Sách giáo khoa điện tử: Có nên “buông” thị trường cho các NXB tư nhân?

Sách điện tử dễ dàng để tiếp cận, chi phí rẻ và tránh được sự lãng phí.
Sách điện tử dễ dàng để tiếp cận, chi phí rẻ và tránh được sự lãng phí.
(PLVN) - Câu chuyện “số hóa” sách giáo khoa đã được nhắc đến từ lâu. Thế nhưng cho đến nay, sách điện tử vẫn còn khá lạ lẫm với người Việt, đặc biệt trong hệ thống giáo dục dưới đại học…

Phổ cập sách giáo khoa điện tử: Khó hay dễ?

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 793/BGDĐT-GDTrH về việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ đến trường để phòng, chống Covid-19.

Dù là giải pháp tình thế trong mùa dịch, trường học online không hề là khái niệm mới mẻ đối với Việt Nam, thậm chí còn được coi là xu hướng tất yếu trong tương lai. Đi kèm với hệ thống giáo dục trực tuyến chính là sự phát hành một hệ thống tài liệu trực tuyến, đó là sách giáo khoa điện tử. 

Việc sử dụng sách giáo khoa bằng Ebook (sách điện tử) phục vụ nhu cầu lưu trữ và đọc sách mọi lúc, mọi nơi trên những thiết bị điện tử cá nhân. Với sự phát triển của công nghệ, lợi ích của sách điện tử mang lại ngày càng lớn, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin, linh hoạt sử dụng và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với sách giáo khoa truyền thống.

Bên cạnh đó, Ebook giúp người khuyết tật tiếp cận việc đọc sách dễ dàng hơn. Văn bản có thể điều chỉnh kích thước cho người mắt kém. Màn hình phát sáng giúp đọc dễ dàng trong tối. Cho phép tùy chỉnh phong cách cho cuốn sách của mình bằng font chữ, kích thước, căn lề, màu sắc, trang trí…

Thực tế hiện nay, tại các trường đại học ở nước ta, hệ thống thư viện số rất phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của sinh viên, học viên. Đối với những tài liệu mang tính chất chuyên ngành như giáo trình đại học, cao học, luận văn, luận án, chuyên đề hay nghiên cứu khoa học, rất khó để có thể tìm thấy trên thị trường, thậm chí để tìm được bản tài liệu dạng giáo trình giấy cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, thông qua phiên bản điện tử, người đọc có thể tiếp cận được những tài liệu này rất dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm, thậm chí sách điện tử còn thuận lợi hơn cho người đọc khi muốn tra cứu thông tin bất kỳ.

Nhu cầu đọc sách điện tử cũng đã tăng lên rất nhanh trong thời gian qua, nhiều mô hình kinh doanh sách điện tử đã xuất hiện hoặc chuyển mình từ tự phát, nhỏ lẻ đến chuyên môn hóa. Điều này phần nào chứng minh được xu hướng tiếp cận sách điện tử đang ngày càng được mở rộng trong thị trường sách hiện nay. 

Sử dụng Ebook thay cho các bộ sách giáo khoa, giáo trình truyền thống đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Điển hình, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đang đi đầu trong xu hướng số hóa sách giáo khoa. Từ năm 2015, Hàn Quốc không còn sách giáo khoa giấy. Thái Lan cũng đã thực hiện kế hoạch mua 400.000 máy tính bảng trong dự án chi 75,7 triệu USD cho 1,5 triệu máy tính bảng cho học sinh tại đất nước này. 

Tại nước ta, sử dụng sách giáo khoa giấy vẫn là hình thức cơ bản nhất trong hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng việc tái xuất bản sách giáo khoa hằng năm đang gây ra lãng phí rất lớn. Nhiều phụ huynh cho biết sách giáo khoa cũ không thể sử dụng lại vì nhiều nội dung mới không được cập nhật.

Theo thống kê, hơn 100 triệu bản sách giáo khoa đã được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành phục vụ năm học 2018-2019. Con số này cũng tương đương với các năm học trước. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm cả trăm triệu bản sách phải bỏ đi không dùng lại được do học sinh không dùng sách cũ, làm lãng phí cả ngàn tỉ đồng.

Vì vậy, việc tiếp cận và nhân rộng mô hình sách giáo khoa điện tử sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí tài nguyên và nhân lực. Hơn thế, sách điện tử mở ra cho con người cơ hội tiếp cận đa dạng hơn với tri thức, có thể điều chỉnh nội dung, hình thức tiếp cận phù hợp với nhu cầu bản thân.

Có nên xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa?

