Buổi sơ đầu
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 4/1976, theo Quyết định của Tỉnh ủy Lâm Đồng, ngành Tư pháp địa phương với hệ thống các TAND được thành lập, cùng với chức năng xét xử, các Tòa án ở Lâm Đồng đã phối hợp cùng các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể xây dựng các Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn và tổ hòa giải cơ sở để thực hiện nhiệm vụ giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư và tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, UBND các cấp đã từng bước triển khai các hoạt động tư pháp ở địa phương, góp phần tăng cường pháp chế, bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngày 12/3/1982, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 115/QĐ-UB thành lập Sở Tư pháp Lâm Đồng (trên cơ sở Ban Nội chính - Pháp chế của Văn phòng UBND tỉnh). Quyết định này đã đánh dấu bước phát triển trong thời kỳ mới của cơ quan tư pháp địa phương.
Cho tới bây giờ, nhiều cán bộ lão thành vẫn chưa quên ngày đầu thành lập, Sở Tư pháp chỉ có vỏn vẹn 8 cán bộ, trong đó 5 người có trình độ trung cấp. Vậy mà đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp Lâm Đồng đã không ngừng được củng cố, tăng cường với tổng số công chức, viên chức và người lao động lên tới 120 người. Nhiều cán bộ tư pháp địa phương đã có trình độ Thạc sỹ Luật, Thạc sỹ quản lý hành chính công, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, cao cấp lý luận chính trị…
Bên cạnh đó, Tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng được củng cố, kiện toàn. Đến nay toàn tỉnh có 12 Phòng Tư pháp huyện, thành phố với 60 cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn được quan tâm xây dựng tại 147/147 xã, phường, thị trấn có công chức tư pháp - hộ tịch chuyên trách. Nhiều địa phương đã có 2 đến 3 công chức chuyên trách tư pháp cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ về phân cấp thẩm quyền trong tình hình mới.
Công tác xây dựng và phát huy vai trò tổ hoà giải cơ sở cũng phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 1.543 tổ hoà giải với 8.542 hoà giải viên hoạt động tích cực, hiệu quả, hàng năm thụ lý và hoà giải thành hàng ngàn vụ việc mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...
Thành quả
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho HĐND, UBND trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật tại địa phương, thời gian qua, ngành Tư pháp Lâm Đồng đã giúp HĐND, UBND các cấp tại địa phương xây dựng, hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, tạo động lực cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt những thành tích nổi bật, đặc biệt việc triển khai tuyên truyền Hiến pháp 2013 đã đem lại nhận thức đầy đủ về nội dung, bản chất của Hiến pháp và hệ thống pháp luật XHCN, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức tuân thủ, tự giác chấp hành pháp luật.
Công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cũng được ngành Tư pháp Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Mỗi năm Trung tâm trợ giúp pháp lý địa phương đã phối hợp với Đoàn Luật sư và các cơ quan chức năng tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động, bào chữa miễn phí nhằm giúp cho người dân hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của ngành Tư pháp địa phương đã giúp chính quyền địa phương hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền hà, tốn kém chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, theo dõi thi hành pháp luật đã giúp nâng cao việc nhận thức, tuân thủ, thực thi pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó tác động tích cực tới các mặt hoạt động đời sống xã hội. Việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn trong những năm qua cũng đã đạt nhiều kết quả tốt.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, ngành Tư pháp Lâm Đồng còn xây dựng Kế hoạch phát động phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với các nhiệm vụ công tác tư pháp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phát triển ổn định.
Ông Nguyễn Tạo, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết: “Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Sở Tư pháp đã bám sát Kế hoạch của UBND tỉnh và Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, nhất là đối với các nhiệm vụ mới như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, tổ chức thành công Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân như: lý lịch tư pháp, công chứng, luật sư, giao dịch bảo đảm… để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp...”.
Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp Lâm Đồng 40 năm qua đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng, tôn vinh. Từ năm 1989 đến nay, Sở Tư pháp đã nhận được nhiều cờ thi đua, Bằng khen, danh hiệu thi đua cho tập thể và cá nhân. Đặc biệt, ngành Tư pháp Lâm Đồng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1995), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010). Nhiều tập thể và cán bộ, công chức, viên chức của ngành được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn nghiệp vụ.