“Lỗ hổng' xuất bản sách điện tử

Cần ra luật cho xuất bản điện tử.
Cần ra luật cho xuất bản điện tử.
(PLVN) - Sách điện tử và việc phát hành sách điện tử là xu hướng mang tính thời đại, có tiềm năng rất lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các đơn vị, tổ chức hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản đều bày tỏ sự lo ngại rằng ngành xuất bản Việt Nam có thể bỏ lỡ nhịp hội nhập cùng xu hướng này bởi thiếu vắng hành lang pháp lý.

Hồn nhiên vi phạm bản quyền số

Cuối năm 2019, một dự án mang tên “USB sách nói” đã được quảng cáo trên Internet rằng với chỉ 499.000 đồng là người mua có thể sở hữu “80 quyển sách kinh doanh làm giàu hướng dẫn từng bước giúp bản thân phát triển”. Trong đó, có rất nhiều đầu sách là bản quyền của NXB Trẻ, đã được sản xuất thành sách nói, chép vào USB và được chào bán công khai trên thị trường dù chưa được sự đồng ý.

Mạng xã hội như Facebook là một trong những công cụ lan truyền kinh khủng. Hiện nếu tìm kiếm trên Google về dự án này sẽ xuất hiện hơn 4,7 triệu kết quả chỉ sau 0.46 giây. Rõ ràng, hành động tự ý sao chép, chuyển thể sang sách nói và bán phá giá như trên đã khiến chủ sở hữu tác quyền, tác giả tổn thất nghiêm trọng. Bởi lẽ nếu người mua có thể chi trả sách ở một mức giá rẻ chỉ bằng 1/100 hoặc 1/50 giá bìa, liệu họ còn muốn bỏ tiền mua quyển sách đó trên thực tế hay không?

Đáng nói, dù NXB Trẻ và nhiều tác giả đã phản hồi với dự án này, yêu cầu dừng hành vi sản xuất sách lậu, nhưng đến nay dự án này vẫn còn tồn tại, vẫn được quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội và cả những trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Tiki,… 

Trong trường hợp này, sách nói được chuyển thể từ sách giấy sang âm thanh và được coi là sản phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, muốn ra được tác phẩm phái sinh thì buộc phải có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm; nếu không thì đó là hành vi vi phạm bản quyền.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc rao bán công khai sách nói trên mạng Internet như hiện nay đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, dự án “USB sách nói” chỉ là một trong vô vàn hành vi vi phạm bản quyền ngang nhiên trên Internet hiện nay. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn khá nhiều bất cập, quá trình kiểm tra, xử lý thiếu sự phối hợp, đồng bộ. 

Đối với sách giấy, việc sao chép đã khá đơn giản thì đối với nội dung số, việc đó còn đơn giản hơn. Khi có vụ việc vi phạm cơ quan nào sẽ đứng ra tổ chức điều tra, thu thập chứng cứ? Cơ quan nào có thẩm quyền tịch thu, xử phạt và việc đó được thực hiện như thế nào? Đặc biệt, đối với sách giấy lậu, cơ quan chức năng có thể tịch thu tiêu huỷ; nhưng đối với nội dung và dữ liệu số, điều này khó hơn rất nhiều.

Trong nhiều trường hợp, các website hoặc trang mạng xã hội do vi phạm bản quyền bị yêu cầu dừng hoạt động thì không lâu sau lại xuất hiện trang web hoặc fanpage khác có nội dung y hệt. Thực tế còn cho thấy, những vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra toà án ở Việt Nam không chỉ có số lượng ít mà những bản án, phán quyết từ các cơ quan tư pháp vẫn còn nhiều điểm bất nhất.

Có thể nói “lỗ hổng” lớn như vậy về bản quyền chính là khó khăn lớn nhất đối với ngành xuất bản điện tử. Hiện nay, nhiều nhà xuất bản có tiềm lực đã và đang áp dụng công nghệ 4.0 vào xuất bản điện tử, đầu tư tiền của và nguồn lực vào việc sản xuất nội dung số nhằm truyền tải tri thức một cách linh hoạt và đa dạng hơn với giá thành rẻ.

Tuy nhiên, những nỗ lực có thể mất rất nhiều tỷ đồng, nhiều thời gian, nhiều chất xám, nhiều công sức của con người có thể bị ăn cắp chỉ trong vài phút, vài giờ. Đó là rủi ro rất lớn khi quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo. 

Khó định nghĩa, khó xử phạt

Khái niệm “xuất bản điện tử” có thể còn xa lạ đối với nhiều người, thậm chí còn khá mơ hồ trong hệ thống pháp luật hiện hành. Luật Xuất bản năm 2012 quy định hoạt động xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành, hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử. Tuy nhiên, Luật này không có quy định thế nào là phương tiện điện tử.

Bản quyền sách điện tử là vấn đề phức tạp, nhiều bất cập.
 Bản quyền sách điện tử là vấn đề phức tạp, nhiều bất cập.

Khái niệm này lại được giải thích trong Luật Giao dịch điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện tử hoặc công nghệ tương tự. Như vậy, theo cách hiểu của đa số người làm trong lĩnh vực xuất bản hiện nay thì xuất bản điện tử cũng trải qua những quy trình, khâu đoạn tương tự như xuất bản truyền thống, chỉ khác ở giai đoạn sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra và phát hành xuất bản phẩm điện tử. 

