Quan chức Mỹ: TQ hành động 'nguy hiểm, đe dọa hòa bình'

Bà Marie Harf trong buổi họp báo
Bà Marie Harf trong buổi họp báo
(PLO) - "Việc TQ đưa giàn khoan nước sâu vào và tầu hộ vệ vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của VN là hành động mang tính khiêu khích, đe doạ tới an ninh ở khu vực". Đó là khẳng định của Bà Marie Harf, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc họp báo về chính sách đối ngoại của Mỹ tại thủ đô Washington DC vào rạng sáng ngày 9/5 theo giờ Hà Nội.
Mỹ phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc
Cuộc họp báo tập trung về nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ, với sự tham gia của gần 100 phóng viên quốc tế, nhưng ngay từ đầu đã nóng lên với các câu hỏi liên quan đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông sau những hành động được cho là đơn phương và khiêu khích của TQ.
Tuyên bố của bà Marie Harf là sự tiếp nối của một loạt các phát ngôn được coi là cứng rắn từ phía chính phủ Mỹ sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào định vị tại thềm lục địa của Việt Nam hôm 1/5 vừa qua. Như vậy, trong 3 ngày qua, đại diện chính quyền Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng những hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông, coi đó là mối đe doạ đối với an ninh khu vực.
Phóng viên Việt Nam: Về xung đột tại Biển Đông, từ góc độ luật pháp quốc tế, Chính phủ Mỹ nhìn nhận như thế nào về hành động gần đây của Trung Quốc, cụ thể là việc Trung Quốc đưa dàn khoan nước sâu và tàu vũ trang vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Mỹ đã nói đi nói lại là có quyền lợi trong việc duy trì hoà bình ổn định và tự do hàng hải tại Biển Đông. Vậy nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động mà Chính phủ Mỹ gọi là khiêu khích như vừa rồi thì chính phủ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?
Bà Marie Harf, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ: Khi chúng ta nói tới các hành động đơn phương của Trung Quốc, mà gần đây nhất là việc triển khai giàn khoan và các tàu hộ vệ, thì nó cho thấy một bức tranh tổng thể là Trung Quốc đang thúc đẩy các tuyên bố về chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp. Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ đối với khu vực đang tranh chấp theo một cách nguy hiểm, đe doạ đến hoà bình và ổn định của khu vực. Và đó chính xác là cái anh đang hỏi.
Mỹ đặc biệt quan ngại về tình hình hiện nay ở biển Đông vì hoà bình và ổn định ở khu vực này là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi cho rằng các tuyên bố tranh chấp về chủ quyền phải được xử lý một cách hoà bình. Những hành động như thế này của Trung Quốc sẽ làm thay đổi cục diện và tương quan trên thực địa không phù hợp với luật pháp quốc tế và đe doạ đến hoà bình và an ninh của khu vực.
Tôi biết rằng tại khu vực Thái Bình Dương còn nhiều tranh chấp về biển đảo, đặc biệt là tại khu vực Hoàng Sa. Sự cố vừa rồi xảy ra tại vùng nước mà Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Và sự kiện này càng cho thấy rõ hơn yêu cầu các bên tuyên bố chủ quyền cần chứng minh tuyên bố của mình dựa trên luật pháp quốc tế.
Chúng ta có các cơ chế để xử lý các tranh chấp, để không tiến hành các hành động dẫn đến nguy cơ leo thang. Chúng ta phải có sự đồng thuận về chuẩn mực trong hành động ở các vùng nước có tranh chấp này. Và chúng ta cần hợp tác với nhau.
Điều nước Mỹ quan tâm, đó là tự do đi lại, và đó là điều là tối quan trọng. Do đó cách hành xử của các quốc gia trong việc hiện thực hoá các tuyên bố chủ quyền của mình sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cách hành xử của Mỹ tại khu vực đó.
Không phải trò chơi thắng thua
Phóng viên Trung Quốc: Tôi là phóng viên của China Daily. Người ta vẫn tin rằng chuyến đi châu Á của Tổng thống Obama có một thông điệp theo hướng khuyến khích các nước như Philippines hay Việt Nam có thái độ đối đầu với Trung Quốc nhiều hơn. Quan điểm của bà như thế nào?
Bà Marie Harf: Anh hỏi quan điểm về vấn đề gì cơ?
Phóng viên Trung Quốc: Về vấn đề Biển Đông. Tôi muốn hỏi nữa là Mỹ làm sao có thể đảm bảo sự cân bằng giữa duy trì quan hệ tốt với với Trung Quốc trong khi củng cố quan hệ đồng minh trong khu vực. Và nếu có thể, xin nói thêm về tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc - Việt Nam tại Biển Đông?
