Lớp học đặc biệt của các cô giáo U80

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (tạp dề vàng) cùng các học viên. (Ảnh: NVCC)
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (tạp dề vàng) cùng các học viên. (Ảnh: NVCC)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở độ tuổi U80, khi nhiều cụ ông, cụ bà đang tận hưởng những năm tháng an nhàn của tuổi già, thì vẫn có những người tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp dạy học. Dù là lớp học làm bánh hay lớp học “xoá mù chữ”, điểm chung của những lớp học này là hoàn toàn miễn phí và được khởi nguồn từ tấm lòng nhân ái, tận tụy của các cô giáo đã bước qua tuổi xế chiều.

Người truyền nghề làm bánh cho hàng trăm học viên

Cứ vào 8h - 11h30’ mỗi buổi sáng cuối tuần, tại căn nhà nằm sâu trong một con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh, TP HCM), không gian lại tràn ngập những tiếng cười nói rộn ràng. Đó là không khí vui vẻ đến từ lớp học làm bánh của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (74 tuổi), nơi bà đã nhiệt tình truyền dạy nghề làm bánh miễn phí cho hàng trăm học viên với đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề có chung niềm yêu thích làm bánh.

Tại đây, các học viên được hướng dẫn làm từ 1 đến 2 món bánh mỗi buổi, với những loại bánh quen thuộc như bánh giò, bánh mì, bánh ít trần… Vào những dịp lễ, Tết hay theo mùa, bà còn dạy các món bánh đặc trưng như bánh trung thu, bánh sinh nhật, bánh cookie… Những món bánh bà truyền dạy không chỉ giúp học viên phát triển nghề nghiệp, kiếm thêm thu nhập, mà còn giúp cho nhiều học viên yêu thích công việc thiện nguyện có thể tự tay làm những mẻ bánh thơm ngon, gửi đi từ thiện, chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như một học viên của bà đã từng làm 300 bánh trung thu hình chú heo để làm từ thiện sau khi tham gia lớp học làm bánh.

Lớp học của bà Hạnh vốn không phải là một lớp học làm bánh chuyên nghiệp với những dụng cụ hiện đại hay không gian đầy đủ tiện nghi. Bà chỉ đơn giản tận dụng một góc trong nhà với vài chiếc bàn inox và những dụng cụ làm bánh cơ bản như bếp, lò, nồi hấp, khuôn... Tuy nhiên, điều đó không khiến lớp học của bà kém hấp dẫn. Dù đã ở tuổi 74, mỗi khi đứng lớp, bà Hạnh vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Bà luôn tận tâm hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết, giúp học viên có thể tạo ra những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt. Chưa hết, trước mỗi buổi học bà đều ra chợ mua nguyên liệu tươi ngon và về nhà sơ chế, bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh. Khi học viên đến, nguyên liệu đã sẵn sàng, giúp buổi học diễn ra suôn sẻ và tiết kiệm thời gian. Công thức làm bánh cũng được bà in sẵn, phát cho học viên để mọi người dễ dàng theo dõi, ghi chép.

Thông qua sự chu đáo, tỉ mỉ trong từng khâu chuẩn bị, có thể thấy rõ sự quan tâm và tận tình của bà Hạnh đối với học viên của mình. Đáng nói, không chỉ không nhận học phí mà tất cả nguyên liệu, dụng cụ làm bánh nói trên đều hoàn toàn miễn phí để học viên thực hành. Bên cạnh đó, bà còn thường xuyên làm bánh gửi đến các cơ sở từ thiện. Mặc dù những chi phí này không ít, nhưng bà vẫn quyết định tự bỏ ra để duy trì lớp, cũng là duy trì niềm say mê nấu ăn và niềm hạnh phúc khi được trò chuyện, gặp gỡ mọi người.

Được biết đến là người truyền nghề làm bánh, thế nhưng ít ai biết, bà Hạnh lại xuất thân từ một kế toán tại công ty du lịch của nước ngoài. Khoảng thời gian còn đi làm, bà Hạnh có cơ duyên giảng dạy tại những lớp học nấu ăn cho du khách quốc tế khi họ ghé thăm Việt Nam. Cũng từ đó, niềm yêu thích với việc dạy nấu ăn trong bà đã được hình thành từ bao giờ. Bất kể là món ăn gì, mỗi khi thấy người thân bước vào bếp, bà lại lặng lẽ theo dõi từng động tác, từ cách chọn nguyên liệu, chuẩn bị gia vị cho đến từng bước chế biến. Bà không ngừng ghi nhớ những gì mắt thấy, tai nghe, rồi tự rút ra những kiến thức nấu ăn cho riêng mình.

