Một câu lỡ lời, cả nhà mang tiếng
Ông Bình (ngụ ấp Phú Thành A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) vốn hiền lành, cao ráo, khỏe mạnh nên khá đào hoa. Ông có tới 3 đời vợ. Người vợ thứ ba sinh tới sáu người, chưa kể một con riêng với chồng cũ. Nhưng sau khi sinh nhiều con cái, vợ chồng ông vẫn không tìm được tiếng nói chung. Người con út ra đời năm 1990 chưa đầy năm, vợ ông đã dứt áo ra đi, bỏ về quê ngoại ở Bạc Liêu.
Ông Bình âm thầm một mình hành nghề cắt tóc dạo, bán vé số tần tảo mưu sinh nuôi sáu đứa con. Các con ông Bình dần lớn khôn và ra đời tự kiếm sống.
Chị Hiệp ấm ức kể lại nguồn gốc nỗi oan. |
Năm 2001, chị Huệ (con gái thứ 4 của ông - bị tâm thần từ nhỏ) bất ngờ mang thai. Người nhận ra dấu hiệu bất thường chính là chị Trần Thị Hiệp (33 tuổi), người thường xuyên kề cận, chăm sóc cho chị gái.
“Chị tôi chỉ thích ăn chua, ăn gì cũng nôn ói ra. Tôi nghe nhiều người nói đây là dấu hiệu của phụ nữ mang thai nên lo lắng vô cùng. Chị tôi bệnh tật, rõ ràng là có kẻ xấu hãm hại làm chị có thai”, chị Hiệp kể.
Ấp ủ những lo lắng bao nhiêu ngày mà không biết kể với ai, chị Hiệp đánh liều thưa chuyện với cha. Ông Bình tức tối hay tin đã quát ngang, cho rằng con gái nói sai, bảo để từ từ theo dõi.
“Cha tôi sợ để cho bà nội biết sẽ buồn và lo lắng sinh bệnh tật. Nhưng tôi nghĩ mà lo, nếu không sớm đưa chị đi khám để có phương án cụ thể thì cái bụng càng ngày càng lớn. Những chuyện rắc rối sẽ nảy sinh càng nhiều. Tôi năm lần bảy lượt khuyên cha tôi, nhưng ông không đồng ý đưa chị đi khám”, lời chị Hiệp.
Đến khi cái thai trong bụng người chị gái tâm thần ngày càng lớn, chị Hiệp cương quyết thưa với cha để mình đưa chị gái đi khám. Ông Bình vẫn không đồng ý, lý do sợ bà nội biết và hàng xóm dị nghị.
Chị Hiệp sau một hồi năn nỉ cha không được thì lỡ lời nói: “Cha không làm gì để chị có thai thì việc gì phải sợ. Nếu không bỏ đứa bé thì mình để nuôi chứ việc gì phải sợ”.
Ông Bình nghe con gái nói lỡ lời, đã tức giận rượt đánh con cho hả dạ. Hàng xóm nghe cha con ông Bình lùm xùm thì kéo qua coi. Nhiều tiếng xì xầm bàn tán câu nói của người con gái khiến ông Bình thêm đau đớn.
Sau sự cố vạ miệng đó, không khí nặng nề luôn đè nặng trong lòng mỗi thành viên trong gia đình ông Bình. Những người con khác bỏ đi tha phương làm ăn, chỉ còn lại ông và hai người con gái trên. Rồi người con gái tâm thần sinh con.
Đứa bé không biết mặt cha ra đời trong lặng lẽ và miệng đời ác nghiệt. Mẹ đứa trẻ vẫn vô tư như thường, gánh nặng đè trên vai ông Bình và chị Hiệp. Những tiếng đồn ác ý rồi cũng lắng dần, cậu bé ngày nào nay đã tròn 13 tuổi.
Bị tố oan “ngược đãi, ăn nằm với cha”
Đầu năm 2013, trong một lần đi đám cưới xa, ông Bình không may bị thương nặng do tai nạn giao thông. Sau khi tích cực chạy chữa từ khoản đền bù của phía nhà xe gây tai nạn, ông Bình trở về nhà với tâm trí thay đổi, không còn nhận biết được sự việc, thường xuyên quấy phá con cái.
