Ông Đào Mạnh Thịnh (SN 1959, trú tại tổ 12, phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) - người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cho biết: Do điều kiện thiếu thốn về chỗ ở, con gái ông có xây một căn nhà tạm trên phần đất mà gia đình ông đã khai hoang lâu năm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không đồng ý, và tổ chức cưỡng chế công trình. Điều khiến ông bức xúc là gia đình ông không có cơ hội được giải trình theo quy định của pháp luật, khi văn bản đình chỉ việc xây dựng và văn bản cưỡng chế được tống đạt cho ông cùng một ngày, tống đạt nhầm đối tượng; trng văn bản cưỡng chế, cũng không thể hiện các điều kiện như quy định của Pháp luật... khiến ông cho rằng việc cưỡng chế có gì đó mờ ám.
Ông Thịnh cho biết: Ngày 26/8/2014, Đoàn cán bộ của phường đã đến yêu cầu gia đình ông không được tiếp tục xây dựng. Tuy có nhiều lý do đề chứng minh nhu cầu chính đáng cho việc xây dựng, đồng thời đã cam kết nếu khi bị thu hồi đất, sẽ không yêu cầu đòi bồi thường về khối tài sản này, nhưng gia đình ông cũng nghiêm túc chấp hành, cho ngừng thi công ngay. Đến ngày 4/9/2014, ông nhận được quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 31/8/2014 của UBND Phường Hữu Nghị về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Quyết định số 68 được chuyển nhầm đối tượng và Quyết định số 66 không có hiệu lực pháp lý |
Điều khiến ông khó hiểu là Quyết định này được căn cứ vào Quyết định Đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự số 66/QĐ-UBND ngày 17/8/2014 của UBND phường Hữu Nghị. Phần đề dẫn của Quyết định 70 cũng được ghi rất rõ: “Xét thấy hết thời hạn thi hành Quyết định Đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị…” trong khi đó, Quyết định được viện dẫn này có nội dung như thế nào, ông Thịnh chưa hề được biết.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, khi được tống đạt quyết định Cưỡng chế, gia đình ông có nhận được một Quyết định về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị - Quyết định số 68/QĐ- UBND của Chủ tịch UBND phường Hữu Nghị. Tuy nhiên, người chủ đầu tư xây dựng, cũng là người phải chịu thi hành quyết định này lại là ông Nguyễn Văn Mạnh, chứ không phải Đào Mạnh Thịnh như trong Quyết định cưỡng chế.
Quyết định cưỡng chế cũng không hề thông báo cho gia đình ông Thịnh biết thời điểm cưỡng chế. “Ngày 6/9/2014, lực lượng cưỡng chế đã xộ đến trong sự ngỡ ngàng của gia đình tôi.” Ông Thịnh nói.
Xác minh những phản ánh của công dân, PLVN đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Hữu Nghị - TP Hòa Bình. Ông Bùi Ngọc Hùng, chủ tịch UBND phường Hữu Nghị cho biết: “Gia đình ông Thịnh muốn xây dựng thêm nhà tạm nhưng địa phương không cho phép vì nằm trong vùng quy hoạch. Thế nhưng ông Thịnh cố tình xây dựng. Do đó, địa phương phải thực hiện các biện pháp quản lý, lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu tháo dỡ theo sự điều chỉnh của Nghị Định 180/2007/NĐ-CP.
Khi yêu cầu được xem Quyết định số 66 mà ông chủ tịch phường đã lấy làm căn cứ để ra quyết định cưỡng chế, chúng tôi đã được cung cấp một văn bản không có hiệu lực pháp lý – không đóng dấu.
Theo lý giải của Phó chủ tịch UBND phường Hữu Nghị thì: “Đây là bản gốc, bản phôi, bên tôi cung cấp cho các cơ quan chức năng thành phố nên không đóng dấu đỏ. Các cơ quan chức năng trên thành phố yêu cầu gửi cho người ta bộ hồ sơ cho nên không đóng dấu đỏ. Photo ra nên không thể đóng ngược lại”.
Còn về vấn đề tống đạt cho người dân quyết định sai chủ thể, lãnh đạo phường cho rằng đó là sự sơ xuất của bộ phận giúp việc.
Ông Bùi Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND phường Hữu Nghị trả lời PV. |
Nghị định 37/2005/NĐ-CP của Chính phủ Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tại Điều 6 cũng nêu rõ: “Quyết định cưỡng chế hành chính bao gồm những nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ (cấp bậc), đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện; cơ quan được giao chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm phối hợp; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.”. Đối chiếu với quy định này, Quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND phường Hữu Nghị đã bỏ qua nhiều nội dung cơ bản. Tuy nhiên, lãnh đạo phường vẫn khẳng định: Không có luật nào quy định phải như vậy cả.
Chất vấn về một công trình xây dựng được cho là của một cán bộ công an phường đã nghỉ hưu, tồn tại khá khang trang ngay gần công trình bị phá dỡ, vị Chủ tịch UBND Phường Hữu Nghị lúng túng đổ lỗi cho sự thiếu quan sát của thuộc cấp. “Chúng tôi không biết, không thấy. Có lẽ do anh em trong đội trật tự đô thị đi kiểm tra không hết” – ông Chủ tịch phường nói.
Được biết, gia đình ông Đào Mạnh Thịnh lên khai hoang ở Hòa Bình đã khá lâu. Gia đình ông đã bỏ nhiều công sức để bồi đắp khu đất hoang thành một nền móng ổn định. Hiện nay, phần đất này đã thuộc Dự án Phát triển khu công nghiệp bờ trái sông Đà của tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên khi thu hồi đất, gia đình ông đã không được đền bù công sức một cách thỏa đáng. Trong khi đang bức xúc vì công sức mấy chục năm trời của cả gia đình không được công nhận, việc cưỡng chế thiếu nguyên tắc của UBND phường Hữu Nghị càng làm cho gia đình ông bức xúc chồng bức xúc./.