáo. Sau Đạo giáo kết hợp mọi thần linh từ nhiên thần, nhân thần trong tín ngưỡng dân gian sắp xếp thành phả hệ nhiều tầng.

Về tổng thể, văn hóa Trung Quốc là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất và phức tạp, lan truyền và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dân tộc, quốc gia lân cận như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Cách nay hơn 5.000 năm, xã hội nguyên thuỷ ở Trung Quốc bước vào giai đoạn tan rã. Xã hội bắt đầu có giai cấp, nhà nước ra đời. Ở giai đoạn đầu, lịch sử Trung Quốc chưa được ghi chép chính xác mà chỉ được chuyển tải bằng thần thoại, truyền thuyết.

Theo thần thoại và truyền thuyết, các vua đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện ở thời Tam hoàng Ngũ đế (Tam hoàng: Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông), (Ngũ Đế: Hoàng đế, Cao Dương đế, Cốc đế, Nghiêu đế, Thuấn đế). Người Trung Quốc cổ đại cho rằng, mỗi hiện tượng diễn ra trong tự nhiên đều có một lực lượng thần bí cai quản, từ đó hình thành tư tưởng sùng bái tự nhiên. Quỷ thần, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, núi sông và thần linh đều được coi là thần linh. Do đó, người dân đã lập đền miếu thờ các thần: Mặt trời, mặt trăng, Nam tào, Bắc đẩu, Nhị thập bát tú, Cửu thần, Thập tứ thần...

Các kết quả khảo cổ học và các sách cổ cho thấy người Trung Quốc thời kỳ này tế tự nhiên thần là chủ yếu như: Minh Thiên thượng đế, Nhật nguyệt tinh thần, Thần phong lôi vũ điện, Thần đất (Sơn xuyên, Xã tắc, Ngũ nhạc, Tứ độc) đồng thời cũng tế tự tổ tiên gọi là quỷ.

Vào thời Lão-Trang (trước Công nguyên) người ta chưa thấy một vết tích nào của Đạo giáo. Thời cổ đại, con người coi quỷ thần là chúa tể vũ trụ. Dưới thời nhà Ân (1027-1024 TCN), ngoài việc cúng tế thần tự nhiên, đã xuất hiện những người làm nhiệm vụ liên lạc với quỷ thần gọi là phệ chú, bốc thệ, cầu khấn cát hung, trông coi việc tế tự.

Việc tế một số vị thần quan trọng, tiêu biểu được phát triển thành lễ hội. Qua thời gian, hình thành nên hệ thống các thần linh gồm thiên thần, địa thần, nhân thần. Việc thờ thần hình thành tín ngưỡng dân gian phổ biến.

Đạo giáo kế thừa việc sùng bái quỷ thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian có nhiều vị thần được Đạo giáo chọn, sau thành thần của Đạo giáo. Như Thiên đế biến thành Ngọc hoàng Đại đế; ba vị thần Thiên, Địa, Thủy thành Tam quan; Bắc phương thất tinh tú thần biến thành thần Huyền vũ...

Các vị thần khác của tín ngưỡng dân gian cũng biến thành hình tượng mà Đạo giáo và dân gian thờ phụng. Quá trình cải tạo này trải dài qua nhiều thế kỷ khiến hệ thống thần của Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian bị lẫn lộn, khó phân biệt rõ ràng.

Theo phả hệ, thần tiên trong Đạo giáo có 7 cấp độ cao thấp. Đứng đầu cấp thứ nhất là Nguyên Thủy Thiên tôn và 29 đạo quân, đại diện cho đạo ở thời đại vũ trụ trống rỗng, chưa hình thành.

Cấp độ thứ hai là Thượng Thanh Cao Thánh Thái Thượng Ngọc Thần Huyền Hoàng Đạo đại quân với 104 vị thần tiên. Hoàng Đạo đại quân tương truyền là Vạn đạo chi chủ (chúa của muôn đạo), được cho là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên tôn.