Xuất bản phẩm điện tử bao gồm hai loại: Được chuyển sang hình thức điện tử từ xuất bản phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác; được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Nội hàm của điều này là pháp luật hiện hành không giới hạn việc xuất bản phải dưới dạng vật chất như sách, báo, băng, đĩa… mà có thể cả ở dạng số hoá. Tuy nhiên, việc định nghĩa “xuất bản phẩm” điện tử một cách quá chung chung như vậy đã gây ra nhiều hiểu lầm, khó giải quyết khi xảy ra tranh chấp trên thực tế. 

Đơn cử, nếu theo cách hiểu trên, bài viết của một người đăng tải trên trang Facebook cá nhân cũng có thể được coi là một xuất bản phẩm điện tử. Tuy nhiên, đây có phải là hành động xuất bản điện tử hay không? Quyền tác giả của người này có được pháp luật bảo vệ? Nếu một người khác sao chép không dẫn nguồn, không xin phép tác giả và đăng tải trên trang cá nhân của mình thì có được coi là hành vi vi phạm?

Đây là một thực trạng diễn ra rất phổ biển trên các mạng xã hội hiện nay, khiến cộng đồng mạng bức xúc, nhưng dường như vẫn chưa có giải pháp xử lý, xử phạt triệt để. Nhưng rõ ràng, bản chất của hành vi đăng tải trạng thái trên mạng xã hội hoàn toàn khác với hoạt động xuất bản của đơn vị được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên, việc chưa có định nghĩa rõ ràng, chính xác về hoạt động “xuất bản điện tử” đã gây ra tổn hại rất lớn đến các nhà xuất bản, các tác giả có sản phẩm của mình bị “ăn cắp” và giao bán ngang nhiên trên mạng xã hội, Internet.

Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành thì các vi phạm liên quan đến xuất bản điện tử có nguy cơ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 10 triệu đồng, có thể kèm theo hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: bị buộc gỡ bỏ các xuất bản phẩm điện tử vi phạm.

Đó là hành vi xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trước khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet không có tên miền Internet Việt Nam theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, việc áp dụng những chế tài này trên thực tế gần như rất hiếm thấy, khiến cho các hành vi vi phạm vẫn diễn ra ngang nhiên.

Khách quan mà nói, lĩnh vực xuất bản số cần có sự hợp tác liên ngành. Rõ thấy nhất là việc áp dụng công nghệ vào xuất bản sách. Nói nôm na là, về “phần cứng”, chúng ta cần có các thiết bị để đọc như smartphone, máy tính, laptop, kindle; còn về “phần mềm” sẽ liên quan đến tác quyền, giao dịch, xử lý xuất bản lậu, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong vế đầu tiên, các nhà làm luật không chỉ quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về mẫu mã, kiểu dáng… của các thiết bị trên; mà họ còn phải tính toán đến cả trường hợp khi những đồ công nghệ nếu hết đát sẽ được xử lý chất thải như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường.

Trong vế thứ hai, các nhà làm luật phải cân nhắc về các vấn đề quy trình cấp phép xuất bản điện tử, đăng ký xuất bản phẩm điện tử, hệ thống quản lý và kiểm duyệt nội dung, quy định về cạnh tranh trên nền tảng số, quy trình giải quyết khi có tranh chấp cùng với những chính sách hỗ trợ về đầu tư, kinh doanh. 

Mặc dù xuất bản điện tử được đánh giá và kỳ vọng là xu hướng tất yếu của thế giới nhưng ngành xuất bản Việt Nam có thể bỏ lỡ nhịp hội nhập vì thiếu hành lang pháp lý. Hiện việc đăng ký xuất bản phẩm điện tử chỉ có một định dạng, nhưng thực tế mỗi cuốn sách điện tử có nhiều phiên bản, ví dụ pdf, epub…

Tưởng chừng là một biểu hiện nhỏ, nhưng “lỗ hổng” này đã tạo điều kiện cho hàng loạt hành vi vi phạm trên thực tế, gây tổn thất to lớn. Như vậy, không chỉ sửa đổi những quy định lỗi thời mà các quy định pháp luật mới cũng phải bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, tránh trường hợp vừa đưa ra đã phải sửa đổi. 

Đọc thêm

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp
(PLVN) - Sáng ngày 28/10/2024, tại Hội trường lớn, Khoa Kinh tế, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Kế toán - Kiểm toán góc nhìn thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 500 sinh viên tham dự cùng các chuyên gia đầu ngành, mang đến cơ hội quý báu để các bạn trẻ khám phá sâu hơn về nghề nghiệp.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh: Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: THPT Việt Đức)
(PLVN) - Sau gần một tháng ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh (HS) vi phạm tại các điểm trường trên cả nước đã giảm và có sự chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh thay đổi tích cực từ phía HS, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía phụ huynh lại có dấu hiệu tăng cao.

Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Nguồn: THCS Lê Lợi)
(PLVN) - Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực cho công việc kiên cố hóa trường học. Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước nguồn lực còn hạn chế, nên việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Kỷ luật hiệu trưởng nếu bị dư luận phản ánh xảy ra lạm thu

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Sở GD&ĐT TP HCM ra văn bản chỉ đạo : ãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại TP HCM bị dư luận, báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể liên quan đến tình trạng lạm thu.