Trước hết, vấn đề độc quyền sách giáo khoa hiện nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi bởi quy định về việc sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất sách giáo khoa trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông (sử dụng một bộ sách giáo khoa thống nhất trên cả nước) tại khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành đến nay không còn phù hợp.

Ebook có nhiều điều kiện tốt để phát triển ở nước ta.
 Ebook có nhiều điều kiện tốt để phát triển ở nước ta.

Mâu thuẫn với quy định “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học” của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Điều này góp phần cho Ebook có thể phát triển ở chương trình giáo dục phổ thông. 

Thực tế cũng chỉ ra rằng, tại các cơ sở giáo dục công lập, môi trường tiếp cận của học sinh bị bó hẹp hơn và thường đi vào lối mòn dạy - học của nhiều năm trước, chương trình sách giáo khoa cũ có nhiều nội dung không còn thiết thực với thực tiễn hiện nay, phần nào dẫn đến sự xa rời thực tế.

Trong đó, các cơ sở đào tạo tư nhân hay liên kết quốc tế, chương trình học phong phú, đa dạng hơn, học sinh cũng tiếp cận nhanh nhạy hơn với các vấn đề thực tiễn, các ứng dụng trực tuyến hay công nghệ hiện đại cũng được áp dụng khéo léo, chuẩn mực để hỗ trợ cho việc tiếp thu thông tin của học sinh. 

Có thể nói, để hiện thực “số hóa” sách giáo khoa tại nước ta vẫn là một chặng đường dài và cần có lộ trình cụ thể bởi khi chuyển đột ngột từ sách truyền thống sang sách điện tử có thể gây nên những rủi ro lớn. Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các nhà xuất bản, nhà sách quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ xâm hại bản quyền cao. Waka có khoảng 10.000 tên sách, khoảng trên 15.000 user.

Doanh thu trung bình khoảng 600-650 triệu đồng/tháng nhưng số lượng các đối tác tham gia xuất bản điện tử ngày càng giảm. Mặt khác, theo Waka, hiện đầu tư một ứng dụng (app) để bán sách có thể ở mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Cùng với đó, việc duy trì đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỷ lệ người truy cập và sử dụng là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả, việc xây dựng các sàn bán sách độc lập lại có chi phí khá cao, không đa dạng hóa nguồn thu, khó đem lại lợi nhuận. 

Nói về công cuộc cải cách trong việc phát hành sách giáo khoa hiện nay, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books nhận định với báo chí: “Một giáo viên tốt chỉ có thể tác động đến vài chục hay vài trăm học sinh. Nhưng một bộ sách giáo khoa tốt có thể tác động đến hàng trăm ngàn học sinh. Bây giờ, việc xuất bản sách giáo khoa vẫn là “bình mới, rượu cũ”, nhưng dù sao nó đang mở ra một con đường cho các đơn vị xuất bản tư nhân”.

Theo ông, câu chuyện đa dạng trong xuất bản sách giáo khoa đáng lẽ phải xảy ra từ 10-15 năm trước. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa cùng một lúc có thể phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập trong các hệ thống trường học khác nhau, tại các vùng miền khác nhau. 

Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề xuất bản sách giáo khoa điện tử nói chung và vấn đề “mở cửa” thị trường sách giáo khoa độc quyền cho các doanh nghiệp tư nhân nói riêng từ nhiều góc độ khác nhau. Về phía Nhà nước, cần có những chính sách, quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội; cần sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành trong việc thể chế hóa chính sách, thực tế hóa các quy định pháp luật cùng với công kiểm tra, giám sát sự thi hành pháp luật. 

Về phía doanh nghiệp, cần có những cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư duy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực xuất bản điện tử, chứ không đi vào “lối mòn” tư duy phát triển xưa cũ, manh mún vốn đã tồn tại nhiều năm nay. Đặc biệt, với sự phát triển như “vũ bão” thay đổi hàng ngày, hàng giờ của công nghệ thông tin đòi hỏi chính các đơn vị xuất bản cần có sự thích ứng, thay đổi không ngừng, biết nắm bắt thời cơ để đưa sách điện tử thành xu hướng phát triển trong tương lai. 

Còn về phía xã hội, người tiêu dùng sách điện tử dù với mục đích nào cần có nhận thức đúng đắn về các vấn đề tôn trọng bản quyền sách điện tử, cập nhật công nghệ số… Mặt khác, cũng cần hiểu rõ, mục đích của cải cách sách giáo khoa là để nâng cao quá trình giáo dục nói chung, khiến tri thức được chuyển tải một cách linh hoạt, đa dạng và tiện dụng hơn; nhưng chính người học phải chủ động tiếp cận và tiếp thu kiến thức thì mới đạt được hiệu quả cao nhất. 

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.