Trung tá Lạc nguyên là người Hà Nội vào Nam, chiến đấu qua nhiều đơn vị, sau cùng đứng chân Tuyên huấn tỉnh đội Long An. Trước chiến dịch tổng tấn công Xuân 1975, ông đứng chân ở địa bàn Tân Trụ và được biết câu chuyện về đội nữ du kích mật của xã Quê Mỹ Thạnh. Họ là những cô gái trẻ đã dũng cảm bám địa bàn bị càn quét trắng, hỗ trợ cho đơn vị bộ đội C7 E320 chống càn, đánh đồn địch, bảo vệ vùng giải phóng, chống địch giành dân lấn đất sau Hiệp định Paris.
Họ bảo đảm nguyên tắc bí mật đến mức ngay những cán bộ của huyện cũng không nắm được. Thế nên mới phát sinh nhiều phiền toái sau này.
Chiến công bị chìm vào quên lãng
Ngay sau 1975, theo chỉ đạo của Tỉnh đội Long An, ông Lạc đã chỉ đạo ông Bảy Châu là chiến sĩ của Ban Tuyên huấn về Quê Mỹ Thạnh chụp ảnh phục dựng những hoạt động của đội nữ du kích, từ việc may cờ đến trận đánh đứng chân giữ đất sau hiệp định Paris.
Sau năm 1979, ông Lạc chuyển sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế rồi về hưu ở Hà Nội. Những cán bộ C7 trực tiếp tổ chức đội du kích này cũng được điều chuyển sang chiến trường khác rồi về hưu. Chính quyền huyện Tân Trụ, xã Quê Mỹ Thạnh và cả tỉnh đội Long An là thế hệ trẻ kế thừa không biết thông tin gì về đội du kích này. Những chị du kích ngày xưa đành ngậm ngùi im lặng, không được hưởng chế độ khen thưởng gì.
Năm 1995, trong dịp kỷ niệm 30/4, trung tá Lạc quay về thăm chiến trường xưa và biết được tình trạng này. Ông nung nấu quyết tâm phải làm hồ sơ khen thưởng cho đội nữ du kích.
Ông trực tiếp gặp lãnh đạo xã, huyện nhiều lần để thuyết phục với những thông tin về đội nữ du kích mà ông biết qua đồng đội kể lại và trực tiếp chứng kiến trong giai đoạn công tác ở đây thời kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng ông không được đồng thuận.
Các cán bộ đương chức của xã và huyện đều còn quá trẻ nên không biết điều này. Một vài cán bộ lão thành của huyện thời chống Mỹ còn sót lại thì không biết gì về đội nữ du kích mật và không thừa nhận đội du kích.
Những nhân chứng là người dân hoặc ông chủ ấp của chế độ Sài Gòn từng phối hợp với đội nữ du kích giao đồn và súng của dân vệ vẫn còn sống ở Quê Mỹ Thạnh thì không đủ tiêu chuẩn chính trị để xác nhận thành tích. Những cán bộ, chiến sĩ C7 đứng chân trên địa bàn Quê Mỹ Thạnh cùng hoạt động với đội nữ du kích thì hàng chục năm qua đã trở về nguyên quán, hoặc chuyển công tác ở các địa phương khác. Thế nên tìm được người xác nhận thành tích cho đội du kích khó như “mò kim đáy biển”.
Đi khắp nơi tìm nhân chứng
Không nản chí, với vai trò là trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Hà Nội chiến đấu ở Long An, Trung tá Lạc kết nối quan hệ với các cựu chiến binh các tỉnh phía Bắc để truy tìm những cán bộ C7 đã trực tiếp xây dựng và chỉ đạo đội nữ du kích mật này.
Mất thêm nhiều năm tìm kiếm, ông tìm được thông tin có cựu chiến binh E320 tên Nguyên ở Vĩnh Phúc. Ông lặn lội tìm lên Vĩnh Phúc nhưng hóa ra đó là ông Ngô Thái Nguyên Phó chính ủy E320.
Phải mất nhiều năm sau, Trung tá Lạc mới tìm được ông Đinh Văn Nguyên là chính trị viên phó C7 ở tận Thanh Hóa. Từ Hà Nội, ông Lạc đã đi vào Thanh Hóa tìm ông Đinh Văn Nguyên, người đã lập đội nữ du kích mật để phối hợp với C7 hoạt động chiến đấu.
