Đến ngày 31/10/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) có Quyết định số 4145/QĐ-BGTVT phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án TL – MT giai đoạn I… Bất chấp việc thiếu nhiều cơ sở pháp lý quan trọng, chủ đầu tư vẫn tiến hành làm Lễ khởi động dự án (DA), và hiện nay DA gặp trở ngại, đứng trước nguy cơ tan vỡ vì nhiều sai phạm nghiêm trọng đang xảy ra tại đây.
Khởi động dự án khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư!
Dự án TL – MT có vốn đầu tư hơn 14.600 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT bởi một liên danh do Bộ GTVT phê duyệt kết quả chỉ định gồm 6 nhà đầu tư (NĐT) : Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh; Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi; Công ty CP Hoàng An; Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII và Công ty CP Đầu tư Xây dựng BMT.
Các NĐT thống nhất Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đứng đầu liên danh, làm các thủ tục pháp lý để thành lập ra Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (Cty TL - MT), cử ông Phan Anh Dũng làm Giám đốc, đại diện trước pháp luật. Tính đến ngày 26/6/2015, theo yêu cầu của Bộ GTVT thì các NĐT đã góp được 1.408/1.542 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đạt 91,29%.
Tuy nhiên do sự điều hành kém, cũng như việc Ban Giám đốc làm sai một số quy định, nên việc triển khai DA bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn do giải phóng mặt bằng trên hiện trường không thực hiện được, không thu xếp được vốn tín dụng cho DA… Đặc biệt, một cơ sở pháp lý quan trọng nhất để DA hoạt động đúng pháp luật là bắt buộc phải có Giấy Chứng nhận đầu tư (Giấy CNĐT), nhưng đến thời điểm này DA vẫn chưa được cấp!
Ngày 21/9/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH–ĐT) có Công văn số 6686/BKHĐT-GSTĐĐT đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư giải trình, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ nhiều vấn đề nếu muốn được cấp Giấy CNĐT, đồng thời Công văn cũng chỉ rõ Dự án TL –MT được khởi công từ ngày 7/2/2015 là chưa phù hợp với quy định hiện hành! Những vi phạm trên khiến NĐT nản lòng, mất niềm tin, cụ thể là Công ty CP Hoàng An vừa đề nghị không tham gia DA nữa, xin rút vốn, nhưng liệu vốn có còn để mà rút !?
"Rút ruột" vốn chủ sở hữu bằng hợp đồng không có cơ sở pháp lý!
Một số NĐT và Ban Kiểm soát Cty TL – MT cho rằng việc quản lý, điều hành của ông Dũng có nhiều điều khó hiểu, bất cập và vi phạm nguyên tắc quản lý, nhất là quản lý về tài chính ! Số tiền các cổ đông góp làm vốn chủ sở hữu nhằm để Cty lấy làm căn cứ xúc tiến các thủ tục tiếp theo như trình Bộ KH–ĐT cấp Giấy CNĐT, đàm phán với ngân hàng để được hợp đồng tín dụng nhằm có tiền triển khai DA…
Nhưng Ban Giám đốc Cty TL – MT đã tự ý chỉ định và ký kết nhiều hợp đồng xây lắp (HĐXL) có giá trị lớn để hợp thức hóa và giải ngân tạm ứng cho “đối tác” với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng HĐXL số 09/HĐXD–BOT/TL–MT ký ngày 22/6/2015, Ông Dũng đã ký chi tạm ứng 2 lần lên đến 480 tỷ đồng!
Thực tế, việc ký kết các hợp đồng và chi trả như vậy là hoàn toàn không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành vì : Kế hoạch đấu thầu hoặc chỉ định thầu chưa được phê duyệt bởi Hội đồng Quản trị (HĐQT). Nếu áp dụng phương án chỉ định thầu thì phải lập hồ sơ chỉ định thầu gồm : hồ sơ yêu cẩu, hồ sơ để xuất, sau đó lập Hội đồng xét, kết quả được báo cáo Bộ GTVT biết, rồi trình HĐQT phê duyệt kết quả chỉ định thầu, kèm theo Dự thảo hợp đồng.
Ngoài ra, DA chưa có hợp đồng tín dụng và Nghị quyết về việc sử dụng vốn; mặt khác vốn chủ sở hữu chỉ để đối ứng khi vay ngân hàng, không được rút ra sử dụng tùy tiện (nếu có sử dụng thì phải được HĐQT thông qua, được Bộ GTVT đồng ý, nhưng chỉ sử dụng một tỷ lệ giới hạn mà thôi). Dựa vào những nguyên nhân và phân tích trên, có thể khẳng định việc tự ý chỉ định và ký kết, giải ngân những HĐXL của Cty là hoàn toàn sai phạm, không dựa trên cơ sở pháp lý !
Khi nào quyền lợi của cổ đông mới được bảo vệ?
Phát hiện những vi phạm trên, Ban Kiểm soát Cty TL – MT có Báo cáo số 111/2015/BC–BKS gửi đến Lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý DA hạ tầng giao thông Cửu Long (TCty Cửu Long) – Cơ quan quản lý Nhà nước đại diện cho Bộ GTVT, các cổ đông để thông báo thực trạng, cũng như cảnh báo “việc giải ngân như trên vi phạm nguyên tắc và mục đích quản lý sử dụng vốn, dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn sai mục đích, thất thoát vốn làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện DA”.
Cần lưu ý rằng, trong liên danh có Cty CP Cầu đường CII là doanh nghiệp Nhà nước. Tuy các NĐT nhiều lần yêu cầu Giám đốc và Kế toán trưởng Cty TL–MT giải trình, nhưng đến nay họ chưa nhận bất cứ phản hồi nào từ những người có trách nhiệm ! Họ cũng đề nghị triệu tập gấp cuộc họp Hội đồng sáng lập, nhưng nguyện vọng chính đáng này vẫn không được đáp ứng !
Chiều 28/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp để kiểm điểm DA. Ông Thể đã cảnh cáo HĐQT, Ban Giám đốc Cty TL–MT; TCty Cửu Long và phê bình Sở GTVT Tiền Giang vì để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện DA. Ông Dũng thừa nhận giải ngân hơn 500 tỷ đồng cho các HĐXL mà không thông qua NĐT.
Thứ trưởng Thể yêu cầu đến ngày 15/10/2015, HĐQT Cty TL – MT phải ký Quy chế hoạt động và làm rõ những khúc mắc về tài chính, nếu không giải quyết dứt điểm những lùm xùm trên, Bộ GTVT sẽ giao đơn vị khác thực hiện DA.
Nhiều sai phạm xảy ra tại một DA lớn như vậy, dư luận và các NĐT đang đặt dấu hỏi về vai trò giám sát, quản lý của Bộ GTVT ở DA này mà trực tiếp là TCty Cửu Long. Riêng một số NĐT đang lo lắng không biết số tiền 500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu bị giải ngân đang được sử dụng như thế nào, có bị chiếm đoạt hoặc thất thoát hay không? Và đến khi nào quyền lợi của các cổ đông mới được bảo vệ, khi nào các cơ quan chức năng mới tiến hành làm rõ?