Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2021: Thí sinh ảo tăng?

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2021: Thí sinh ảo tăng?
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm nay, kỷ lục có thí sinh đăng kí tới… 99 nguyện vọng. Nhiều ý kiến e ngại tình trạng thí sinh ảo sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường.

“Đổ xô” đăng ký kinh doanh, quản lý

Trong tổng số nguyện vọng, nhóm ngành Kinh doanh Quản lý tuy chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất (32,77%) nhưng khi xét nguyện vọng 1 thì nhóm ngành này chỉ chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh nhất. Điều này cho thấy, nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn cho các nguyện vọng tiếp theo, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nguyện vọng 1/chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh cao đẳng, đại học (ĐH) cho thấy, những ngành “hot” nhất năm nay là: An ninh - Quốc phòng (566,82%); Báo chí và Thông tin (311,65%); Nghệ thuật (210,7%); Du lịch khách sạn, Dịch vụ cá nhân (201,09%); Khoa học Xã hội và Hành vi (197,97%)…

Ngành Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên cũng có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký ở nhóm cao (top 9). Như vậy, việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm học phí, sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng đã mang lại thêm sức hút cho ngành sư phạm.

Nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (tính theo nguyện vọng 1) là Khoa học Sự sống (26%) và Khoa học Tự nhiên (20,1%). Đây là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực không cao, luôn bị coi là khô khan.

Theo Vụ Giáo dục Đại học, năm 2021, thống kê tất cả các nguyện vọng, toàn hệ thống có trên 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký, gần 550 nghìn chỉ tiêu. Nếu tính tổng nguyện vọng trên chỉ tiêu thì số lượng nguyện vọng gấp hơn 7 lần. Nhưng nếu tính tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 thì chỉ cao gấp 1,45 lần tổng số chỉ tiêu của cả hệ thống. 

Nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý từ nhiều năm qua vẫn hút thí sinh. Bởi theo phần đa thí sinh và phụ huynh cho rằng, nhóm ngành có tính “đại chúng” với nhiều lĩnh vực. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, theo tỷ lệ chọn ngành chọn nghề của thí sinh có thể thấy sự mất cân đối trong cung và cầu khi ở thời đại công nghiệp 4.0, rất cần đến nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ nhưng số lượng thí sinh đăng ký không nhiều. Tập trung vào mảng kinh doanh và kinh tế quá lớn có thể dẫn đến tình trạng cung quá cầu, thất nghiệp là điều có thể xảy ra.

Nhưng với nhóm ngành công nghệ, ở một trường ĐH hàng đầu về kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc đỗ và vào học không hề dễ dàng. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Bách khoa Hà Nội vào khó, học lại càng khó, yêu cầu các em phải thực sự cố gắng, đảm bảo phong độ trong suốt quá trình học, không thể có chuyện vào trường rồi xả hơi. Đương nhiên, sau khi tốt nghiệp hứa hẹn công việc sẽ rất tốt, không có thành công nào lại không trải qua vất vả. Mỗi năm trường có khoảng 700-800 em bị buộc thôi học hệ chính quy do không đảm bảo những quy định của nhà trường. Trong đó có đến 70-80% các em sa đà, không có mục tiêu, định hướng rõ ràng và game online là thủ phạm chính”. 

PGS.TS Nguyễn Phong Điền dự báo trong vòng 5 năm tới sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin. Bách khoa Hà Nội tập trung vào 3 lĩnh vực chính là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin truyền thống. Riêng với ngành Khoa học máy tính, năm ngoái ra khỏi phòng thi mà các em phải chắc được mỗi môn 10 điểm thì mới mong đỗ. Bởi vậy, nếu yêu ngành Công nghệ thông tin, thí sinh lựa sức mình, có thể tìm ngành này ở những trường vừa sức, có điểm đầu vào không quá cao như ĐH Bách khoa Hà Nội thì cơ hội đỗ sẽ cao hơn.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Khoa học Giáo dục, nhiều ngành nghề mới phụ trợ cho trường học được mở ra như Tham vấn học đường, Công tác xã hội trường học, Quản trị trường học, Đánh giá đảm bảo chất lượng, Công nghệ giáo dục..., là những ngành ít được thí sinh để ý, nhưng cơ hội việc làm và sự đa dạng ngành nghề lại khá cao.

Đăng ký nhiều không bằng đăng ký đúng

Năm nay, kỷ lục có thí sinh đăng kí tới… 99 nguyện vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc để thí sinh được thoải mái đăng ký nguyện vọng sẽ dẫn tới tình trạng thí sinh ảo, khi có em đăng kí tất cả các khoa của một trường, hoặc 99 nguyện vọng như thí sinh kỷ lục trên. Thực tế, nhiều thí sinh khi chọn thi ĐH, dù có học lực khá, giỏi cũng không biết mình sẽ lựa chọn ngành nghề nào! Do đó, việc các em được quá nhiều lựa chọn sẽ càng… rối trí. Và nhiều em cũng chọn “đại”, miễn vào được ĐH.

Tuy nhiên, các thí sinh còn có cơ hội 3 lần điều chỉnh trực tuyến sau khi biết kết quả thi THPT nên các em cần cân nhắc kỹ. Trước tiên các em phải xác định được ngành nghề yêu thích và phù hợp với sức học rồi mới chọn trường. Khi đã hiểu điều mình mong muốn, thí sinh sẽ lựa chọn nhóm ngành và nhóm trường phù hợp với mong muốn của mình. Do đó, thời điểm sau khi biết kết quả thi và có quyền điều chỉnh nguyện vọng mới là lúc các thí sinh cần tỉnh táo xem xét mọi khả năng để có thể tăng hoặc thay đổi nguyện vọng, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, thí sinh cần hiểu rằng dù có đăng ký 100 nguyện vọng thì bạn cũng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng mà thôi. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, mà vấn đề quan trọng hơn là gây tăng nguyện vọng ảo và khó khăn trong việc xây dựng các phương án xét tuyển của các trường và gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh khi biết số lượng nguyện vọng đăng ký.

Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định, hiện tỷ lệ ảo là vấn đề khó khăn nhất của các trường, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng vậy. Loại bỏ tỷ lệ ảo là việc gần như không thể, đơn vị tuyển sinh cần dựa vào kinh nghiệm, phán đoán, phân tích nhu cầu của thị trường để đưa ra con số phù hợp, giảm tỷ lệ này xuống mức thấp nhất.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.