Ông Bình sau khi bị tai nạn giao thông đã mất nhận thức, mọi sinh hoạt do con gái chăm sóc. |
Trước tình hình đó, chị Hiệp phải bỏ công việc dang dở ở Bình Dương về chăm cha và người chị gái tâm thần. Nhưng sự hi sinh của chị lại bị dư luận đàm tiếu, chỉ trích.
Câu chuyện bắt đầu từ ngày ông Bình xuất viện về nhà. Một đêm nọ, ông Bình nằm ngủ trên giường, chị Hiệp nằm trên chiếc ghế bằng vải bố đặt kế bên để dễ bề chăm sóc cha. Nửa đêm, ông Bình thức giấc đi vệ sinh, do không có ý thức nên “đi” ngay trên chiếc ghế nơi con gái đang nằm.
Chị Hiệp thức giấc, lo cho cha đi ngủ xong thì không thể nào ngủ được trên chiếc ghế ướt nên lên giường nằm cạnh cha. “Nhà toàn nền đất lởm chởm. Có còn chỗ nào để tôi nằm nữa đâu. Mà tôi phải túc trực bên cha để lỡ đêm có việc gì. Tôi lên giường nằm cạnh cha, mỗi người mỗi chiếc mền, mạnh ai nấy ngủ.
Vậy mà sáng hôm sau, có người bà con qua thăm sớm nhìn thấy tôi ngủ trên giường cha thì la toáng lên tôi ăn nằm với ông cụ. Cha tôi thì có biết gì đâu mà phản ứng, tôi nghe mà uất ức trong lòng”, chị Hiệp trình bày.
Giận người đời độc miệng
Từ lần đó, mỗi lần chị Hiệp tắm rửa, thay tã, áo quần cho cha đều bị nhiều người xung quanh soi mói. Chị uất ức không biết bày tỏ cùng ai nhưng vì thương cha lại cắn răng chịu đựng tai tiếng. Trong khi đó, tâm trí của ông Bình ngày càng khó kiểm soát, thường phá phách đồ đạc, không chịu ăn uống khiến công việc chăm sóc càng khó khăn.
Chị Hiệp vừa lo cho cha, vừa lo cho người chị tâm thần, khó khăn lại nhân lên gấp bội. Trong mấy anh chị em, cũng chỉ được vài người khá khẩm, hàng tháng gửi tiền về phụng dưỡng cha.
Mới năm rồi, để thuận tiện cho việc chăm sóc cha, chị Hiệp và anh em bàn bạc xây cho ông Bình một căn phòng nhỏ, vừa sạch sẽ vừa an toàn cho ông. Căn phòng được thiết kế riêng có chỗ để cột tay ông Bình lại để khi cho ăn, tắm rửa, thay tã, ông khỏi quậy phá.
Hàng ngày chị Hiệp chăm sóc cha cẩn thận, tối đến để cha nằm giường, chị nằm dưới đất để phòng khi cha cần. Một thời gian, bệnh tình ông Bình trở nặng, nhiều lúc ông ngồi trên giường cứ thế chúi đầu xuống đất, mở cửa ra khỏi phòng đi đến đâu chúi đầu xuống đấy. Chị Hiệp lo cha không an toàn nên để ông nằm dưới nền nhà, mình cũng nằm kề bên.
“Tôi còn có cách nào nữa đâu. Chị em đi xa hết, chỉ mình tôi chăm cho cha từng chút một. Người đời không thông cảm thì thôi lại ác miệng bảo tôi ngược đãi, nhốt cha trong phòng”.
Ông Nguyễn Văn Chín, trưởng ấp Phú Thạnh A xác nhận, khoảng tháng 3/2015, ông Trần Văn Tám (65 tuổi, ngụ cùng địa phương) là em ruột của ông Bình làm đơn tố cáo chị Hiệp nhốt anh trai mình. Chính quyền xác minh đơn tố cáo của ông Tám không có cơ sở.
Sắp tới, ấp dự định sẽ tổ chức họp dân để giải quyết triệt để việc tố cáo. Ngoài ra, việc một số người dân vốn có mâu thuẫn với chị Hiệp đồn đại chị ăn nằm với cha, chính quyền cũng sẽ giải thích rõ ràng để cha con ông Bình sống yên ổn./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com