Ngày 16 tháng 6 năm 2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty TNHH Phiên dịch và Đào tạo Vạn Tín có địa chỉ tại số nhà 14H, ngõ 4, đường Trần Phú, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.
Chẳng là, năm 2010 Công ty TNHH Dịch thuật chuyên nghiệp CNN - một đơn vị dịch thuật uy tín trên địa bàn Hà Nội có tuyển dụng nhân sự là Đỗ Thị Thu (sinh năm 1985) và đến năm 2014 ký thêm hợp đồng với Đoàn Khánh Duy (sinh năm 1989) vào đào tạo, làm việc. Chuyện nảy sinh khi Thu và Duy sau một thời gian học nghề “đủ lông đủ cánh” đã đột ngột xin nghỉ việc và bội ước, phản lại sự kỳ vọng của CNN.
Lấy lý do cần nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình, Thu đã gửi thư lên Ban lãnh đạo CNN để chấm dứt hợp đồng. Tháng 6/2015 Thu nghỉ, ngay tháng sau Duy cũng lấy lý do “vào làm nhà nước” để rời khỏi Công ty. Thôi thì mỗi người có một định hướng, lại từng có thời gian dài gắn bó, đào tạo nên với trường hợp của Duy, cả Công ty đều chúc cho cậu trẻ sớm trở thành trụ cột trong một đơn vị văn hóa của Lào Cai như Duy nói.
Ngày chia tay những thành viên cũ, Công ty mở tiệc linh đình. Khi tàn cuộc, có những giọt nước mắt lăn dài, những tâm sự ỷ ôi đầy tiếc nuối và cả những lời hứa “chắc như đinh”, đúng theo thỏa ước lao động của Duy trong những ngày mới chập chững vào Công ty.
“Vai diễn” xuất sắc của hai con người ấy đã qua mặt thành công tất thảy người trong CNN. Chỉ đến khi cái công ty Duy và Thu âm thầm thành lập mang cái tên “Vạn Tín”, sao chép y nguyên mô hình CNN ra đời, có dấu hiệu “cướp” khách hàng của Công ty cũ thì mọi người ở CNN mới ngã ngửa, nhận ra bấy lâu nay vẫn “nuôi ong tay áo”.
Sau khi “đủ lông đủ cánh” Duy và Thu đã bội tín, phản lại niềm tin, sự kỳ vọng của công ty cũ. Họ tách ra, lập hẳn một công ty khác với cái tên Vạn Tín. |
Mục 7 của cam kết này ký ghi rõ: “Kể từ khi kết thúc hợp đồng trong vòng 24 tháng nhân viên không được phép làm những công việc liên quan đến loại hình Công ty đang sản xuất kinh doanh... sử dụng và tiết lộ thông tin khách hàng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhằm phục vụ lợi ích riêng của mình mà chưa nhận được sự đồng ý bằng văn bản của Công ty. Trường hợp bị phát hiện, cá nhân đó sẽ bị khởi tố trước pháp luật”. Trường hợp của Đỗ Thị Thu cũng tương tự. Và như vậy rõ ràng cả hai đã bội tín, bội ước và vi phạm các thỏa ước lao động.
Sự lừa dối trắng trợn của hai nhân viên này thể hiện ngay cả trong những bức “tâm thư” mà họ gửi cho lãnh đạo Công ty CNN để trình bày lý do xin nghỉ việc. Thu viết: “Em muốn tự mình giáo dục con cái, và nghề mầm non là niềm đam mê của em. Em sẽ mở trường mầm non tư thục, đó vừa là công việc em yêu thích và cũng sẽ giúp em chăm sóc con cái tốt hơn”. Còn Duy lại vẽ ra một con đường: “Em rất muốn gắn bó cùng mọi người tiếp tục giúp Công ty phát triển. Nhưng hiện tại mẹ em đã thu xếp cho em vào nhà nước làm, làm tại Sở Văn hóa Lào Cai”.
Với những lý do như vậy, Công ty Dịch thuật chuyên nghiệp CNN đã sẵn lòng cho họ đi và rồi kết quả là nhận lấy một “quả đắng” về sự dối lừa. Ông Nguyễn Đức Giang - Phó Giám đốc Công ty cho hay: “Lâu nay chúng tôi “nuôi ong tay áo” mà không hay. Họ đã được đào tạo, nắm bí quyết kinh doanh và có cả dữ liệu về khách hàng. Việc vi phạm hợp đồng và ở Công ty riêng cùng lĩnh vực như vậy sẽ làm ảnh hưởng và thiệt hại cho Công ty chúng tôi. Chúng tôi đang xem xét đến biện pháp sẽ khởi kiện nếu họ xem thường pháp luật về lao động”.
Trên thực tế, hiện nay Hà Nội và TP.HCM có tới hàng trăm công ty dịch thuật ra đời, chưa kể mạng lưới văn phòng dịch thuật có quy mô nhỏ. Đa số các trung tâm dịch thuật chỉ dịch một số ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn Quốc kết hợp với dịch vụ photocopy. Khách đến đây chủ yếu thuê dịch những văn bản đơn giản. Giá cả loại này không cao, dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/trang nhưng chất lượng bản dịch thì “không biết đâu mà lần”. Nói như vậy để thấy rằng, trong môi trường đầy tiềm năng phát triển như dịch thuật vẫn luôn có sự cạnh tranh khốc liệt và chữ tín trong ngành này quyết định sự tồn tại, phát triển của đơn vị làm nghề.
Và Công ty Vạn Tín ra đời nhưng trên nền tảng của sự bội tín. Họ đi ngược lại chính cái tên mà họ đặt cho công ty của mình. Lừa dối bạn bè, đồng nghiệp, sẵn sàng vi phạm hợp đồng lao động đã ký kết thì liệu họ có duy trì được một chữ TÍN với khách hàng? “Một lần bất tín, vạn lần bất tin” là bài học đầu tiên cho bất cứ ai muốn làm doanh nhân. Trong thời khắc khó khăn hiện nay, bài học về chữ tín trở nên quý giá hơn bao giờ hết, nó không chỉ biểu hiện cho triết lý kinh doanh bền vững mà sâu xa hơn là nhân cách của người làm nghề.