Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Tấm thổ cẩm – người Tà Ôi gọi là “Zèng” đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Tà Ôi. Bởi vậy, dệt Zèng trở thành thước đo để cộng đồng đánh giá sự khéo léo của người con gái khi lập gia đình. Do đó, việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Từng nhiều lần đưa Zèng trở thành chất liệu chính đi lưu diễn từ Á sang Âu, NTK Minh Hạnh không ngần ngại dùng những lời có cánh cho loại thổ cẩm đặc biệt này của người Tà Ôi: “Zèng là một chất liệu quý hiếm và mặc định cho thời trang cao cấp. Sự độc đáo nằm trong kỹ thuật dệt cườm và tâm trạng của người dân tộc Tà Ôi. Có một sức sống mãnh liệt trong màu sắc hoa văn mang tính thời đại.

Sự mạnh mẽ của những con người sống và chiến đấu với thiên tai và sự khắc nghiệt của khí hậu vùng cao biên giới Việt Lào. Sự mềm mại của những tâm hồn hiền hậu. Sự tự trọng của lòng tự hào dân tộc thể hiện sâu sắc trong Zèng. Vậy khi đưa Zèng vào các bộ sưu tập, nhà thiết kế đã có trọn vẹn tinh thần của một dân tộc”.

Zèng cổ xưa, Zèng kỳ lạ, Zèng công phu

Nghề dệt Zèng tiếng Tà Ôi gọi là Kahul, đã có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác; cha mẹ dạy con cái. Từ bao đời nay, nghề dệt Zèng của người Tà Ôi chỉ bó hẹp trong việc phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Người phụ nữ mặc đơn giản chỉ là gấp đôi tấm vải Zèng, thu phần hai bên nhỏ lại để tạo thân.

Phần cổ của chiếc áo được khoét một cách đơn giản thành kiểu áo chui, tay áo ngắn hoặc không tay. Áo và váy dệt cũng chỉ đơn thuần hai màu đen, đỏ. Váy của phụ nữ may theo kiểu váy ống, được ghép bằng 2 tấm vải thổ cẩm; tiếng Tà Ôi gọi là Xịn (ado tía).

Bởi vậy, trong gia đình người Tà Ôi ở A Lưới xưa kia, mỗi người con gái đều có một khung dệt cá nhân. Mỗi người dệt Zèng theo mô típ của riêng gia đình, để khi về nhà chồng cũng mang theo. Bởi trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, Zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với bản làng.

Mỗi người phụ nữ, người con gái Tà Ôi sinh ra đều phải biết dệt Zèng.

Mỗi người phụ nữ, người con gái Tà Ôi sinh ra đều phải biết dệt Zèng.

Với người Tà Ôi, dệt Zèng không chỉ là một nghề thủ công đơn thuần, mà là thước đo để đánh giá nhiều giá trị trong đời sống của người Tà Ôi xưa. Trong đó, việc một tấm Zèng đánh giá điều kiện, tiềm lực kinh tế của một gia đình là điều người dân Tà Ôi ai cũng nắm rõ.

Bởi theo nghệ nhân Trần Thị Chừ, ở xã A Đớt (huyện A Lưới) xưa kia vải Zèng có giá rất cao: “Nhà nào mà có con gái dệt được Zèng thì có thể đổi được trâu bò. Ngày đó cũng chỉ cần có 1 – 2 tấm Zèng 3 mét là có thể đổi được một con trâu. Bởi để làm được một tấm Zèng người ta mất rất nhiều công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, không phải ai cũng làm được. Nhà nào có đông con gái, làm nhiều thì một năm cũng được 6,7 tấm, mỗi tấm 3 mét là đã hơn nhiều người rồi”.

Mỗi tấm vải Zèng có giá cao như vậy bởi vào tháng 9 hàng năm, người dân Tà Ôi sau khi thu hoạch bông trên rẫy sẽ phải trải qua nhiều công đoạn từ se sợi tới nhuộm màu và hồ. Màu sắc trên vải Zèng của người Tà Ôi xưa phổ biến chỉ gồm đen, trắng, vàng, đỏ, xanh lá và tím.

Mỗi màu sắc lại được lấy từ các loại cây, lá khác nhau như vỏ và lá cây ta-râm cho màu đen, củ cây a-rác cho màu vàng, màu đỏ lấy từ củ cây a-chất… Để sợi vải bền màu, trong quá trình chế thuốc nhuộm, người ta phải bỏ thêm vào đó một số phụ gia như vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô.