Hoàng Đạo Đại quân đại diện cho đạo ở thời đại đã hình thành trời đất do đạo sinh khí và khí sinh âm dương. Nếu ở cấp độ thứ nhất, thần tiên trong Đạo giáo mang dáng vẻ hư vô phiến diện, xa xôi thần bí, nghiêm khắc, lạnh lùng thì sang cấp độ thứ hai, các vị thần bắt đầu có dáng dấp của người trần gian, gần với thế giới hiện thực hơn. Đặc biệt là sự xuất hiện của các nữ thần (Đạo giáo gọi là tiên nữ) như Ngụy phu nhân, Ngụy Hoa Tồn.

Đến cấp độ thứ ba, chư thần đã giáng lâm trần thế nên xuất hiện thần tiên là những nhân vật lịch sử như Doãn Hỷ, An Kỳ Sinh, Cát Huyền, Khổng Tử, Nhan Hồi, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Tư Mã Quý Chủ, Lộng Ngọc, Trang Tử, Lão Đam... Cấp độ này tượng trưng cho thần đã hoàn thành quá trình sáng tạo từ đạo, Âm dương đến vạn vật, tự nhiên, xã hội và con người.

Biểu tượng của Tứ tượng trong phong thủy.

Biểu tượng của Tứ tượng trong phong thủy.

Lão Tử là vị thần chủ của cấp độ thứ tư mang tên gọi Thái Thanh Thái Thượng Lão quân với 174 vị thần tiên. Đạo giáo vào thời kỳ đầu tôn Thái Thượng Lão quân là thần của muôn thần nhưng sau nhiều thiên niên kỷ, Lão quân không còn là chúa tể vũ trụ, sinh ra trước trời đất nữa mà chỉ là Thái Thanh giáo chủ, tức giáo chủ của Đạo giáo.

Xếp hai bên Thái Thanh giáo chủ trong các nơi thờ là các vị thần tự nhiên như Thái Thanh Ngũ đế, Ngọc nữ, Lục đinh, Lục giáp. Đông đảo hơn là những thần tiên, phương sĩ như Trương Đạo Lăng, Qủy Cốc tiên sinh, Xích Tùng Tử, Trương Tử Phòng, Mao Quân, Đông Phương Sóc, Từ Phúc, Loan Ba... Các vị thần trong thần phả dần dần trở thành thần tiên của Đạo giáo.

Trong 7 cấp độ phả hệ Đạo giáo, 6 cấp độ đầu là tiên, cấp độ thứ 7 là ma quỷ. Đứng đầu cấp độ 7 là Phong Đô Bắc Âm Đại đế tức Thiên hạ quỷ thần chi tông (đứng đầu quỷ thần trong thiên hạ) với 88 quỷ quan. Nếu như 6 cấp độ trên tượng trưng cho sinh tồn thì ở cấp độ cuối cùng, quỷ quan tượng trưng cho cái chết. Hệ thống quỷ thần này có âm khí rùng rợn, xung quanh là những võ tướng có xuất thân hiển hách như Tần Thủy Hoàng (Thượng tướng), Ngụy Vũ đế (Thượng phó), Hán Cao tổ, Tề Hoàn công, Tấn Văn công...

Thần tiên của Đạo giáo có hai đặc trưng cơ bản là trường sinh bất tử và thần thông quảng đại, phép thuật cao cường. Khi du nhập vào Việt Nam, Đạo giáo đã có một số ảnh hưởng. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ thành hoàng Việt Nam.

Tiếp biến văn hóa nhìn từ tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Theo truyền thuyết “Truyện Rùa Vàng”, sau nhiều lần xây thành Cổ Loa (khoảng năm 257 TCN, là kinh đô nước Âu Lạc) không xong, vua Thục Phán An Dương Vương được thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp bằng cách phái Rùa Vàng (sứ Thanh Giang) đến giúp diệt trừ yêu tinh là con gà trắng (Bạch Kê tinh) sống lâu năm thành tinh trên núi Thất Diệu. Vua diệt xong Bạch Kê tinh, xây được thành.

