Vị giám đốc doanh nghiệp lật lọng như thế nào?
Điều tra của phóng viên cho thấy Hòa “mèo”- Bùi Văn Hòa vốn trở nên giàu có ở thị trấn Di Linh, Lâm Đồng nhờ buôn bán hàng nông sản và bất động sản. Giữa vợ chồng ông Hoàng Quý và Bùi Văn Hòa vốn là chỗ quen biết lâu năm và thân tình. Vợ chồng ông Hoàng Quý thường xuyên cho Hòa vay tiền để kinh doanh.
Cuối tháng 3/2008, biết vợ chồng ông Hoàng Quý có tiền, do cần vốn kinh doanh, Bùi Văn Hòa đề nghị vợ chồng ông Hoàng Quý cho vay và hứa trả sòng phẳng. Khác với các lần cho vay trước, lần này do là chỗ thân tình, tin tưởng, vợ chồng ông Hoàng Quý đã mang số tiền 1,656 tỉ đồng (theo vợ chồng ông Hoàng Quý là số tiền mà họ dành dụm để mua nhà cho con ở TP. Hồ Chí Minh) cho Bùi Văn Hòa vay, không lấy lãi.
Ngày 25/3/2008 giữa vợ chồng ông Hoàng Quý và Bùi Văn Hòa lập bản thỏa thuận cho vay tiền và mượn tiền với các điều khoản rất chặt chẽ. Theo đó, thời gian mà vợ chồng ông Hoàng Quý cho Bùi Văn Hòa vay là 3 tháng kể từ ngày Hòa nhận tiền; Trong thời gian này không lấy lãi; Hết thời hạn vay (3 tháng), ông Hòa phải trả đủ tiền cho ông Quý; Hết thời hạn vay nếu ông Hòa cần thiết phải kéo dài thời gian vay phải được sự đồng ý của bên cho vay và lập thành văn bản , mức lãi xuất cho vay là 2%/ tháng.
Theo bản thỏa thuận này, trong số tiền trên 1,650 tỉ đồng trên, bên cho vay là vợ chồng ông Hoàng Quý có quyền rút ra 300 triệu đồng bất cứ lúc nào. Số còn lại sẽ báo trước cho bên vay trước 15 ngày. Việc vay mượn này là tự nguyện, có chữ ký của ông Bùi Văn Hòa, vợ chồng ông Hoàng Quý và bà Hường là kế toán của ông Hòa.
Trên cơ sở bản thỏa thuận cho vay tiền và mượn tiền đã ký kết, ngày 26/3/2008 vợ chồng ông Hoàng Quý đã mang 1,656 tỉ đồng tiền tích cóp của gia đình dành mua nhà cho con để cho Bùi Văn Hòa vay với tâm niệm là giúp đỡ Hòa lúc Hòa cần vốn làm ăn và sau này nếu mua nhà thiếu tiền thì Hòa sẽ giúp lại.
Khi giao tiền giữa ông Hoàng Quý và Bùi Văn Hòa đã lập giấy biên nhận cho vay tiền. Giấy này thể hiện rõ đã có sự giao nhận tiền. Bùi Văn Hòa ký xác nhận là đã nhận đủ số tiền 1,656 tỉ đồng từ ông Hoàng Quý.
Tuy nhiên đến khi cần tiền để mua nhà cho con, ông Hoàng Quý yêu cầu Bùi Văn Hòa trả tiền. Hòa không chịu trả và cuối cùng cực chẳng đã, vợ chồng người nông dân Hoàng Quý đã phải khởi kiện vụ án ra tòa.
Ngày 20/8/2008 vợ chồng ông Hoàng Quý khởi kiện Bùi Văn Hòa- (Hòa “mèo”) ra TAND huyện Di Linh, Lâm Đồng buộc Hòa phải trả khoản tiền đã vay.
Ngày 1/4/2009, TAND huyện Di Linh xử sơ thẩm vụ án này (sơ thẩm lần 1). Tại tòa, Bùi Văn Hòa Thừa nhận có quan hệ vay tiền của vợ chồng ông Quý, thừa nhận ký các văn bản là bản thỏa thuận cho vay tiền và mượn tiền ngày 25/3/2008 và trực tiếp ký giấy biên nhận cho vay tiền.
Tuy nhiên, Bùi Văn Hòa thể hiện sự gian dối một cách trắng trợn khi cho rằng việc ký giấy vay số tiền 1,656 tỉ đồng của ông Hoàng Quý vào ngày 26/3/2008 là do ngày 25/3/2008 giữa vợ chồng ông Quý và Hòa có thỏa thuận bằng lời nói về việc vợ chồng ông Quý chuyển nhượng cho Hòa 02 lô đất trong diện tích đất nông nghiệp ông Quý nhận khoán của HTX nông nghiệp Đông Di Linh. Giá chuyển nhượng hai lô đất trên là 1,656 tỉ đồng. Hòa cho rằng số tiền 1,656 tỉ đồng này là tiền chuyển nhượng đất chứ không phải là nợ vay.
Hòa cho rằng vì ông Quý không thực hiện đúng cam kết trong việc chuyển nhượng đất nên Hòa không trả số tiền 1,656 tỉ đồng trên.
Tại tòa, vợ chồng ông Hoàng Quý khẳng định toàn bộ số tiền 1,656 tỉ đồng trên là tiền mặt của gia đình chứ không có khoản nào là nợ tiền mua đất.
Nhận định Bùi Văn Hòa đã có sự gian dối, bản án dân sự sơ thẩm (lần 1) số 11/2009/DS-ST đã chấp nhận một phần đơn kiện của vợ chồng ông Quý, buộc Bùi Văn Hòa phải trả cho vợ chồng ồng Hoàng Quý số tiền trên 1,865 tỉ đồng.