Sau khi đã có sợi vải nhuộm màu, người phụ nữ Tà Ôi bắt đầu lên khung dệt vải. Khác với người Thái, người Mường, khung cửi của người phụ nữ Tà Ôi khi dệt Zèng được kết cấu từ những khúc tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Nhờ vậy mà phụ nữ Tà Ôi có thể đem bộ khung dệt tới bất cứ đâu và dệt vào bất cứ lúc nào tiện.

Nếu công đoạn nhuộm đòi hỏi kinh nghiệm pha chế thuốc nhuộm thì khi lên khung dệt cần đến sự tỉ mỉ. Để có một tấm Zèng đẹp, người phụ nữ Tà Ôi phải bỏ rất nhiều thời gian để phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng. Thí dụ như tấm Zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn. Loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn.

Trên mỗi tấm vải dệt của người phụ nữ Tà Ôi cùng với vải sợi, hạt cườm cũng là một vật liệu không thể thiếu. Hạt cườm được xâu kết thành hoa văn, vải Zèng càng có nhiều hoa văn cườm, càng có giá trị cao. Xưa kia, người Tà Ôi thường làm các hạt cườm bằng cách lấy từ hạt cây A rạc. Loại cây này mọc nhiều trong rừng, có hạt như hạt tiêu, khi phơi khô thì rất cứng và có lỗ ở tâm, rất tiện lợi để xâu thành chuỗi trang trí trên Zèng. Ngoài ra, người Tà Ôi còn làm hạt cườm bằng cách nấu chảy chì.

Ngày nay, dưới sự phát triển của xã hội và du nhập của nhiều loại nguyên liệu, người Tà Ôi không trồng bông dệt vải nữa mà mua sợi len, hạt cườm ở chợ, nên chất liệu vải Zèng thì có thay đổi. Và cũng bởi, nếu làm Zèng bằng các vật liệu cổ xưa thì mỗi tấm Zèng sẽ rất đắt bởi quá nhiều công phu.

Tuy nhiên, màu sắc, phong cách đặc trưng, bản sắc trang phục của người Tà Ôi không thay đổi. Để tô điểm thêm vẻ đẹp, phụ nữ Tà Ôi hiện còn sử dụng các loại trang sức như vòng/kiềng đeo cổ, còng đeo tay, khuyên tai bằng bạc trắng và chuỗi đá hạt mã não…

Giữ gìn nghề dệt Zèng truyền thống là lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc Tà Ôi.

Giữ gìn nghề dệt Zèng truyền thống là lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc Tà Ôi.

Từ những nguyên liệu đơn thuần đó, người Tà Ôi tạo nên tấm thổ cẩm có hệ thống hoa văn trang trí đa dạng, khác biệt lớn so với các dân tộc khác sinh sống cùng khu vực. Hoa văn trang trí trên Zèng phần lớn được hình thành từ hạt cườm, được chèn vào trong quá trình dệt, chứa đựng nhiều hình ảnh cách điệu, mô phỏng phong phú hình ảnh gần gũi trong đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người Tà Ôi.

Có thể chia hoa văn của người Tà Ôi thành 3 mô tuýp cơ bản với trên 70 hoa văn khác nhau. Mô tuýp thực vật gồm những loại cây cối, hoa lá như hoa văn lá đoác (loại cây dùng để lấy rượu uống), hoa văn cây a rác dùng để nhuộm vải hay hoa văn a băng a bung giống như hình búp măng của cây giang, tre hoặc nứa…

Mô tuýp thứ 2 là hoa văn động vật. Tương tự như hệ thống hoa văn thực vật, những hoa văn này cũng phản ánh cảm nhận trực quan của người phụ nữ Tà Ôi với môi trường xung quanh, gồm những hình ảnh con dơi, xương cá, hoặc con chim trĩ. Phổ biến nhất là mô tuýp hoa văn đồ vật, như hoa văn hàng rào, cây chông hoặc nhà dài. Với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, khung cửi đơn sơ có thể dệt trên 10 loại Zèng khác nhau với các tên gọi aratang, atoang, pahiêng, vivat…

Điểm đặc biệt là độ dài ngắn của tấm dệt phụ thuộc vào chiều cao của người thợ dệt, bởi bộ khung dệt đặc trưng. Quá trình chèn cườm lên Zèng đòi hỏi người dệt phải rất thành thạo việc sắp xếp các hạt cườm, vậy nên số hoa văn một phụ nữ có thể làm không nhiều. Tuy nhiên, người dệt Zèng lại có thể tự do sáng tạo các hoa văn tùy theo mắt quan sát và trí tưởng tượng của mình. Bởi vậy, mỗi tấm Zèng của người Tà Ôi được coi như một tác phẩm của một người nghệ sĩ. Sự độc đáo, khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm được tích lũy của người phụ nữ Tà Ôi qua bao đời đều được thể hiện qua tấm vải Zèng.

