* Quyền năng các vị thần linh trong văn hóa tín ngưỡng của người H’Mông
Phong tục chôn cuống rốn của trẻ sơ sinh
Người H’Mông rất tin vào các hệ thống thần linh, đặc biệt vào các loại ma. Văn hóa truyền thống quan niệm rằng, các gia đình có nhiều con cái đều do ông bà, tổ tiên phù hộ ban cho. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, họ có nhiều tín ngưỡng liên quan đến điều đó.
Chẳng hạn như, trường hợp trong gia đình có phụ nữ mang thai mà có người thân trong gia đình mất, người mang thai muốn chịu tang phải nín hơi cài một đôi đũa cả ở sau lưng để cho không bị sẩy thai, theo quan niệm của đồng bào, đôi đũa là xương sống của con người. Do đó, khi người phụ nữ trong quá trình mang thai, nếu bị ốm, thường làm nghi thức cúng ma nhà.
Nếu đứa trẻ được sinh ra là con trai thì gia đình lấy cuống rốn của đứa trẻ quấn vào giấy bản, đem chôn vào cột ma chính trong nhà,họquan niệm đứa trẻ sinh ra là con trai thì được coi là trụ cột trong gia đình, sau này sẽ được giữ lại toàn bộ tài sản của gia đình. Nếu đứa trẻ sinh ra là con gái, thì cuống rốn được chôn ở gầm giường của người mẹ, con gái là người nuôi dạy con cái và nội trợ trong gia đình.
Theo quy định của người H’Mông, nơi đẻ của phụ nữ là bên cạnh bếp lửa của gia đình, không được phép sinh con ở nơi khác, đặc biệt là ở nhà người khác. Bởi như vậy, ma nhà, ma buồng, tổ tiên sẽ phật lòng, không phù hộ cho thai phụ và đứa trẻ. Khi trong gia đình có người đang sinh nở, người chồng phải đi chặt một số cành cây treo vào tất cả các cửa ra vào của ngôi nhà để báo hiệu cho những người lạ, người ngoài dòng họ không vào nhà lúc này, họ cho rằng sẽ không tốt cho sản phụ và đứa trẻ, ma làm hại sẽ rất có thể theo người lạ vào bắt linh hồn của đứa trẻ.
Người H’Mông quan niệm khi đứa trẻ sinh ra chúngchưa có linh hồn và linh hồn sẽ được tồn tại trong cơ thể của đứa trẻ sau khi gia đình làm lễ gọi hồn về. Vì thế người H’Mông quy định sau 3 ngày, gia đình phải tổ chức làm lễ gọi hồn (hu plì) cho trẻ, nghi lễ này chính thức thông báo sự ra đời của một thành viên mới trong xã hội.
Từ sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, gia đình tổ chức lễ gọi hồn cho đứa trẻ,điều này có ý khẳng định từ nay trở đi, đứa bé là thành viên trong gia đình. Trong buổi lễ, ông bà đeo chiếc vòng cổ bạc trắng và mặc chiếc áo sơ sinh với ý nghĩa làm khoá giữ hồn đứa trẻ ở lại với bố mẹ, anh chị, ông bà, không cho hồn đi lang thang, sẽ gây ốm đau bệnh tật.
Trang trọng thủ tục tổ chức cưới hỏi
Phong tục, tập quán của người H’Mông trong hôn nhân chứa đựng nhiều đặc điểm văn hóa đặc trưng riêng biệt, bên cạnh các đặc điểm tương đồng thì có sự khác biệt giữa các nhóm H’Mông khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản trong đám cưới có các nghi lễ sau.
Kéo vợ (háy pù) là một tập quán mang tính đặc trưng của văn hóa trong hôn nhân của người H’Mông. Thông thường, khi đôi trai gái đã tìm hiểu và yêu nhau được một thời gian, sẽ hẹn ngày cũng như địa điểm để nhà trai tổ chức kéo về làm vợ. Việc kéo vợ được thực hiện khi có sự thống nhất từ cả hai bên gia đình.
Chàng trai trước khi đi kéo vợ phải thưa chuyện với bố mẹ, nếu bố mẹ nhất trí với cô gái mà chàng trai chọn thì sẽ cho phép chàng trai kéo về. Trường hợp hai người thích nhau thì việc tổ chức kéo vợ sẽ chỉ là thủ tục, khi nhà trai tổ chức kéo vợ, cô gái thích chàng trai nhưng phải giả bộ không thích, bằng cách làm động tác giằng co với đoàn kéo vợ bên nhà trai.
Sau khi kéo dâu về, nhà trai cử người đến báo cho nhà gái về việc bắt dâu. Theo phong tục, tập quán, buổi sáng sau hôm kéo vợ, nhà trai mổ gà làm bữa cơm mời anh em trong họ để thông báo gia đình đã kéo được vợ về nhà cho con trai.
