Rất tiếc là tỉ lệ nghịch với tần suất cuộc họp dày đặc đó, các mặt quan trọng kinh tế xã hội của tỉnh đều có vấn đề báo động.
Thứ hạng PCI tụt từ 12/63 xuống 51/63: Tại cuộc họp thường kỳ ngày 6/7 vừa qua, ông Phạm Văn Trọng (Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức trên 130 cuộc hội nghị, hội thảo, cuộc họp quan trọng, có tính chuyên đề và hàng chục chuyến đi thực tế cơ sở để chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, như phòng chống hạn mặn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Nếu trừ các ngày cuối tuần và nghỉ lễ, trong 121 ngày làm việc, Tiền Giang phải họp hơn 130 lần – trung bình ngày nào cũng họp. Thông tin trên lẽ ra là thành tích đáng nể về kỷ lục làm việc hăng say của bộ máy quản lý tỉnh. Nhưng điểm lại kết quả thực tiễn, dư luận lại băn khoăn về hiệu quả quản lý nhà nước tỉnh này, thể hiện sự bết bát trong nhiều lĩnh vực.
Những năm gần đây, việc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) là chuẩn mực tương đối khách quan cho thấy hiệu quả quản lý của địa phương trong lĩnh vực kinh tế. Điều đáng tiếc là PCI của Tiền Giang nhiều năm nay luôn tụt ở mức thê thảm, dù rằng điều kiện tự nhiên của tỉnh có nhiều thuận lợi.
Lần xếp hạng đầu tiên năm 2007, Tiền Giang đạt hạng 12/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm khá, năng động; năm 2008 đạt hạng 21/63; năm 2009 hạng 9/63; năm 2013 hạng 37/63 và năm 2014 hạng 52/63. Dù có Mỹ Tho là đô thị loại I nhưng PCI Tiền Giang nhiều năm ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đứng trên duy nhất tỉnh Cà Mau, vốn là tỉnh xa xôi nhất với nhiều điều kiện tự nhiên bất lợi.
Điểm thêm một số mặt, sự kiện vừa xảy ra trong sáu tháng đầu năm, Tiền Giang cũng lắm vấn đề “nóng” cần quan tâm về quản lý nhà nước.
Đường không có người đi vì thiếu kết nối: Về những dịch vụ công ích, Tiền Giang đầu tư gần 400 tỉ mở con đường mới dài hơn 2,5km đưa vào sử dụng nhằm cải tạo cảnh quan TP.Mỹ Tho, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông cho các tuyến đường lân cận, đặc biệt là đường Lê Thị Hồng Gấm.
Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào sử dụng, tuyến đường này không phát huy được tác dụng khi con đường vắng hoe người, trong khi những tuyến đường khác gần đó lượng phương tiện vẫn đông đúc, chen chúc nhau trong giờ cao điểm.
Nguyên nhân là do đường kết nối vào tuyến đường này còn thiếu, tổ chức giao thông bất hợp lý. Trong khi đó, tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm nằm song song với tuyến đường này lại đông nghẹt xe cộ, thỉnh thoảng xảy ra ùn ứ tại các giao lộ.
Trường hợp này là điển hình cho thấy tuy hội họp nhiều nhưng việc hoạch định của tỉnh là chưa sát thực tế, đầu tư không đồng bộ nên không phát huy tác dụng.
Hai tháng đường ống nước, vỡ hai lần: Trong hai tháng qua, đường ống nước BOO Đồng Tâm (đoạn co nối với Nhà máy nước Bình Đức, nằm trên đường tỉnh 864 ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) lại bị vỡ đến hai lần (ngày 17/5 và ngày 13/6).
Đoạn co nối này cũng bị vỡ, khiến hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang như Gò Công Tây, Thị xã Gò Công và Gò Công Đông thiếu nước nghiêm trọng.
Đây là trục chính để đưa nước về các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Sự cố này khiến việc cung ứng nước cho các địa phương phía Đông Tiền Giang mất đi nguồn nước khoảng 30.000m3/ngày đêm và trên 50 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.
Chênh lệch phân hóa giàu nghèo quá lớn: Từ phát hiện của báo chí, kết luận Thanh tra Chính phủ cho thấy thu nhập của cán bộ nhân viên Công ty Xổ số Tiền Giang quá cao. Cao gấp nhiều lần so với cán bộ, nhân viên doanh nghiệp hoặc cơ quan hành chính sự nghiệp trên cùng địa bàn.
Ngày 8/1/2016, Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) có văn bản báo cáo về tình hình lương, thưởng tại Công ty Xổ số. Theo đó, lương bình quân của lao động ở Công ty này xấp xỉ 22 triệu đồng, viên chức quản lý là 35,25 triệu đồng/tháng, riêng lương của Chủ tịch kiêm Giám đốc là 40,5 triệu đồng/tháng.