“Để tạo nên một tấm Zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những hệ hoa văn độc đáo”, nghệ nhân Trần Thị Chừ cho biết.

Người “hồi sinh” thổ cẩm Tà Ôi

Nghề dệt Zèng của người Tà Ôi ngày nay chỉ còn được biết đến nhiều nhất ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nhờ những người con đồng bào tâm huyết mà thương hiệu Zèng của người Tà Ôi vốn nổi tiếng với sản phẩm đa dạng, độc đáo, có nhiều hoa văn lạ mắt, vừa cổ xưa, vừa hiện đại có cơ hội “hồi sinh”.

Giờ đây, ở A Lưới, người ta nhắc tới những việc làm của nghệ nhân Mai Thị Hợp dành cho nghề dệt Zèng như một kỳ tích hiếm thấy. Trước đây, giống như bao gia đình Tà Ôi ở xã A Đớt (huyện A Lưới) gia đình bà Hợp cũng bị cái nghèo, cái đói đeo đẳng. Trong ký ức của mình, bà Hợp nhớ mãi những đêm đông, bên ngọn đèn dầu leo lắt, mẹ bà là cụ Kăn Prê đã kiên nhẫn chỉ cho con gái từng đường thêu, mũi chỉ. Khi lớn lên về nhà chồng, tấm Zèng đầu tiên của người con gái sáng tạo nên cũng được mẹ dành làm của hồi môn.

Những ngày lao động nhọc nhằn trên nương rẫy, bà Hợp suy nghĩ rất nhiều: “Sao người Tà Ôi mình có nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà cứ cam chịu mãi cảnh đói nghèo?”. Sau nhiều đêm trằn trọc, bà biết rằng muốn nghề dệt truyền thống của dân tộc phát triển thì không thể chỉ co cụm trong bản làng. Nghĩ là làm, sau nhiều lần đắn đo, bà đã đi đến quyết định truyền nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi cho những người chị em dân tộc khác. Việc làm này của bà đã đi ngược lại với truyền thống bao đời của người Tà Ôi, bởi vậy mà đã gặp không ít khó khăn.

“Buổi đầu, mình đưa ra ý tưởng, gia đình phản đối kịch liệt, nhất là mẹ mình. Bà bảo: “Luật tục ngàn đời nay thế rồi, nghề thổ cẩm Tà-ôi không truyền ra ngoài. Nay con phá luật, Jàng sẽ phạt đó!” Nhưng rồi sau bao lần thuyết phục mẹ rằng, nếu không truyền nghề cho bà con các bản khác thì vải thổ cẩm của dân tộc mình sẽ không ai biết đến, mai này sẽ không còn ai dệt thổ cẩm nữa. Cuối cùng mẹ chị đã đồng ý”, nghệ nhân Mai Thị Hợp nhớ lại những khó khăn buổi đầu khi quyết định vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Cùng với đó, vào đầu năm 2000, hầu hết các bản làng Tà Ôi, chỉ còn lác đác vài người còn giữ nghề dệt Zèng truyền thống, quanh quẩn với vài mẫu mã cũ kỹ để may áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... Trong khi cây bông làm sợi có sẵn từ núi rừng dần cạn kiệt khiến nghề dệt Zèng ngắc ngoải trước nguy cơ thất truyền. Tất cả những điều đó khiến bà Hợp suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đi đến quyết định khôi phục nghề dệt Zèng bằng việc thay thế hạt cườm từ chì sang nhựa; sợi kéo từ bông thay bằng sợi bông vải đã xe sẵn ở dưới xuôi. Kiên trì thuyết phục với lý lẽ tự nhiên, không còn người dệt thì nghề Zèng truyền thống sẽ biến mất theo năm tháng.

Ngày đêm băng rừng lội suối, vừa truyền nghề, vừa vận động chị em phụ nữ trở lại và học nghề dệt thổ cẩm, nghệ nhân Mai Thị Hợp may mắn tìm được những người đồng hành. Từ năm 2004, với 5 thành viên ban đầu, đến nay xưởng dệt thổ cẩm của bà Hợp đã có trên 40 chị em phụ nữ tham gia, thu nhập bình quân mỗi người đạt từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Chị Hồ Thị Nhiên, thôn A Tin, xã A Đớt khoe: “Mình tham gia xưởng dệt này hơn một năm rồi. Trước đây mình làm nương, cực lắm, không đủ cái ăn, cái mặc. Từ ngày về đây, chị Hợp giúp vốn, tạo việc làm nên mình có thu nhập, có tiền mang về nuôi con ăn học”.