Sau khi nghỉ hưu, ở nhà buồn chán bà liền nghĩ đến việc mở lớp nấu ăn cho các bạn thích học nhưng còn ngần ngại trước mức học phí đắt đỏ trên thị trường. Nghĩ là làm, bà Hạnh bắt tay vào xây dựng lớp, từ những ngày đầu có vài người, lớp học nhỏ cứ lớn dần, cho đến nay đã có vài chục người một lớp. Thời gian đầu lớp học dạy miễn phí với các món mặn, nhưng bà thấy nặng chi phí về nguyên liệu nên chuyển sang dạy làm bánh. Bà còn nhớ cái thời còn khỏe, bà có thể dạy đến 2 - 3 lớp 1 tuần, sau này sức khỏe hạn chế nên chỉ có thể mở lớp vào những ngày chủ nhật.

Cứ thế, gần 15 năm gắn liền với căn bếp, truyền nghề cho hàng trăm học viên, bà Hạnh luôn tâm niệm: “Lớp học dạy làm bánh miễn phí là cách để cảm ơn cuộc đời”. Với bà, việc truyền lại những kiến thức nấu ăn không chỉ vì đam mê mà còn là cách để bà góp phần nhỏ bé chia sẻ thêm những điều tốt đẹp cho người, cho đời.

Cô giáo về hưu thắp sáng “lớp học tình thương”

Tại khu phố Phước Mỹ (Nhơn Trạch, Đồng Nai), vào các chiều cuối ngày cũng có một không gian rộn ràng tiếng nô đùa, hoà cùng âm thanh ê a đánh vần, tập hát của các em nhỏ. Tất cả những âm thanh ấy phát ra từ “lớp học tình thương” của cô giáo về hưu Đặng Thị Chi (74 tuổi). Đây là nơi mà các bậc phụ huynh là công nhân và người lao động gửi gắm con em mình, với hy vọng giúp các em có cơ hội học chữ dù hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lớp học của bà đã giúp trẻ em nghèo tại địa phương, không có điều kiện đến trường, được “xoá mù chữ” và mở ra cánh cửa tương lai để các em vững bước vào đời.

Lớp học này được bà Chi mở ra vào năm 2018, sau nhiều đêm trăn trở về số phận của những đứa trẻ không có điều kiện đến trường, thay vào đó phải lăn lộn, mưu sinh kiếm sống ngoài xã hội. Ý tưởng bắt đầu nảy sinh từ một lần tình cờ nhìn thấy những đứa trẻ gầy gò đội thúng bánh đi bán, dù chỉ là hình ảnh thoáng qua nhưng dường như đã in đậm trong tâm trí bà, từ đó cảm giác xót xa và thương cảm dâng lên. Đêm về, bà trằn trọc suy nghĩ phải có một lớp học để bổ túc văn hoá cho các em, trước hết là để các em biết đọc, biết viết, biết tính toán để sau này có kiến thức mà tìm được công việc tử tế.

Từ cảm hứng ấy, lớp học của một cô giáo về hưu được ra đời. Đồng hành cùng bà Chi trên hành trình “xoá mù chữ” cho các em còn có sự tham gia của các giáo viên với tấm lòng thiện nguyện và tràn đầy nhiệt huyết, mặc dù thời gian khá bận rộn cho công việc giảng dạy trên trường nhưng một tuần ba buổi các cô lại sắp xếp đến với các em. Các cô cũng chính là những “nhà tuyển sinh” chính hiệu khi cùng bà Chi đến đến các con hẻm, vào khu nhà trọ thuyết phục các gia đình cho con em đến học. Chính nhờ sự kiên trì đó mà lớp học từ những ngày đầu chỉ có vài học sinh, dần dần số lượng đã tăng lên theo thời gian.