Bà Marie Harf: Tôi nghĩ rằng thông điệp quan trọng nhất Tổng thống Obama mang đến châu Á mà chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh là nước Mỹ muốn tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, dù là 2 khu vực khác nhau, xử lý các tranh chấp một cách hoà bình. Nước Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền. Nhưng các nước cần hợp tác với nhau. Điều quan trọng là các nước cần thống nhất về quy tắc ứng xử. Và rõ ràng, điều quan trọng là cần xử lý các tranh chấp này thông qua các nguyên tắc mà chúng ta đã thống nhất. Chúng tôi hợp tác với tất cả các nước theo nguyên tắc đó.
Về quan hệ Mỹ - Philippines, kết quả được thông báo sau chuyến đi của tổng thống Obama là chúng tôi đã nâng cấp Hiệp ước an ninh Mỹ - Phi. Thực chất đó là hiện đại hoá quan hệ đồng minh. Xin nhắc lại, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết một cách hoà bình. Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền và muốn thấy các tranh chấp này được xử lí một cách hoà bình.
Câu hỏi tiếp theo của anh về vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Chúng tôi đã vài lần đưa ra thông cáo về chuyện này. Trong các thông cáo, chúng tôi đã nói rõ rằng về quyết định của Trung Quốc trong việc triển khai giàn khoan cũng như đưa theo các tàu hộ vệ là hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng. Và đó là hành động mà Mỹ không muốn bất cứ nước nào thực hiện.
Chúng tôi không muốn bất cứ ai có hành động khiêu khích để rồi có thể dẫn tới những quyết đinh sai lầm.Vì vậy Mỹ khuyến khích các nước, trong trường hợp này là Trung Quốc, không nên thực hiện những hành động như gần đây. Chúng tôi cũng không muốn thấy những hành động đe doạ sự tự do đi lại của tàu bè ở khu vực đó, vì đó cũng là hành vi khiêu khích. Đây không phải là trò chơi có thắng có thua. Chúng tôi tin rằng có thể hợp tác với Trung Quốc và cần có quan hệ đối tác tốt với Trung Quốc.
Các bạn có thể thấy Tổng thống Obama đã rất nỗ lực ở cấp cao để tạo ra quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung Quốc để cùng nhau tiến về phía trước, rõ ràng quan hệ đồng minh của Mỹ trong khu vực là động cơ để Mỹ làm điều này. Những việc này không loại trừ nhau. Mỹ có thể thực hiện tất cả mục tiêu này cùng lúc.
Phóng viên Trung Quốc: Bà có ý kiến như thế nào về việc các tàu Việt Nam quấy rối giàn khoan của Trung Quốc?
Bà Marie Harf: Việc TQ quyết định triển khai giàn khoan, trên hết mới chính là hành động mà chúng tôi gọi là khiêu khích. Chúng tôi không muốn quốc gia nào có các hành động khiêu khích và trả đũa tại khu vực. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi cho rằng bước đi này của Trung Quốc là một hành động rất nguy hiểm vì nó có thể gây ra những tính toán sai lầm, gây ra những hàng động khiêu khích hơn nữa và có thể dẫn đến leo thang.
Điều Mỹ muốn ở Biển Đông hoàn toàn ngược lại, tức là là các tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình.
Phóng viên Việt Nam: Dường như chính quyền Obama đang phải tập trung vào rất nhiều điểm nóng trên thế giới, đặc biệt đối phó với với những diễn biến tại Ukraine. Vì thế giờ người ta lo ngại Trung Quốc có thể có những hành vi leo thang hơn nữa. Vậy Mỹ sẽ có hành động như thế nào để ngăn cản những động như vậy?
Bà Marie Harf: Hiện tại tôi chưa có dự báo gì về việc Mỹ sẽ làm hoặc không làm để đáp trả những hành động của Trung Quốc. Nhưng có những nguyên tắc mà chúng tôi vẫn nhất quán từ trước tới nay. Khi bức tranh tổng thể về cách hành xử của Trung Quốc đã dần hiện ra thì chúng tôi vẫn tiếp tục nguyên tắc này đó là thúc đẩy Trung Quốc giải quyết những vấn đề thông qua các cơ chế đã có. Đó là luật pháp quốc tế, không được tiến hành các hành động khiêu khích.
Chúng tôi sẽ lên án bất cứ bên nào, trong đó có Trung Quốc nếu họ có cách hành xử như vậy. Nhưng chúng tôi cũng hợp tác trực tiếp với chính phủ Trung Quốc và thúc đẩy họ giải quyết vấn đề một cách hoà bình. Mỹ và Trung Quốc có nhiều lĩnh vực hợp tác, nhưng trong tất cả các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc chúng tôi đều nhắc tới vấn đề này.
Làm thế nào để chúng ta có thể giải quyết các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông, và làm sao các nước trong khu vực có thể hợp tác với nhau. Đó là điều chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại chuyện đó trong các cuộc gặp. Mà chúng tôi đề cập điều này với tất cả nước liên quan trong khu vực chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Chúng tôi vẫn làm theo hướng đó. Nhưng đây không phải là câu chuyện của Mỹ, mà là câu chuyện các nước trong khu vực phải ngồi với nhau để cùng giải quyết./.
(Từ Washington DC, Hoa Kỳ)

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.