Cấp phúc thẩm "làm xiếc" với chứng cứ giả mạo
Ở phiên xử phúc thẩm lần 1 vụ án này, HĐXX, TAND tỉnh Lâm Đồng được cho là đã "làm xiếc" với lời khai, chứng cứ có dấu hiệu giả mạo do Bùi Văn Hòa đưa ra. HĐXX đã mang đến bản án bất lợi lần thứ nhất cho vợ chồng lão nông Hoàng Quý.
Khi Bùi Văn Hòa kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm (lần 1) số 11/2009, ngày 20/10/2009, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm. Thẩm phán Văn Thị Xin là chủ tọa phiên tòa.
Tại tòa, ông Quý vẫn khẳng định là toàn bộ số tiền mà ông Bùi Văn Hòa ký nhận tại giấy vay tiền và các văn bản quyết toán là cho vay bằng tiền mặt chứ không có khoản nào là nợ tiền mua đất. Ông Quý thừa nhận có thỏa thuận chuyển cho ông Hòa diện tích đất nhận khoán ở HTX nông nghiệp Đông Di Linh với số tiền 550 triệu đồng, ông Hòa đã thanh toán đầy đủ khoản tiền này cho ông Quý, và đây là hợp đồng chuyển khoán đã hoàn tất các thủ tục theo thỏa thuận, không có việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất như ông Hòa đã trình bày nhằm đánh đồng, lấp liếm giữa một sự việc có thật là khoản tiền vay 1,656 tỉ đồng của vợ chồng ông Hoàng Quý với một vụ việc giao dịch đất do ông Hòa “vẽ” ra.
Thay vì phải cẩn trọng làm rõ tại tòa trên cơ sở tài liệu chứng cứ là các giấy vay nhận tiền và làm rõ lời khai của Bùi Văn Hòa có trung thực hay không thì HĐXX cấp phúc thẩm (lần 1),TAND tỉnh Lâm Đồng đã vội vã nhận định rằng: “Có căn cứ xác định tất cả các khoản nợ khác ông Hòa đã thanh toán xong, riêng khoản tiền chuyển nhượng đất là chưa thanh toán (1,656 tỉ đồng) hiện các bên không khởi kiện nên tòa án không đề cập xem xét”.
Từ nhận định vội vã, chưa khách quan trên, HĐXX phúc thẩm (lần 1) có bản án số 159/2009/ DS-PT (20/10/2009) tuyên bác khởi kiện của ông Hoàng Quý kiện tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản đối với ông Bùi Văn Hòa.
Bản án này của HĐXX do thẩm phán Văn Thị Xin đứng đầu đã gây nên sự bất bình trong dư luận tại tỉnh Lâm Đồng. Ông Quý cho rằng, HĐXX đã không xem xét, điều tra kỹ về những lời khai có tính gian dối của Bùi Văn Hòa. Lấy một sự việc không có thật đánh tráo, lấp liếm cho một sự việc có thật.
Thực tế điều tra của phóng viên cho thấy là ngày 25/3/2008, vợ chồng ông Hoàng Quý có các đơn chuyển khoán diện tích cây cà phê gửi Ban quản lý HTX nông nghiệp Đông Di Linh. Người được nhận chuyển khoán diện tích này chính là Bùi Văn Hòa.
Theo đó, vợ chồng ông Hoàng Quý đã có đơn chuyển khoán diện tích cây cà phê cho Bùi Văn Hòa lần lượt là 610 m2, tờ bản đồ số 16, thửa 64; 1.296 m2, tờ bản đồ số 16, thửa 64; 132 m2 tờ bản đồ số 16, thửa 57 (cùng vào ngày 25/3/2008).
Các đơn chuyển khoán này được Chủ nhiệm Ban quản lý HTX nông nghiệp Đông Di Linh ký xác nhận, đóng dấu, đồng ý cho chuyển khoán. Theo ông Hoàng Quý thì việc chuyển khoán này giữa vợ chồng ông và Bùi Văn Hòa đã hoàn tất. Không còn dính líu gì, Bùi Văn Hòa đã trả đủ cho vợ chồng ông số tiền 550 triệu đồng từ việc nhận chuyển khoán trên.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy, lời khai trên của ông Hoàng Quý là có căn cứ và đúng sự thực. Thực tế là trong ngày 25/3/2008 HTX nông nghiệp Đông Di Linh đã có biên bản Hóa gia vườn cây và chuyển giao quyền sử dụng đất của HTX nông nghiệp Đông Di Linh cho xã viên quản lý sử dụng. Ông Bùi Văn Hòa lúc này đã ký biên bản hóa giá vườn cây do nhận chuyển khoán từ vợ chồng ông Hoàng Quý. Như vậy giao dịch chuyển quyền nhận khoán giữa ông Hoàng Quý và ông Hòa đã kết thúc.
Một chứng cứ nữa cho thấy Bùi Văn Hòa đã làm chủ diện tích đất mà trước đó (ngày 25/3/2008) đã được ông Quý chuyển quyền nhận khoán là việc ngày 20/11/2011 Bùi Văn Hòa có đơn gửi UBND thị trấn Di Linh; Phòng đăng ký đất đai huyện Di Linh xác nhận: “Ngày 25/3/2008 ông Hoàng Quý có chuyển sang nhượng cho tôi 1906 m2 thuộc tờ bản đồ 64, tờ bản đồ 15 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và đã làm thủ tục chuyển khoán cây trồng tại HTX Đông Di Linh đến nay đã xong thủ tục… Hiện tại đất bỏ hoang không ai quản lý gây thiệt hại cho gia đình tôi, đề nghị tiến hành đo mốc ranh giới cho gia đình tôi quản lý.”
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc này...
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com