Cán bộ vừa thiếu, vừa yếu
- Thưa ông, vì sao phần lớn đơn, thư khiếu nại, tố cáo về đất đai được gửi nhiều lần và vượt cấp?
Ông Đặng Hùng Võ: Đất đai là vấn đề phức tạp, đã và đang phát sinh nhiều khiếu kiện, nhưng tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu kiện thiếu ổn định và nhìn chung bất cập so với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, tình trạng đơn thư, vụ việc từ khiếu nại không thành chuyển sang tố cáo cán bộ giải quyết.
Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận (tương tự như một vụ án hành chính hoặc vụ án dân sự), do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng công tác giải quyết khiếu nại hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm.
Khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng bộ máy thụ lý ở cấp này lại không tương ứng. Chủ tịch UBND các cấp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quyết định giải quyết khiếu nại, nhưng lại phải lo mọi việc của địa phương nên khó có điều kiện chuyên tâm việc này.
Nguồn nhân lực làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu vừa yếu, tình trạng này tồn tại ở cả cấp trung ương và địa phương. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết khiếu nại chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, tái khiếu kiện nhiều.
- Nhiều người khiếu kiện phàn nàn chuyện đơn bị gửi ngược về địa phương, gây ra tình trạng “con kiến mà leo cành đa”? Vì sao lại như vậy?
Ông Đặng Hùng Võ: Trong tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, một số địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn để tình trạng người đi khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn mà gửi đi rất nhiều cơ quan.
Khi phát sinh khiếu kiện, đã không tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành quyết định không nghiêm, cơ quan ra quyết định thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời để giải quyết dứt điểm; một số vụ việc đã có kết luận hoặc quyết định giải quyết nhưng không có tính khả thi trong tổ chức thi hành dẫn tới phát sinh những khiếu kiện mới phức tạp hơn.
Một số địa phương sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng cho rằng đã hết trách nhiệm, nhiều trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có sai sót không được sửa đổi, bổ sung. Do đó gây tâm lý ngờ vực về chính quyền địa phương giải quyết không đúng chính sách pháp luật và người dân tiếp tục khiếu nại.
Trước đây, Luật Khiếu nại, tố cáo; và Luật Đất đai 2003 có các quy định không thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều trường hợp dân phải đi lại nhiều lần giữa Toà và UBND nhưng vẫn không được tiếp nhận giải quyết. Vấn đề này hiện được xử lý thế nào?
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Bộ TN&MT thực hiện chức năng quản lý đất đai, Bộ Tài chính quản lý chính sách tài chính về đất đai, Bộ Xây dựng quản lý về nhà ở.
Tại các tỉnh, việc phân công thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai không thống nhất. Có nơi giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, có nơi giao cho Sở TN&MT; thậm chí có nơi vừa giao cho Thanh tra vừa giao cho cơ quan TN&MT. Tình trạng này đã gây khó khăn cho dân và lúng túng trong việc xác định thẩm quyền tham mưu giải quyết.
Luật Đất đai 2003 có quy định đối với khiếu kiện về đất đai khác với Luật Khiếu nại, tố cáo. Việc khiếu nại về đất đai hiện có những đổi mới. Luật Đất đai 2013 không quy định khiếu kiện riêng cho lĩnh vực đất đai, maf thực hiện theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Theo đó, tranh chấp không có giấy tờ có thể chuyển cơ quan hành chính giải quyết hoặc khiếu kiện ra tòa. Người dân có quyền khiếu kiện, khiếu nại và được khiếu nại 2 lần, trong quá trình đó họ có quyền chuyển sang khiếu kiện tại tòa án.
- Ông có nhận xét gì về số liệu nội dung khiếu nại về đất đai chiếm tới 63,5% các khiếu kiện?
Ông Đặng Hùng Võ: Tranh chấp, khiếu kiện đất đai phức tạp, kéo dài không chỉ bắt nguồn từ những xung đột gay gắt về lợi ích kinh tế, từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của cơ quan công quyền, sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai…mà còn do những nguyên nhân có tính lịch sử trong quản lý và sử dụng đất đai qua các thời kỳ.
Nội dung khiếu nại về đất đai chiếm tới 63,5% các khiếu kiện, chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Nóng nhất trong lĩnh vực đất đai vẫn là nhà nước thu hồi đất.
Chủ yếu là do chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội với lợi ích của những người có đất bị thu hồi, thường chỉ nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc giải phóng mặt bằng để có được dự án, chưa chú ý đến giá cả đền bù, những vấn đề xã hội nảy sinh sau khi thu hồi đất, dẫn tới không bảo đảm điều kiện tái định cư, không có phương án tích cực về giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với nông dân không còn hoặc còn ít đất sản xuất hoặc những người không còn việc làm như nơi ở cũ.
Mặt khác, thu hồi đất của dân nhưng không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như ra thông báo giải phóng mặt bằng mà không có quyết định thu hồi đất, không thông báo trước về kế hoạch, phương án thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong khi chưa bố trí nơi tái định cư, quyết định thu hồi đất không đúng thẩm quyền, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích trái quy hoạch đã được xét duyệt.
- Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai giảm so với năm 2013?
Ông Đặng Hùng Võ: Một năm nay, câu chuyện khiếu kiện chững lại. Hiện mâu thuẫn trong đất đai không căng thẳng, chỉ còn tồn dư khiếu kiện cũ, xung đột cũ, từ những năm trước, chưa phát sinh khiếu kiện mới từ việc bồi thường cho người dân bị thu hồi đất. Lý do, thị trường bất động sản trầm lắng, nhà nước không thu hồi thêm đất, nhà đầu tư đang thừa đất nên xin giao đất ít mà chủ yếu đầu tư đất đã giao cũ. Nhà nước hiện nay đang triển khai rà soát thu hồi những dự án đất quy hoạch treo, không khả thi, chậm triển khai không đưa vào sử dụng. Quy định mới cho gia hạn 2 năm, vì vậy thu hồi chưa xảy ra, câu chuyện đất đai đang êm dịu, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc.
- Hàng chục năm gắn bó với ngành TN&MT, trăn trở của ông là gì?
Ông Đặng Hùng Võ: Đất đai là vấn đề phức tạp, các chính sách đất đai liên tục thay đổi từ thời chiến sang thời bình, từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Để giải quyết cần có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu, làm việc chuyên trách, có trách nhiệm cao, biết làm một công bộc của dân.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp gần 392.700 lượt công dân đến khiếu nại (tăng 3,2% so với năm 2013), với 4.876 đoàn đông người (tăng 8,8% so với năm 2013) chủ yếu về lĩnh vực đất đai. Tiếp nhận gần 235.000 đơn thư, trong đó có trên 93.700 đơn thư khiếu nại, tố cáo với trên 42.780 vụ việc thuộc thẩm quyền. Đã giải quyết gần 36.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ 85,9%. Qua giải quyết, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 41 tỷ đồng, 183 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 199 tỷ đồng, 85ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 552 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 39 vụ việc với 36 người.