“Lớp học tình thương” của cô giáo Đặng Thị Chi (áo nâu). (Nguồn: Huyện Nhơn Trạch)

“Lớp học tình thương” của cô giáo Đặng Thị Chi (áo nâu). (Nguồn: Huyện Nhơn Trạch)

Đặc biệt, ngoài việc chú trọng vào môn học cơ bản, “lớp học tình thương” còn dạy các em môn đạo đức vào một ngày trong tuần. Với cách tiếp cận nhẹ nhàng bằng những câu chuyện, lời dặn dò, giáo viên giúp các em phát triển tư duy và nhận thức về cái tốt, cái xấu, để biết “nói không với cái xấu” và tránh bị lợi dụng, lôi kéo. Bên cạnh đó, các em còn được tập hát, những thanh âm trong trẻo, cùng với tiếng vỗ tay của con thơ, đã tạo nên không gian tràn đầy niềm vui, tình yêu thương giữa cô và trò.

Nói về hoàn cảnh của các em tại đây, bà Chi cho biết mặc dù xuất thân khác nhau, nhưng tất cả các em đều chung một hoàn cảnh khó khăn. Có em bị ba mẹ bỏ rơi, phải sống với ông bà; có em thì ba mẹ làm nghề chài lưới, thu nhập không ổn định; có em lại không được cấp giấy khai sinh, nên không thể đến trường như những đứa trẻ khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh đã gửi các em đến “lớp học tình thương”, mong muốn các con có cơ hội học chữ. Cũng chính vì hoàn cảnh khó khăn như vậy nên ngoài dạy học, tại đây các em còn được các cô giáo cho ăn cơm tối, được tặng tập vở, sữa, bánh gạo,… do nhà hảo tâm tài trợ.

Được biết, những nhà hảo tâm này hầu hết đều là học trò cũ của bà Chi, vốn là cựu hiệu trưởng trường THPT nên khi biết bà mở “lớp học tình thương” nhiều học trò đã ủng hộ nghĩa cử cao đẹp này. Từ lúc mở lớp đến nay, các học trò cũ thường hỗ trợ nhiều thứ như sách vở, quà bánh,… cho các em học sinh. Như vậy, cùng với việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng vàng của bà còn được chia sẻ, nhân rộng không chỉ tới các nhà hảo tâm mà cả những giáo viên trẻ bỏ công, bỏ sức, tận tâm dạy học. Và cứ thế suốt 6 năm qua, “lớp học tình thương” đã trở thành nơi thắp sáng ngôi sao hy vọng cho các em, nơi mà những đứa trẻ có cơ hội viết tiếp giấc mơ của mình, giấc mơ được tiếp cận tri thức và về một tương lai tươi sáng hơn.

Tin cùng chuyên mục

Học sinh Trường Giáo dưỡng số 4. (Ảnh: K.O)

Chuyện của những người thầy đặc biệt

(PLVN) - Họ là những thầy cô đã từng dạy học phổ thông, rồi cơ duyên vào trường giáo dưỡng, nơi những học trò đã từng là “tội phạm nhí”. Và họ đã dạy dỗ học sinh của mình bằng chính sự yêu thương, tận tụy, kiên nhẫn để mỗi ngày, gần hơn, uốn các em về phía mặt trời, những thiện lành bình dị trong cuộc đời. Đó là những thầy cô trường giáo dưỡng được tuyên dương trong Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô dịp 20/11 năm nay…

Đọc thêm

'Chia sẻ cùng thầy cô' - Tôn vinh những hy sinh thầm lặng

Đại úy Nguyễn Đình Thông giảng dạy các em nhỏ ở lớp học tình thương. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Tối 15/11 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tuyên dương 60 nhà giáo tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Chương trình nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Hà Nội nỗ lực xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện và hạnh phúc

Khốc liệt tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội, hơn 5.500 học sinh thi để giành 270 suất vào lớp 6 Trường Nguyễn Tất Thành năm 2024. (Ảnh: PV)

(PLVN) - Trường học phải là nơi người học được bảo đảm an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục, chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Ởđó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm...

Đừng vội quy kết 'vi phạm liêm chính' khi bài báo khoa học bị rút: Cần có những chế tài cụ thể nếu tác giả thực sự có vi phạm

Đừng vội quy kết 'vi phạm liêm chính' khi bài báo khoa học bị rút: Cần có những chế tài cụ thể nếu tác giả thực sự có vi phạm
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước, thời gian gần đây, sau khi một số bài báo nghiên cứu công bố quốc tế đứng tên một số nhà khoa học Việt Nam bị rút bài, dư luận thường mặc định “rút bài vì vi phạm liêm chính khoa học”; dù sự thật là nhiều bài báo bị rút vì lý do khách quan, vì lỗi bên thứ ba, hoàn toàn không có lỗi của nhà khoa học.