Dù mang các tên gọi khác nhau (thần Thiên Tôn ở Hoa Lư tứ trấn và Huyền Thiên Trấn Vũ ở Thăng Long tứ trấn) nhưng với tượng thần kèm rùa, rắn - biểu tượng của thần Huyền Vũ, có thể xác định hai vị thần này là một, chính là thần Huyền Vũ.

Huyền Vũ còn gọi là Chân Võ đại đế, Bắc đế Chân Võ đế quân, Đãng Ma Thiên tôn, Hắc Đế, là một vị thần quan trọng của Đạo giáo, thuộc Tứ tượng của Thiên văn học Trung Quốc và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương và triết học phương Đông.

Phiến đá cổ của Trung Quốc có hình 5 con vật thuộc ngũ hành.

Phiến đá cổ của Trung Quốc có hình 5 con vật thuộc ngũ hành.

Hình dạng khởi thủy của Huyền Vũ là con vũ màu đen, một linh vật kết hợp của rắn và rùa. Trong truyền thuyết về tổ của người Trung Quốc, thì Phục Hy là Tổ phụ, Nữ Oa là Tổ mẫu, người đứng đầu Tam Hoàng Ngũ Đế. Có thuyết cho rằng Phục Hy và Nữ Oa là hai anh em, có hình rồng (Long tổ-Phục Hy) và rắn. Có thuyết cho rằng Phục Hy có hình rùa, Nữ Oa có hình rắn. Sự kết hợp giữa rắn và rùa cho thấy một totem cổ đại từ xa xưa, tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh.

Theo truyền thuyết của Đạo giáo, Huyền Vũ vốn là tinh tú trên trời. Giờ Ngọ, ngày 3 tháng 3 hấp thụ tinh khí của Thái Dương, lịch kiếp vào bụng hoàng hậu nước Tịnh Lạc, 14 tháng sau mới giáng sinh. Năm 15 tuổi, Huyền Vũ rời cha mẹ, đến một nơi thâm sơn cùng cốc để tu hành đạo thuật. Hành động đó làm cảm động Ngọc Thanh Thái tổ Tử Hư Nguyên quân, Nguyên quân chỉ dẫn cho chàng vượt biển, cưỡi chim đại bàng vượt 5 vạn dặm tìm đến một ngọn núi tiên cư trú.

Huyền Vũ bay đến ngọn núi Võ Đang, tỉnh Hồ Bắc, tu luyện 42 năm. Năm 57 tuổi, buổi sớm ngày 9 tháng 9, tiên trên trời bay xuống mời Huyền Vũ lên trời làm tiên. Được Ngọc Hoàng đại đế cử chỉ huy thiên binh, thiên tướng đi thanh lý cõi âm, trấn áp Lục thiên ma vương thắng lợi. Ngọc hoàng phong cho làm Chân Võ đại đế.

Dân gian lập đền thờ Huyền Vũ, sùng bái như một vị đại thần diệt trừ ma quỷ. Cho rằng Huyền Vũ thuộc hành Thủy có thể thắng Hỏa, chống được tai họa do nước và lửa gây ra nên người Hoa, đặc biệt là ở Hong Kong rất sùng bái Huyền Vũ.

Thần Thiên Tôn trấn ở hướng Đông cố đô Hoa Lư, được thờ ở động Thiên Tôn và đền Thiên Tôn ở thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư và nhiều nơi khác. Theo thần tích ở thôn Đa Giá, thần có quê gốc ở đây. Tuy nhiên, theo các thần tích lưu giữ tại đình các làng Bích Đào, Đại Phong (TP Ninh Bình) thì Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là một hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên.

Lớn lên, hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (ở Hoa Lư, Ninh Bình) tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ ma quái. Chàng được Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Qua so sánh, có thể thấy thần tích này có nội dung trùng lặp với truyền thuyết về thần Huyền Vũ của Đạo giáo.