Không chỉ tạo việc làm, nâng cao tay nghề, bà Hợp còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, họa tiết mới rồi hướng dẫn chị em làm đến khi thuần thục mới thôi. Với những mẹ, chị ở xa, đường đi lại khó khăn, bà Hợp nhận hợp đồng rồi thông báo cho chị em dệt sản phẩm thổ cẩm tại nhà. Đúng hẹn mang đến giao hàng cho khách. Với cách làm này, vừa giúp đỡ nhiều chị em không có điều kiện đến xưởng dệt nhưng vẫn có thu nhập, vừa tăng thêm đội ngũ người dệt thổ cẩm.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp bảo: “Thổ cẩm người Tà Ôi sinh động, đẹp hơn là nhờ vào các hạt cườm được đính lên sản phẩm và các mẫu mã mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa thổ cẩm Tà Ôi”. Nói về dự định tương lai, bà bộc bạch: “Bao năm đi về các bản làng, nhìn chị em mình khổ, thương lắm, nhưng cũng không giúp nhiều hơn được. Nếu có điều kiện, mình sẽ mở rộng thêm xưởng dệt, tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho chị em”.

Zèng Tà Ôi “chinh phục” sàn diễn quốc tế

Nhờ những người con tâm huyết, trăn trở với nghề như nghệ nhân Mai Thị Hợp, giờ đây, những tấm Zèng của người Tà Ôi không chỉ xuất hiện trong mỗi gia đình mà đã được nhiều người yêu thời trang trong và ngoài nước biết tới.

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2015, lần đầu sản phẩm dệt Zèng của người Tà Ôi thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) lên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã khiến các chuyên gia đến từ ban tổ chức lễ hội quốc tế dệt may tại thành phố Clermont-Ferrand (Pháp) khi chứng kiến phải thốt lên “Đây là sản phẩm duy nhất, rất độc đáo và rất phù hợp với xu thế thời trang hiện đại của thế giới!”.

Cũng trong năm 2015, trên sàn diễn thời trang ngày hội Kimono ở Nhật cùng với những tấm Zèng đã được các nhà thiết kế biến hóa thành các bộ trang phục thời trang để người mẫu trình diễn, Zèng Tà Ôi đã gây chú ý đối với các nhà thiết kế quốc tế và du khách chính là bộ khung dệt Zèng độc đáo, lạ lùng: thân hình (phương dọc) và đôi chân (hai đường chéo) trở thành “bộ khung” chính.

Số còn lại là hơn 10 thanh gỗ và tre nứa (theo phương ngang) mắc sợi thông qua sự luồn lách khéo léo của đôi bàn tay. Đặc biệt là kỹ thuật xâu cườm vào Zèng trong lúc dệt để tạo thành những hoa văn nổi trên nền vải. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam.

Tiếp đó, sản phẩm dệt Zèng Tà Ôi đã hội nhập vào dòng chảy thời trang quốc tế tại Festival áo dài diễn ra ở Hà Nội năm 2016. Zèng Tà Ôi đã được quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các nước châu Âu cùng các nghệ nhân nghề truyền thống ở Ấn Độ và Philippines.

Chính vì sự độc đáo đó mà Zèng hôm nay không chỉ được người Tà Ôi vùng lân cận yêu thích, mà khách du lịch cũng đã biết tới và tìm mua. Zèng trở thành hàng hóa, Hợp tác xã dệt Zèng được thành lập, và nhiều người phụ nữ Tà Ôi ở đây đã bắt đầu coi dệt Zèng là công việc chính của mình bởi nó đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Để sản phẩm Zèng gần hơn với thị hiếu của khách hàng, rất nhiều mẫu mã mới như túi xách, ví, thắt lưng, túi đựng điện thoại, mũ… được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thoát khỏi “vết xe” của nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam, giờ đây, nghề dệt Zèng đã có thể vừa được gìn giữ, bảo tồn, vừa “nuôi” được những người con Tà Ôi.

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi

Bát cơm quả trứng đưa người về bên kia núi
(PLVN) - Quê tôi gọi bát cơm quả trứng cúng người vừa mất là: “cơm đặt đầu” nghĩa là bát cơm đặt phía trên đầu giường người vừa mất. Bát cơm đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nên người Việt đã gìn giữ, duy trì qua nhiều ngàn năm không mất.