Mức lương chính thức đã cao, thu nhập ngoài lương còn cao hơn. Theo biên bản kết luận của Thanh tra Chính phủ, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác một năm của viên chức quản lý Công ty là 730 triệu đồng (60,8 triệu đồng/tháng), của lao động Công ty 314 triệu đồng (hơn 26 triệu đồng/tháng).
Trong đó, gồm tiền kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng giám sát xổ số, tiền làm ngoài giờ, hội nghị, họp, tiền ăn, công tác phí... Theo Sở LĐTB&XH, việc theo dõi những khoản này nằm ngoài thẩm quyền của mình.
Sở này chỉ biết kiến nghị cơ quan chủ quản các công ty xổ số và Bộ LĐTB&XH xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế, nhằm có tương quan hợp lý về tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp trong khu vực nhà nước.
Lấy đất “vàng” nhà thiếu nhi xây khách sạn, lỗ 500 triệu/tháng: Về đầu tư phát triển của Tiền Giang cũng có biểu hiện sai hướng và thua lỗ. Dự án khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho được đưa vào khai thác từ đầu tháng 10/2015, là dự án lớn nhất trong lĩnh vực khách sạn của Tiền Giang hiện nay với tổng vốn đầu tư 370 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang góp 360 tỉ đồng, chiếm 97,3%; Quỹ Đầu tư phát triển Tiền Giang và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) TP.HCM, mỗi đơn vị góp 5 tỉ đồng, chiếm 1,35% mỗi đơn vị.
Ngay từ mục đích đầu tư đã thấy sai hướng. Theo quan điểm hiện nay, với kinh tế quốc doanh, nhà nước đang tập trung thoái vốn, cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước chỉ duy trì ở các ngành kinh tế chiến lược như dầu khí, điện, thì việc Tiền Giang bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực ăn uống, du lịch là sai hướng.
Nghiêm trọng hơn, mặt bằng để xây dựng khách sạn này là nhà văn hóa, khu vui chơi thiếu nhi, nằm trên phần đất “vàng” trung tâm của TP.Mỹ Tho. Lấy đất công ích phúc lợi xã hội dành cho thiếu nhi để dùng làm kinh doanh là sự chệch hướng, thiệt thòi cho người dân đô thị.
Rất tiếc là dự án được quan tâm đầu tư, ưu tiên dùng đất “vàng” này, lại thua lỗ. Ông Trần Thanh Đức (Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) cho biết khách sạn Mê Kông - Mỹ Tho hiện đang lỗ khoảng 500 triệu đồng/tháng. Theo ông Đức, trong phương án tính toán của địa phương, dự trù khách sạn này sẽ chịu đựng (lỗ) khoảng ba năm, “nhưng với cách tổ chức, quản lý thế này, thì có thể ba năm nữa chúng ta cũng còn rất là khó”, ông nói.
Chính vì thua lỗ, theo ông Đức, địa phương đang tìm cách cho thuê hoặc thực hiện thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước (hiện chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư) để bán công trình này.
Mất trật tự an toàn, dân hạn chế ra đường, lắp camera an ninh: Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng mất trật tự an toàn xã hội tăng lên đến mức báo động. Ngày 6/7, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh, đại tá Nguyễn Văn Tảo (Phó giám đốc Công an tỉnh) thừa nhận có tình trạng các loại tội phạm lộng hành ở tỉnh này đúng như người dân phản ánh.
“Ban giám đốc Công an tỉnh đã thấy và đầu tháng Bảy, Công an tỉnh đã tiếp tục chiến dịch tổng tấn công tội phạm. Sau khi làm ở TP. Mỹ Tho sẽ mở rộng ra tất cả các huyện”, ông Tảo nói.
Trước thực trạng trên, người dân tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế ra đường sau 22h và đầu tư lắp đặt hệ thống camera an ninh tại nhà. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cho biết số lượng hộ gia đình, công ty đã lắp camera an ninh ở TP.Mỹ Tho là rất lớn. Các kỹ thuật viên phải làm việc cả tuần và làm đến đêm mới đáp ứng nhu cầu của người dân.
Việc người dân phải hạn chế ra đường và lắp camera an ninh tại nhà là sự tự vệ cần thiết. Nhưng với xã hội đang trong thời bình mà người dân phải tự “thiết quân luật”, tự “áp dụng tình trạng khẩn cấp” như vậy, là điều đáng buồn, nếu không nói là đáng trách cho hiệu quả quản lý nhà nước ở Tiền Giang.
Đến đây, người ta bất giác tự hỏi các nhà quản lý, lãnh đạo đã làm gì trong 130 cuộc họp để dân khổ như thế?