Rùa, rắn - biểu tượng của thần Huyền Vũ.

Rùa, rắn - biểu tượng của thần Huyền Vũ.

Nếu như động Thiên Tôn là nơi thần Thiên Tôn tu luyện phép thuật thì núi Cánh Diều là nơi thần hóa và thường hiển linh giúp đỡ nhân dân. Truyền thuyết cho rằng, vào thời Bắc thuộc, bấy giờ vùng đất Ninh Bình nổi lên nhiều giặc cướp, yêu ma hại người, khi chúng giả làm lái đò để bắt người, khi giả làm gái đẹp để lừa người... Thổ địa tâu việc này lên, Ngọc Hoàng sai thần Thiên Tôn xuống trừ diệt yêu ma cứu giúp dân lành. Thần truy diệt chúng suốt từ Gián Khẩu xuống Đa Giá, Cam Giá, Đại Đăng...

Núi Cánh Diều nằm phía Đông TP Ninh Bình. Núi có 3 đỉnh, đỉnh giữa cao, hai đỉnh tả hữu chĩa ra như cánh chim vì vậy còn có tên gọi là Diên Sỉ sơn (Diên là diều hâu, Sỉ là cánh chim) - con chim diều hâu đang bay. Bên núi có đền Tiên Sơn thờ tiên nữ hóa đá và đền Thánh Cả thờ thần Thiên Tôn, xung quanh núi có nhiều hang động u minh, dưới núi có sông ngầm xuyên thủy.

Theo truyền thuyết dân gian và thần tích đền Thánh Cả, Cao Biền xưa là một tướng giỏi, pháp sư đời nhà Đường sang cai trị Việt Nam, thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ (do thần Thiên Tôn hóa thân) cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn. Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống hòn núi này, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.

Huyền Vũ đại diện cho yếu tố Thủy, hướng Bắc và mùa Đông. Tuy nhiên, tại Hoa Lư tứ trấn thì vị thần này không trấn hướng Bắc mà trấn hướng Đông. Qua các dữ liệu khảo cổ học, có thể thấy, vào thế kỷ IX thời nhà Đường đô hộ, Cao Biền đã cho xây dựng đền thờ Trấn Vũ Thiên Tôn trước cửa động Thiên Tôn. Dấu vết Đạo giáo hiện vẫn còn ở động Thiên Tôn với 3 pho tượng Tam Thanh.

Có thể thấy, chính Cao Biền, một tín đồ Đạo giáo đã dựng đền, truyền đạo tại Hoa Lư. Người dân địa phương sau đó tôn sùng và Việt hóa vị thần phương Bắc này thành thần Việt Nam. Theo tín ngưỡng dân gian, Cao Biền bị chính vị thần mà ông truyền đạo bắn trọng thương.

Trong lịch sử nhân loại, hầu như không có tộc người nào tồn tại một cách hoàn toàn biệt lập mà không giao lưu văn hóa với các cộng đồng người lân cận. Theo TS Lý Tùng Hiếu, để được chấp nhận, những yếu tố văn hóa mới du nhập không thể mâu thuẫn với văn hóa truyền thống của tộc người. Và trong khi tiếp biến văn hóa, bản thân nền văn hóa tiếp nhận cũng sẽ biến đổi từng phần để thích ứng, dung hợp với những yếu tố văn hóa mới.

Đó là hai tác dụng tích cực của sự giao lưu văn hóa. Nói cách khác, chính nhờ sự giao lưu văn hóa mà các nền văn hóa và các tộc người mới có thêm các nguồn lực ngoại sinh để tự điều chỉnh, cách tân, phát triển.

Nếu tồn tại biệt lập, không giao lưu văn hóa với bên ngoài, các nền văn hóa và các tộc người chẳng những không thể phát triển mà còn có nguy cơ suy thoái, vì các điều kiện địa lý tự nhiên của vùng cư trú tất yếu sẽ biến đổi, suy thoái sau một thời gian dài bị con người khai thác.

