Mộ mẹ chưa xanh cỏ, con đã lôi nhau ra tòa
Người mẹ có hai đời chồng. Với người chồng trước, bà sinh được cô con gái là Đỗ Thị Thanh (nay 42 tuổi, ngụ phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cuộc hôn nhân đứt gánh giữa đường, bà gá nghĩa với người chồng sau và sinh hạ được một trai là Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Thị Hồng.
Người phụ nữ kém may mắn, chẳng bao lâu sau lại phải một mình nuôi con. Sự tảo tần của người mẹ được đền đáp khi các con mạnh khỏe. Bà lại tậu được thửa đất rộng gần 900m2 tọa lạc tại đường Tùng Thiện Vương, phường Vỹ Dạ, TP Huế.
Năm 2012, đang mạnh khỏe người mẹ đột ngột bị bệnh rồi qua đời, không để lại di chúc. Cô chị cả đã lấy chồng ra ở riêng hơn hai mươi năm. Cô em út sau khi mãn tang mẹ cũng đi lấy chồng. Nhà đất của người mẹ tạo lập do người con trai đã hơn 30 tuổi, nhưng chưa có vợ con, quản lý, sử dụng. Ngôi nhà ấy cũng là nơi thờ cúng mẹ.
Tuy nhiên, mẹ chết mồ chưa xanh cỏ, hương trên bàn thờ chưa lạnh, thì người chị cả đã đâm đơn ra tòa, đòi chia. Cuối tháng 7/2014, TAND TP Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chia thừa kế.
Vị trí mảnh đất xưa kia thuộc diện “khỉ ho cò gáy”, không đáng bao tiền. Nhưng với sự đô thị hóa, đất mỗi ngày một tăng giá vùn vụt, thửa đất trở thành miếng đất vàng.
Minh họa - Internet |
Em tố chị, cãi cả tòa
Phòng xét xử chỉ có ba chị em và đứa con trai của chị Thanh “tháp tùng” mẹ. Chị Thanh ngồi trong cùng, mặt lúc nào cũng có vẻ vênh vênh như thách thức. Anh Vinh ngồi ngoài cùng, mặt mày hằm hằm tức giận.
Trong lúc chị Thanh trình bày những yêu cầu của mình, người em trai liên tục ném những cái nhìn tức tối về phía chị. Anh Vinh không chấp nhận yêu cầu chia nhà đất mà người chị đưa ra, cho rằng đơn kiện của chị Thanh là “vớ vẩn”. Trước hội đồng xét xử, anh Vinh hằm hằm tố cáo chị: “Bà ta có dấu hiệu liên quan đến cái chết của mẹ tôi, để được nhanh chia tài sản”.
Theo lời anh Vinh, lợi dụng lúc người mẹ bị bệnh, chị gái mình đã cấu kết với vị bác sỹ có mối quan hệ quen biết với phía bên nội chị Thanh kê đơn những thứ thuốc mà người mẹ uống vào không khỏi bệnh mà càng nhanh chết. Tuy nhiên, những lời tố cáo của anh Vinh không được xem xét đến vì không chỉ vô căn cứ, mà còn không thuộc phạm vi vụ án thừa kế. Vị thẩm phán đề nghị nếu có chứng cứ, anh Vinh nên cung cấp cho cơ quan công an.
HĐXX đã đưa ra nhiều cách phân chia tài sản. Hoặc người này nhận nhà đất thì phải có trách nhiệm thanh toán tiền lại cho những người còn lại, hoặc thửa đất sẽ được chia làm ba lô. Người nào nhận lô diện tích đất lớn hơn, trên có nhà sẽ phải thanh toán thêm tiền cho người nhận lô nhỏ hơn.
Chị Thanh yêu cầu được nhận đất. Chị Hồng nói tòa chia sao thì nhận vậy, nếu có nhận lô nhỏ hơn cũng không bắt anh trai phải đưa thêm tiền.
Riêng anh Vinh không đồng ý mọi cách chia của tòa.
Người chết chắc cũng phải buồn
Hậu phiên tòa chúng tôi tìm đến nhà chị Thanh. Ngôi nhà mấy tầng to đẹp cửa đóng im ỉm. Cổng khóa. Gọi mãi mới có một cô gái trẻ ló mặt ra từ cửa hông, bảo chị Thanh đi vắng, không có nhà. Gọi vào số điện thoại chị Thanh đưa lúc sáng, nhưng bây giờ chị lại thoái thác không muốn tiếp.
Tìm đến nhà anh Vinh cách đó không bao xa, cổng khép hờ nhưng ngôi nhà ba gian có vẻ im lìm. Khách đành đẩy cổng, đi qua khoảng sân rộng, gọi tên chủ nhân.
Ban đầu, anh Vinh bảo: “Vinh không có nhà”. Sau đó, người đàn ông này cũng chịu bước ra ngoài, nhưng không chịu tiếp chuyện. Mãi lúc lâu sau, khi hỏi từ ngày chị em đưa nhau ra tòa, chị Thanh có về nhà trong những ngày giỗ mẹ, anh Vinh mới bực tức thốt: “Nó như vậy rồi, còn về đây làm gì nữa?”
Khi hỏi vì sao người mẹ đang ở với con trai, nhưng khi bị ốm con gái lại đưa đi chữa trị… anh Vinh tỏ ra kín tiếng không “tiết lộ” với người ngoài. Trong những lần cãi cọ nảy lửa, không lần nào chị cả hay em trai “tranh giành” đã có công chăm sóc mẹ. Người mẹ dù đã khuất, nhưng có lẽ cũng phải đau đớn đến tột cùng khi linh hồn của bà chứng kiến cảnh những đứa con của mình sẵn sàng chửi nhau đến thậm tệ chỉ để tranh giành miếng đất bà để lại.
Tòa hoãn tuyên án vì có sự thay đổi trong yêu cầu của đương sự. Trong thời gian này, không biết những người là chị, là em có kịp nhìn lại cách đối nhân, xử thế của mình
(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)