Kéo vợ về nhà được 3 ngày, gia đình nhà trai phải sang nhà gái làm lễ hỏi dâu. Trong văn hóa truyền thống của người H’Mông thường có một ông mối đi cùng gia đình nhà trai và thực hiện các nghi thức cần thiết, trong nghi thức này bắt buộc phải có cặp bánh dày.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người H’Mông thường tổ chức đám cưới vào các tháng 10, 11,12 và tháng 1, 2 âm lịch hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, thóc, ngô đã đầy nhà. Đám cưới truyền thống của người H’Mông thường được tổ chức trong 3 ngày, hai ngày ở nhà trai và một ngày ở nhà gái. Ngày đẹp được chọn để làm lễ cưới là “đi mồng 1 về mồng 2” âm lịch, hay “đi ngày con chuột về ngày con trâu”. Có nghĩa là, đi ngày lẻ về ngày chẵn hay đi một về hai, đi nhỏ về to. Điều đó thể hiện mong muốn một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, đầy đủ và phát triển.
Một nghi lễ tín ngưỡng của người H’Mông. |
Tiếng kèn trong nghi thức mai táng
Có lẽ, đối với bất cứ một tộc người nào cũng vậy, tang ma thể hiện rõ nhất đặc trưng văn hóa của tộc người, thể hiện được các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục, tâm linh và có nhiều nghi thức phức tạp nhất. Trong nghi thức tang ma của người H’Mông, các giá trị nhân sinh quan, vũ trụ quan và văn hóa truyền thống được bộc lộ một cách sâu sắc thông qua cách ứng xử của người sống đối với người chết. Nghi lễ tang ma của người H’Mông có một số nghi thức mang tính đặc trưng văn hóa và liên quan đến tín ngưỡng của cộng đồng.
Nghi lễ đuổi giặc ma được tiến hành mỗi ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều). Để thực hiện nghi lễ này phải có từ 5 đến 7 người, chạy xung quanh nhà 7 vòng đi và 7 vòng về (nếu người chết là nam), 9 vòng đi và 9 vòng về (nếu người chết là nữ). Mỗi lần đội chạy đến cửa chính, cửa phụ, người ta thổi lên 3 hồi tù và, đâm mác, chém đai đao, phang phạt kiếm; thầy đánh trống đánh từng hồi; thầy khèn trong nhà cũng vừa thổi, vừa nhảy, vừa chạy.
Điều đó gây không khí náo động tượng trưng cho việc chiến đấu, đuổi giặc ma đến quấy rối hồn người chết; đồng thời cũng là sự mô phỏng việc tổ tiên, cha ông người H’Mông xưa kia khi còn sống luôn bị giặc đánh phá cướp nước, cướp đất, bị giết chóc.
Trong đám ma người H’Mông bắt buộc phải có nghi thức thổi kèn, nếu không thì linh hồn người chết không về được với tổ tiên. Một nghi lễ thổi khèn đầy đủ gồm: bài khèn tắt thở (kễnh tu sía); bài khèn dỡ chỗ ngủ (kềnh dờ lán – zơưk lar) dành cho những người đau ốm lâu ngày; bài khèn lên ngựa (tra nềnh); bài khèn tra trò; bài khèn hu gầu; bài khèn bữa sáng, trưa, tối(kềnh yail, kềnh xu, kềnh hmo); bài khèn lỏ xá lỏ hmo (nống txư); bài khèn chào đón (to khùa) những người đến phúng viếng; bài khèn đến thăm người chết (kênh sùa sâu – shuôs sâu); bài khèn đốt giấy (kềnh lớ tớ – hlơưr ntơưr); bài khèn đưa người chết ra ngoài (yưv yar); bài khèn lên đường (sớ cế).
Trước khi đem đi mai táng, người chết được đặt nằm trên chiếc sàn làm sẵn ngoài bãi trống. Xung quanh chỗ đặt người chết, người ta cắm lá xanh, phía trên có giàn che sương che nắng. Tại đây, nghi lễ chính là dâng hiến các lễ vật cho người chết. Đây là các lễ vật do con cái trong gia đình mua để dành cho người chết. Ông trưởng tang chủ làm lễ dâng hiến từng con vật.
Ông buộc một sợi dây từ quan tài nối với con vật được dâng tế, đọc bài tế, rồi cứ thế lần lượt mổ từng con vật; đồng thời, con cháu, người thân khóc lóc, trống được gõ liên hồi, người thổi khèn vừa thổi, vừa nhảy vòng quanh người chết. Trong văn hóa truyền thống, lễ vật dành cho người chết mà con cháu phải chuẩn bị có giá trị tài sản rất lớn (thường là bò, lợn, dê…). Vì thế, người chết gây không ít khó khăn, tốn kém và vất vả cho người sống.
Lễ cúng ma bò (nhùx đá) hay là lễ ma khô. Khi nào các con của người chết có điều kiện nuôi được bò hoặc có tiền mua bò thì bắt đầu làm lễ ma bò cho bố mẹ. Cách thức làm cũng tương tự như làm lễ thả hồn và lễ cúng ma buồng, nhưng con cháu thường không khóc, lễ vật là 1 con bò to hay nhỏ tuỳ ý. Lễ này có thể còn được tổ chức do bố hoặc mẹ đã chết về đòi con cháu cho bò (thông qua việc con cháu trong gia đình có người ốm yếu, hoặc nằm mơ, hoặc do thầy mo, thầy cúng xem trúng thì cũng phải làm ma bò).
(Còn tiếp)