Từ ngày 1/5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 và nhiều tàu tới hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam. Đây được xem là một trong những bước đi khiêu khích nhất của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước khác.
Việt Nam đã lên án việc Trung Quốc thiết lập giàn khoan dầu ở vùng biển Đông và tuyên bố Trung Quốc đang khai thác dầu trên lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời yêu cầu công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc di dời giàn khoan.
Theo các nhà quan sát, động thái của Trung Quốc là để đáp trả chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Á mới đây. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Obama đã trấn an các các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines rằng Mỹ sẽ ngăn cản hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc.
Bình luận về diễn biến này, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết phía Mỹ đang xem xét vụ việc một cách thận trọng. “Với các căng thẳng từng xảy ra ở biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực” – bà Jen Psaki nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng những sự kiện này chỉ ra sự cần thiết đối với các bên có tuyên bố chủ quyền trong việc làm rõ các tuyên bố của mình phù hợp với khuôn khổ luật pháp quốc tế và đạt được một thỏa thuận về các hoạt động có thể cho phép trong các khu vực tranh chấp. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ chuyên trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cũng cho biết Mỹ đang xem xét vụ việc, nhưng thúc giục các bên kiềm chế.
Theo Reuters, Trung Quốc thường xuyên cử tuần tra vào vùng biển Đông nhưng thành phần chủ yếu là cảnh sát biển và lực lượng bảo vệ dân sự hàng hải chứ không phải là hải quân. Các nhà quan sát cho rằng, việc cử một số lượng lớn binh lính đến “tuần tra” ở vùng biển đang xảy ra tranh chấp chẳng khác nào hành động khiêu khích, làm cho tình hình càng leo thang.
Tạp chí Foreign Policy dẫn lời ông Mike McDevitt – một cựu đô đốc và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu chiến lược tại quỹ nghiên cứu CNA Corporation – cho hay, việc triển khai giàn khoan là một trong những động thái của Trung Quốc nhằm từng bước tăng cường kiểm soát khu vực. “Đây sẽ là một trong những bước tiến nhỏ của Trung Quốc mà theo thời gian sẽ dần thay đổi hiện trạng” – ông Mike McDevitt nhận định. Còn nhà nghiên cứu về biển Đông Ian Storey cho rằng về việc đưa một công trình lớn như giàn khoan HD-981 vào vùng biển đang tranh chấp là một hành động có thể đưa đến “một kịch bản nguy hiểm”.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, động tác mới nhất này nằm trong chiến lược cứ tiếp tục lấn tới của Trung Quốc, với những chiêu bài khiêu khích để thăm dò động tác của các nước tranh chấp và qua đó, tiếp tục thể hiện tham vọng thôn tính biển Đông.
Một lý do khác nữa khiến Trung Quốc đưa giàn khoan ra biển Đông trong thời điểm này là muốn lèo lái sự chú ý của dư luận sang hướng khác, khi tình trạng khủng bố tại Tân Cương của nước này ngày càng tăng trong thời gian qua, đe dọa đến an ninh của họ. Với việc đưa giàn khoan ra biển Đông và việc báo chí Trung Quốc lớn giọng đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”, Trung Quốc muốn lái hướng dư luận ra vấn đề biển Đông, thay vì những bất ổn nội bộ.
Cảnh sát Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc
Reuters đưa tin, cảnh sát Philippines ngày 7/5 tuyên bố đã bắt giữ 1 tàu cá và 11 ngư dân Trung Quốc hoạt động đánh bắt cá trái phép trên vùng biển đang tranh chấp thuộc biển Đông. Trên tàu có khoảng 500 con rùa. Cảnh sát Philippines cho biết, tàu đánh cá này đã được hộ tống đến đảo Palawan. Các ngư dân Trung Quốc sẽ bị buộc vào các tội danh phù hợp.