Huyền Vũ trong thiên văn, phong thủy

Tượng Tam Thanh - dấu vết của Đạo giáo tại động Thiên Tôn.

Tượng Tam Thanh - dấu vết của Đạo giáo tại động Thiên Tôn.

Huyền Vũ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con rắn quấn quanh con rùa, có màu đen (huyền). Chữ “Huyền” còn có nguồn gốc từ câu cuối Chương 1 trong Đạo Đức kinh của Lão Tử là “Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” nghĩa là hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là Huyền nhiệm. (Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.

Huyền học trở thành một trào lưu tư tưởng triết học thịnh hành vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều (thời kỳ này bắt đầu từ năm 220, khi Tào Phi con Tào Tháo cưỡng bách Hán Hiến Đế nhường ngôi, kiến lập Tào Ngụy; kéo dài đến năm 589 khi Tùy diệt Trần, tái thống nhất Trung Quốc), ban đầu chính yếu dùng để giải thích “tam huyền” (Lão Tử, Trang Tử và Chu Dịch), về sau phát triển trở thành công cụ thảo luận, giải thích các kinh điển Đạo gia, Nho gia.

Thời hiện đại, huyền học trở thành một tín ngưỡng dân gian mang màu sắc thần bí, là từ để gọi chung các môn thần bí học của Trung Quốc như phong thủy, bói toán, xem tướng...

Huyền Vũ là một trong Tứ Tượng, gồm bốn bộ trong khoa học thiên văn, triết học và phong thủy Đông phương. Tứ tượng (nghĩa đen là “4 biểu tượng”) là 4 sinh vật thần thoại đại diện cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc trong văn hóa và thần thoại Trung Hoa và các nước đồng văn gồm Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm Thanh Long (rồng xanh), Bạch Hổ (hổ trắng), Chu Tước (chim sẻ đỏ) và Huyền Vũ (rùa rắn). Tứ Tượng còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác như Thiên chi Tứ Linh, Tứ Thần hay Tứ Thánh.

Trong Kinh Dịch, Tứ Tượng có liên quan chặt chẽ với thuyết Âm - Dương, tương ứng với Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Dương và Thái Âm.

Cùng với sự phát triển của Đạo giáo sau này, Tứ Tượng được nhân hóa và đặt tên gọi như con người. Theo sách “Thái Thượng Nguyên Thủy Thiên Tôn thuyết Bắc Đế phục ma thần chú diệu kinh”, Thanh Long có tên là Mạnh Chương (Mão Văn), Chu Tước có tên là Lăng Quang (Dậu Văn), Bạch Hổ có tên là Giám Binh (Ngọ Văn), và Huyền Vũ có tên là Chấp Minh (Tý Văn).

Đạo giáo hay phong thủy xác định: Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Đây là câu nói quen thuộc thể hiện sự tương quan giữa trời đất trong thuyết phong thủy số học.

Trong Nhị thập bát tú, Tứ Tượng tương ứng với 4 cung để phân chia các vì sao. Mỗi cung Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước được hợp từ 7 chòm sao. Bắc - Huyền Vũ bao gồm: Đẩu (cua), Ngưu (trâu), Nữ (dơi), Hư (chuột), Nguy (én), Thất (heo) và Bích (nhím).

Mỗi thần thú đại diện cho một mùa trong năm và một giờ trong ngày. Thanh Long ứng với mùa xuân và giờ Mão (Bình minh), Chu Tước tượng trưng cho mùa hè và giờ Ngọ (giữa trưa), Bạch Hổ ứng với mùa thu và giờ Dậu (chiều tối), Huyền Vũ ứng với mùa đông và giờ Tý (nửa đêm).

(Còn nữa)

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi
(PLVN) - Quê tôi gọi bát cơm quả trứng cúng người vừa mất là: “cơm đặt đầu” nghĩa là bát cơm đặt phía trên đầu giường người vừa mất. Bát cơm đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nên người Việt đã gìn giữ, duy trì qua nhiều ngàn năm không mất.