Nhà máy đang được thi công ngay sát tỉnh lộ 610B, nằm trong khu dân cư và cách trụ sở UBND xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn) khoảng vài trăm mét. Ngày 13/10, có mặt tại đây, hàng chục công nhân vẫn đang gấp rút xây dựng nhà điều hành và hàn sắt ở nhà xưởng rộng trên 4.300m2 bên cạnh.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung, cho biết, diện tích đất này trước đây quy hoạch làm cụm công nghiệp, nhiều năm kêu gọi đầu tư nhưng không có đơn vị nào “ngó ngàng”. Sau đó, HĐND xã điều chỉnh sang đất ở nhằm lấy nguồn thu xây dựng nông thôn mới. Đầu năm 2016, Công ty KM Korea Limited Company (nay Công ty TNHH MTV Da Nang Plastic) xin phép vào đầu tư nhà máy sản xuất gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa.
Ngày 11/4, xã Điện Trung có tờ trình đề nghị UBND thị xã Điện Bàn cho phép được triển khai xây dựng nhà máy, song song với việc hoàn tất các thủ tục về đầu tư. Trên cơ sở đề nghị của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam “thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư nhà máy” này. Diện tích được cấp lên đến 18.000m2 nhưng hiện nay, doanh nghiệp chỉ xây dựng hơn 4.300m2 nhà xưởng, nhà điều hành và sân xung quanh với tổng diện tích 9.000m2.
Ngày 3/10, Sở Xây dựng Quảng Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh về “thực trạng địa điểm” của nhà máy này. Theo Sở Xây dựng, sau khi nhận được văn bản của Công ty TNHH MTV DaNang Plastic và tờ trình của UBND thị xã Điện Bàn, đã phối hợp các đơn vị liên quan đi kiểm tra. Qua đó, Sở Xây dựng Quảng Nam phát hiện UBND tỉnh mới chỉ thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư dự án ngày 6/9/2016, nhưng Công ty đã san lấp phần mặt bằng một phần khu đất; đã xây dựng gần xong phần nhà xưởng và một phần hàng rào, hiện tại Công ty vẫn triển khai tiếp. Về quy hoạch ngành, vị trí này không thuộc khu, cụm công nghiệp và không có trong quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duyệt.
Điều đáng nói, vị trí công trình không nằm trong danh mục công trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa năm 2016 theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam năm 2015, cũng như kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của thị xã Điện Bàn đã duyệt. Về quy hoạch xây dựng, vị trí không thuộc quy hoạch đất công nghiệp theo hồ sơ quy hoạch khu trung tâm xã Điện Trung được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt ngày 6/4/2016. Về môi trường, dự án thuộc loại hình phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Nói về điều này, theo ông Sơn, trước khi cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy, xã đã họp dân và 100% thống nhất về chủ trương. Tuy nhiên, dự án chưa có thỏa thuận điểm, chưa có đánh giá tác động môi trường và chưa có giấy phép xây dựng. Phó Chủ tịch UBDN xã Điện Trung thừa nhận: “Do bức xúc về phát triển kinh tế địa phương nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi nên nóng vội trong việc xây dựng để giữ chân nhà đầu tư, khi các thủ tục chưa hoàn chỉnh. UBND xã Điện Trung sẽ kiểm điểm các đồng chí có trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Chiều 13/10, trao đổi PLVN, ông Trần Úc, Chủ tịch thị xã Điện Bàn cho biết, sau khi phát hiện sai phạm, ông đã yêu cầu tạm dừng thi công xây dựng công trình đến khi nào công ty được cấp giấy phép đầy đủ. Tuy nhiên, phía Công ty hiện vẫn còn chây ì.