Đừng vội quy kết 'vi phạm liêm chính' khi bài báo khoa học bị rút: 'Sự minh bạch là cần thiết, nhưng không cần phải ồn ào quá mức'

Một nhà nghiên cứu cho rằng mạng xã hội đang có xu hướng nhìn nhận việc rút bài một cách thiếu toàn diện; lợi dụng để công kích cá nhân, ảnh hưởng uy tín, danh dự. (Vẽ minh họa: DAD)
(PLVN) - Như Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã phản ánh trong số báo trước (ra ngày 13/11/2024), thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam công bố bài báo quốc tế, sau đó một số trường hợp bị rút bài. Bên cạnh một số tác giả có vi phạm; thì không ít trường hợp bị rút bài vì lý do khách quan, vì lỗi bên thứ ba, hoàn toàn không có vi phạm đạo đức, liêm chính... nhưng lại bị dư luận hiểu lầm vi phạm liêm chính khoa học.

Đừng vội quy kết “vi phạm liêm chính” khi bài báo khoa học bị rút

Việc rút bài báo nghiên cứu khoa học có nhiều nguyên nhân và không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc vi phạm đạo đức, liêm chính. (Vẽ minh họa: DAD)
(PLVN) - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam công bố bài báo quốc tế. Tuy nhiên, sau đó cũng có một số trường hợp bị rút bài. Bên cạnh một số tác giả “đạo văn”, nguỵ tạo kết quả; thì có không ít trường hợp bị rút bài vì lý do khách quan, vì lỗi của bên thứ ba... nhưng lại bị một số ý kiến quy chụp, quy kết. Bài viết dưới đây nhằm phản ánh thực trạng và mong muốn đưa ra một góc nhìn khác hơn với tình huống bị rút bài. Các bên liên quan và dư luận cần cẩn trọng, khách quan khi đánh giá nếu một bài báo bị rút, tránh trường hợp vội vàng quy kết oan.

Nhiều trường đại học bỏ xét học bạ, cắt giảm tổ hợp

Ảnh minh họa
(PLVN) - Ở mùa tuyển sinh năm 2025 - năm đầu tiên kì thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hàng loạt trường đại học thông báo không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT, nhiều trường cũng dự kiến cắt giảm các tổ hợp xét tuyển.

Nâng cao vị thế, vai trò thầy, cô giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - “Không thầy đố mày làm nên”. Trong cuộc đời bất cứ ai, đều có rất nhiều người thầy. Trong bất cứ gia đình nào, ai cũng có con cái, người thân đi học. Thành công của mỗi con người đều có sự đóng góp của các thầy cô. Vì vậy, giáo dục là vấn đề từ xưa đến nay luôn được xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Hoạt động ngoại khóa bổ ích về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích tại trường THPT Hữu Lũng, Lạng Sơn

Toàn cảnh hoạt động ngoại khóa trường THP Hữu Lũng
(PLVN) - Ngày 10/11, được sự cho phép của Sở Giáo dục tỉnh Lạng Sơn, trường THPT Hữu Lũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục Khoa học An toàn Việt Nam tổ chức hoạt động ngoại khóa kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nhằm hướng tới một môi trường học tập an toàn và hạnh phúc.

Nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô TP HCM ôn kỷ niệm xưa

Nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô TP HCM ôn kỷ niệm xưa
(PLVN) - Sáng 11/11, Sở giáo dục và Đào tạo và Cựu giáo chức TP HCM tổ chức họp mặt Nhà giáo đi B (vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước) và nhà giáo nội đô (thầy cô tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch), nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).

Vì sao giáo viên chủ nhiệm lớp 1 được phụ cấp cao hơn nhà giáo khác?

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tham gia ý kiến.

(PLVN) - Cho rằng giáo viên lớp 1 là người đặt viên gạch đầu tiên tạo nền tảng vững chắc cho những lớp sau, Đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cần có phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác cao hơn so với các nhà giáo khác để có thêm động lực nỗ lực nhiều hơn.