Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vì lý do chưa có luật
6 phần của Bộ luật Dân sự BLDS sửa đổi gồm: Phần thứ nhất “Quy định chung” từ Điều 1 đến Điều 180; Phần thứ 2 “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” từ Điều 181 đến Điều 303; Phần thứ 3 “Nghĩa vụ và hợp đồng” từ Điều 304 đến Điều 631; Phần thứ tư “Thừa kế” từ Điều 632 đến Điều 688; Phần thứ 5 “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” từ Điều 689 đến Điều 710 và Phần thứ 6 “Điều khoản thi hành” từ Điều 711 đến Điều 712.
Trong Phần thứ nhất “Những quy định chung”, dự thảo Bộ luật tập trung quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, áp dụng pháp luật dân sự; xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự; tài sản; giao dịch dân sự; đại diện; thời hạn và thời hiệu.
Về phạm vi điều chỉnh, để thể hiện rõ hơn vị trí của BLDS với tư cách là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật dân sự, Dự thảo Bộ luật quy định phạm vi điều chỉnh của BLDS bao gồm các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.
Về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự, góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, Dự thảo Bộ luật quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bao gồm: (1) Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự; (2) Nguyên tắc bình đẳng; (3) Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; (4) Nguyên tắc thiện chí, trung thực; (5) Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; (6) Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; (7) Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; (8) Nguyên tắc hòa giải.
Việc quán triệt các nguyên tắc này góp phần bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Về áp dụng pháp luật dân sự, Dự thảo Bộ luật quy định BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong Bộ luật này. Trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của BLDS.
Về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự, Dự thảo Bộ luật quy định cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết.
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, Dự thảo Bộ luật quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân, việc tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương, hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Tài sản thực sự là hàng hóa trong giao lưu dân sự
Một trong những điểm mới nữa tại Phần “Những quy định chung” là quy định về tài sản. Dự thảo Bộ luật sửa đổi, bổ sung quy định về tài sản để bảo đảm tài sản thực sự là hàng hóa trong giao lưu dân sự, bảo đảm quyền của chủ sở hữu và người có vật quyền khác, bảo đảm tự do giao dịch... Theo đó, Dự thảo Bộ luật quy định tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.
Về giao dịch dân sự, Dự thảo Bộ luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về giao dịch dân sự theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, sự ổn định của giao dịch, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình.
Về đại diện, Dự thảo Bộ luật quy định đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân. Pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền cho các chủ thể khác.
Về thời hiệu, Dự thảo Bộ luật quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Cá nhân, pháp nhân căn cứ vào thời hiệu để bảo vệ quyền dân sự của mình. Tòa án có thể tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự do việc hết thời hiệu.
(Còn nữa)