Từ đầu mối này, ông Lạc còn tìm ra thêm cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa ở Bắc Giang, ông Bảy Thành ở Cao Lãnh, cũng là những cựu chiến binh C7 cũng từng trực tiếp chiến đấu cùng với đội nữ dung kích.
Một nhân chứng khác là ông Tư Như, y tá C7, người đã nhiều lần gắn bó với đội nữ du kích tải thương, nuôi giấu thương binh. Theo thủ tục, ông Lạc nhờ các cựu chiến binh này làm giấy xác nhận quá trình công tác của đội nữ du kích.
Kỷ niệm 30/4 năm 2000, 2005, ông Lạc lại vào Long An mang theo các hồ sơ xác nhận, tiếp tục thuyết phục chính quyền địa phương công nhận làm thủ tục khen thưởng cho đội nữ du kích nhưng vẫn bất thành.
Năm 2010, ông Lạc vận động hơn 200 cựu chiến binh miền Bắc về thăm Long An, trong đó có cả ông Đinh Văn Nguyên và các cựu chiến binh C7 đã từng trực tiếp chiến đấu ở Quê Mỹ Thạnh trước đây.
Ông đề xuất với Tỉnh đội Long An tổ chức cuộc tọa đàm ngay tại xã Quê Mỹ Thạnh. Cuộc gặp mặt ý nghĩa giữa những đồng đội từng sống chết có nhau là cuộc đoàn viên đầy nước mắt. Họ nhắc lại với nhau chuyện từng cùng đi băng đồng vượt rào vào đồn địch, chuyện chia sẻ từng miếng cơm hạt gạo, ôn lại dấu tích từng căn hầm bí mật, từng công sự chiến đấu.
Với những nhân chứng, những cựu chiến binh người thật việc thật, nhất là với ông Đinh Văn Nguyên từng có thời gian làm Chánh Văn phòng huyện ủy, chính quyền Tân Trụ đã chuyển biến, chấp nhận làm thủ tục.
Năm 2014, các thành viên của đội được công nhận người có công theo chế độ 290. Sự thừa nhận dù là muộn màng, chế độ đãi ngộ dù chưa cao, nhưng cũng giúp những nữ du kích ngày xưa được an ủi phần nào.
Trung tá Lạc đi làm hồ sơ khen thưởng cho đội nữ du kích mật và Má Ba Cơm Nguội (ảnh chụp tháng 5/2015 trên sông Vàm Cỏ) |
80 tuổi vẫn tiếp tục miệt mài lo cho người đã khuất
Không dừng lại đó, sau đó ông Lạc lại cùng đoàn cựu chiến binh vào thăm chiến trường xưa, gặp mặt các nữ du kích, hỗ trợ họ làm thủ tục khen thưởng huân chương kháng chiến cho toàn đơn vị. Không chỉ bằng chế độ Nhà nước, ông còn vận động các chiến sĩ cũ của ông hỗ trợ cho những gia đình chính sách xã này hai căn nhà tình thương.
Đội nữ du kích mật đã là những phụ nữ tuổi U 60, 70; nhưng ước nguyện lớn nhất, thiêng liêng nhất của ngày xưa khi tham gia chiến đấu là được một lần ra thủ đô, viếng lăng Bác Hồ chưa đạt được. Trung tá Lạc đã hỗ trợ các chị thực hiện ước mơ đó.
Bằng số tiền được khen thưởng và một ít tự đóng góp của các chị, ông Lạc đã vận động thêm các cựu chiến binh miền Bắc hỗ trợ đưa các nữ du kích đi thăm miền Bắc. Hơn cả ước mơ của các chị, chuyến đi không chỉ dừng lại ở Hà Nội mà kéo dài đến tận đền Hùng.
Một ước nguyện, một quyết tâm khác mà ông Lạc đang tiếp tục thực hiện là làm thủ tục khen thưởng cho bà Má Ba Cơm Nguội, một bà mẹ chiến sĩ không chồng không con, cả đời nuôi du kích, bộ đội, chỉ mơ ước có được tờ giấy khen; nhưng đến khi mất đi, mơ ước ấy vẫn chưa thành.
Để thực hiện quyết tâm ấy, trong cái nắng thiêu đốt của những ngày tháng 5/2015 vừa qua, ông lão 80 tuổi ấy cùng với người lính cũ chạy xe máy rong ruổi cả tuần lễ khắp các hang cùng ngõ hẻm của đồng đất Long An truy tìm nhân chứng từng thọ ơn nuôi dưỡng của Má Ba. /.