Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, sáng nay, UBTV Quốc hội cho biết, một trong những nguyên nhân khiến công tác này còn nhiều bức xúc trong dân là do có sự chồng chéo trong các văn bản luật.
Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của UBTV Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. |
Luật chồng luật, luật chéo luật
Hiện nay, ngoài các luật: đất đai, khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, còn có trên 20 luật và nhiều văn bản Chính phủ, các bộ, ngành có nội dung điều chỉnh quan hệ liên quan đến đất đai. Các văn bản này ban hành ở những thời điểm khác nhau nên còn có sự chồng chéo, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, thiếu ổn định, tính khả thi không cao. Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì chưa được quy định.
Bên cạnh đó, Quy định quyền khiếu nại, quyền khởi kiện vụ án hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai, đối với pháp luật đất đai hạn chế hơn so với quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính. Thời hiệu khiếu nại và khởi kiện đối theo pháp luật về Luật đất đai còn chưa thống nhất với pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về giải quyết các vụ án hành chính.
Đơn cử, Luật đất đai không quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, còn đối với Luật khiếu nại, tố cáo thì quy định cụ thể thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết và thời hạn giải quyết khiếu nại mỗi lần tiếp theo không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Hay luật Đất đai quy định quyết định của UBND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau là quyết định giải quyết cuối cùng. Còn đối với Luật tố tụng hành chính thì mở rộng thẩm quyền giải quyết đối với loại tranh chấp này, trường hợp UBND cấp tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ, như: vấn đề khôi phục quyền, lợi ích bị xâm phạm và việc bồi thường thiệt hại cho người khiếu nại; việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với khiếu nại, tố cáo; việc áp dụng luật để giải quyết những khiếu nại được thụ lý, giải quyết lần hai vào thời điểm sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo có hiệu lực thi hành.
Giá đất đền bù không ổn khiến người dân không yên
Chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới.
Giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giá đất nội thị, ngoại thị trong cùng một đô thị, giá đất giữa đô thị và nông thôn trong cùng một tỉnh còn có sự chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn.
Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có những tồn tại và việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm, dẫn tới tình trạng thu hồi đất để hoang, triển khai dự án chậm, lãng phí nguồn tài nguyên đất, trong khi đó người dân ở vùng dự án không còn đất sản xuất, không có việc làm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.
Quá trình thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã có những chính sách điều chỉnh về đất đai nhưng một số trường hợp do sai sót về trình tự, thủ tục, quản lý hồ sơ, giấy tờ. Đến nay khi đất đai ngày càng có giá thì những người sử dụng đất cũ hoặc con cháu của họ đã gửi đơn khiếu nại đòi lại đất.
UBTV Quốc hội cũng khẳng định sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực này, một số cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che đối với cán bộ sai phạm.
Nhật Thanh