“Luật chơi” dù có, nhưng các đối tượng đang thụ hưởng trực tiếp từ chính sách cấp bù thủy lợi phí có muốn “chơi” hay không lại là chuyện khác.
Trì hoãn đấu thầu
Dường như nhìn thấy việc vận hành theo cơ chế cấp - phát thanh toán không gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” gây nên sự trì trệ, yếu kém trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, ngày 15/10/2013 khi ban hành Nghị định 130, Chính phủ đã đưa hoạt động dịch vụ thủy lợi cũng như doanh nghiệp nhà nước đang được giao quản lý khai thác các công trình thủy lợi vào“tầm ngắm” phải thay đổi “luật chơi”, bắt buộc phải chuyển sang cơ chế thị trường.
Theo đó, việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó có dịch vụ thủy lợi sẽ phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên: “đấu thầu”, “đặt hàng” rồi mới tới “giao kế hoạch”. Theo danh mục, sản phẩm dịch vụ công ích quy định tại Nghị định này cho thấy Chính phủ đã quyết “cởi trói” khi yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ quản lý khai thác các công trình thủy lợi có quy mô lớn như: công trình thủy lợi liên tỉnh, công trình thủy lợi liên huyện, công trình thủy nông kè đá lấn biển sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng. Còn các công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ, Chính phủ yêu cầu phải thực hiện theo phương thức đấu thầu.
Tuy nhiên, quy định này trên thực tế bị nhiều địa phương “coi thường” không thực hiện. Bởi theo Bộ NN&PTNT, ngoài 3 công trình lớn mà Bộ này đang quản lý khai thác là Dầu Tiếng (Tây Ninh), Bắc Nam Hà (Nam Định) và Bắc Hưng Hải (Hải Dương) thì hầu hết các công trình khác từ công trình liên xã trở lên vẫn bị các địa phương “ôm” khư khư để thực hiện theo cơ chế cũ không chịu đưa ra đấu thầu công khai theo quy định.
Trong khi trên 90% doanh nghiệp khai thác các công trình thủy lợi trên cả nước vẫn đang “câu giờ”, tiếp tục chây ỳ hoạt động theo theo phương thức giao kế hoạch, thì Hà Nội là một trong số ít địa phương được coi là mạnh dạn phân cấp và đổi mới cơ chế quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Thế nhưng, tìm hiểu của PLVN cho thấy việc đổi mới này về bản chất cũng chỉ là nửa vời khi TP.Hà Nội chỉ mới “rón rén” chuyển từ phương thức giao kế hoạch sang đặt hàng ở các công trình thủy lợi quy mô lớn, còn các công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ hơn - địa phương vẫn quyết ôm đồm khi chưa có bất cứ hướng dẫn nào để tổ chức đấu thầu như quy định của Chính phủ.
“Mồi ngon” cho tham nhũng
Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Cty Thủy lợi Sông Nhuệ (Hà Nội), trong 200 tỷ đồng lấy từ nguồn thu đặt hàng của thành phố thì 40% khoản này được lấy ra để chi tiền lương cho 1.100 cán bộ lao động, 28% cho hoạt động duy tu bảo dưỡng cho hệ thống công trình, 10% chi tiền điện, còn lại là chi cho khấu hao tài sản và hoạt động khác.
“Toàn bộ doanh thu hàng năm của Công ty, nguồn thu từ lĩnh vực kinh doanh khác không đáng kể - chỉ khoảng 3%, gần như mọi hoạt động của Cty đều phải dựa vào nguồn thu từ thành phố. Cũng như mọi doanh nghiệp, hoạt động đều muốn có lợi nhuận nhưng mở rộng ra lĩnh vực khác hoặc ra thị trường thì cạnh tranh không nổi...”- bà Hạnh thừa nhận.
Thực tế cho thấy, chậm trễ thay đổi cơ chế ngày nào thì ngày ấy ngân sách vẫn cứ phải “gồng gánh” nuôi cả bộ máy hàng ngàn con người hết sức lãng phí. Ngoài ra, với hình thức giao kế hoạch như hiện nay dẫn đến việc hạch toán kinh tế chỉ mang tính hình thức; thậm chí, các đối tượng thụ hưởng nguồn cấp bù miễn thủy lợi phí cũng rất dễ dàng khai khống để bòn rút tiền nhà nước.
Bằng chứng là hồi cuối năm ngoái, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã từng công khai hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách cấp bù miễn thủy lợi phí tại địa phương này.
Thủ đoạn thực hiện không có gì là tinh vi. Tại Chi nhánh Thủy nông Quảng Xương, hàng năm đều lập bảng kê diện tích tưới, tiêu, cấp nước, được UBND huyện Quảng Xương xác nhận nhưng không thực hiện việc ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đến các hộ dùng nước theo quy định.
Đáng chú ý, diện tích tưới, tiêu cho lúa, màu do Chi nhánh Thủy nông Quảng Xương quyết toán từ năm 2009 đến năm 2013 tăng lên so với diện tích các đơn vị đang quản lý, sử dụng lên đến hàng ngàn héc ta nhưng vẫn được các xã, hợp tác xã và chi nhánh thủy nông ký nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, trình UBND huyện xác nhận gửi về Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi sông Chu để quyết toán làm thất thoát tài sản nhà nước.
Câu chuyện ở huyện thuộc một tỉnh bắc miền Trung có lẽ không quá cá biệt trong bối cảnh mà vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành (cơ quan quản lý nông nghiệp) mờ nhạt, cơ quan cấp phát (cơ quan quản lý tài chính) không chịu trách nhiệm đến kết quả cuối cùng.
“Đổi mới cơ chế là đổi mới hai vấn đề: “luật chơi” và “sân chơi”. Nếu anh chỉ đổi luật mà sân chơi chỉ có một người thì luật này chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi cảm thấy không ổn chút nào khi ban hành chính sách ra nhưng không ai thực hiện, không thực hiện cũng chẳng bị làm sao. Lộ trình là phải đấu thầu. Đấu thầu mới có cạnh tranh. Vì sao các địa phương không chịu thay đổi cơ chế? Có thể làm như thế sẽ tốt hơn cho họ trong việc tiêu tiền nhà nước. Với cơ chế như thế thì rất dễ xảy ra làm bậy và khó kiểm soát.” - PGS.TS. Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi khẳng định.
Rõ ràng khi cơ chế “xin- cho” vẫn hiện diện thì hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước chi để hỗ trợ cho người nông dân qua kênh gián tiếp sẽ trở thành “miếng bánh thơm tho” của tiêu cực, tham nhũng.
Hỗ trợ nông dân nhưng phải qua... doanh nghiệp
“Miễn, giảm thủy lợi phí là hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân và có nguồn kinh phí để tu sửa, chống xuống cấp công trình. Nhưng phương thức chi trả theo hình thức gián tiếp (phần lớn cấp bù qua doanh nghiệp) nên chưa gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với người hưởng lợi, giảm tiếng nói, vai trò của người dân trong dịch vụ cung cấp nước”.